BIDV khẳng định làm đúng, không có trách nhiệm phải hoàn trả tiền Ngân hàng Xây Dựng

BIDV cũng đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo vì các bị cáo không gây thiệt hại cho ngân hàng, không cố ý làm trái, trong quá trình làm việc có một số sai sót nhưng không nghiêm trọng…

Chiều 26/1/2018, phiên tòa xét vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục diễn ra.

Mở đầu phiên tòa, đại diện BIDV được mời lên ý kiến. Bà Nguyễn Thị Phương là Giám đốc Ban Pháp chế BIDV, người đại diện theo ủy quyền của Tổng Giám đốc – Người đại diện theo pháp luật của BIDV trình bày quan điểm để bảo vệ quyền lợi của ngân hàng với 3 quan điểm chính.

Một là BIDV thực hiện tuân thủ quy trình, quy định cho vay theo quy định của pháp luậ. Việc cho vay của BIDV đối với 12 Công ty hoàn toàn tuân thủ các điều kiện cho vay theo quy định tại Điều 7 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001.

Hai là việc nhận tiền gửi và nhận cầm cố hợp đồng tiền gửi của VNCB tuân thủ theo quy định của pháp luật. Việc gửi tiền trên liên ngân hàng của VNCB tại BIDV là hoạt động bình thường, được VNCB thực hiện nhiều lần với số tiền gửi lớn trước và sau khi VNCB giới thiệu 12 Công ty. Việc nhận tiền gửi của VNCB được thực hiện phù hợp với quy định tại Thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, tổ Giám định Ngân hàng Nhà nước xác định VNCB gửi tiền và BIDV nhận tiền là phù hợp với quy định của pháp luật.

Ba là BIDV thực hiện thu hồi nợ đúng quy định của pháp luật và thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng. BIDV không tự động trích từ khoản tiền gửi của VNCB để thu mà do các công ty tự chuyển trả.

Về đối đáp ý kiến của đại diện VKS tại bản luận tội và ý kiến của đại diện Ngân hàng Xây Dựng (CB). Theo bà Phương, trong phiên tòa sáng ngày 22/01/2018, vị đại diện Viện kiểm sát tại Bản luận tội đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên thu hồi 6.126 tỷ đồng từ 3 Ngân hàng BIDV, Sacombank, Tienphongbank để trả lại cho Ngân hàng xây dựng; Buộc Bị cáo Phạm Công Danh và các Công ty thành viên và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn lại số tiền.

Trước đó trong phiên Tòa chiều ngày 17/01/2018, đại diện CB cũng đã yêu cầu 3 ngân hàng hoàn trả cho Ngân hàng xây dựng tổng số tiền 6.126 tỷ đồng và lãi phải trả trên số tiền này.

Như vậy, mặc dù có sự khác biệt giữa ý kiến của đại diện VKS là thu hồi và của đại diện CB là hoàn trả trong một đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng tựu trung giống nhau là đều yêu cầu 3 ngân hàng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra tại VNCB do bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm gây ra.

Theo đại diện BIDV, yêu cầu nêu trên của đại diện VKS và của CB không có sự phân định trách nhiệm cụ thể đối với từng ngân hàng, tuy nhiên qua nội dung Cáo Trạng, qua phần đánh giá về hậu quả xảy ra của VNCB liên quan đến từng nhóm hành vi vay vốn tại 3 ngân hàng và qua nội dung thẩm vấn của các Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Sacombank với đại diện CB tại phiên làm việc ngày 18/01/2018, BIDV hiểu rằng, yêu cầu đối với BIDV được căn cứ vào xác định thiệt hại của VNCB tại Cáo Trạng liên quan đến việc vay vốn và thu nợ của 12 Công ty tại  BIDV. Theo đó, có thể hiểu đại diện VKS, và CB buộc BIDV phải hoàn trả/thu hồi số tiền là hơn 2.550 tỷ đồng.

Với các phân tích đó, BIDV khẳng định BIDV không vi phạm pháp luật và không có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền 2.550 tỷ cho CB dựa trên 8 điểm.

Thứ nhất, yêu cầu thu hồi/hoàn trả số tiền 2.550 tỷ từ BIDV là yêu cầu phi lý, không phù hợp với nguyên tắc xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Việc yêu cầu thu tiền từ các ngân hàng hoàn trả cho VNCB, rồi yêu cầu các Bị cáo bồi hoàn lại cho các ngân hàng, không khác gì “đánh bùn sang ao”, chuyển thiệt hại từ VNCB sang cho các ngân hàng. Mà đại diện VKS, đại diện CB cũng không đưa ra được cơ sở, căn cứ pháp lý rõ ràng của yêu cầu này. Trong khi BIDV không có thiệt mà bản chất thiệt hại ở đây là thiệt hại trong mối quan hệ giữa VNCB và 12 Công ty, là quan hệ pháp lý độc lập, không liên quan đến BIDV. BIDV khẳng định không giao dịch, không quan hệ với cá nhân ông Phạm Công Danh và các bị cáo mà là với Ngân hàng VNCB và 12 pháp nhân công ty.

Thứ hai, thực chất VNCB không thể bị thiệt hại khoản tiền 2.550 tỷ đồng này trong khi vẫn hưởng lợi khoản tiền hơn 4.000 tỷ đồng trong tài khoản của mình.

Thứ ba, thiệt hại xảy ra nếu có theo Cáo trạng, là hoàn toàn do lỗi của VNCB, vì thế VNCB không thể buộc ngân hàng khác gánh chịu.

Thứ tư, BIDV tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình cấp tín dụng, nhận TSBĐ, cho vay, thu nợ nên không có lỗi gì trong việc VNCB bị thiệt hại. Việc này cũng đã được đoàn giám định NHNN xác định.

Thứ năm, việc thu nợ của BIDV đã được Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước kết luận phù hợp quy định pháp luật, được kiểm toán E&Y xác định là phù hợp với các chuẩn mực kế toán, kiểm toán.

Thứ sáu, thiệt hại nếu có xảy ra đã gần 4 năm nay (tháng 5/2014), VNCB trước đây và CB suốt một thời gian dài không có ý kiến, yêu cầu, khởi kiện gì, không thực hiện bất kỳ biện pháp gì để thu hồi thiệt hại. Như vậy có đảm bảo vấn đề thời hiệu xem xét hiệu lực của các giao dịch hay không và trách nhiệm của CB như thế nào?

Thứ bảy, về cơ sở pháp lý trong việc thu nợ tiền vay, cơ sở kinh tế và theo thông lệ thị trường, BIDV không phải và không thể hoàn trả số tiền này.

Thứ tám, hậu quả và các hệ lụy đối với ngành ngân hàng, với môi trường kinh doanh trong bối cảnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng, góp phần tăng trưởng và thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập và thực hiện theo thông lệ quốc tế tốt nhất khi đặt ra việc xem xét lại các giao dịch tất toán nợ vay đã hoàn thành.

Ngoài ra theo đại diện BIDV, BIDV là ngân hàng do Nhà nước nắm giữa cổ phần chi phối với trên 95% vốn điều lệ, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và là công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán, BIDV luôn tuân thủ và thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, hàng năm mang lại nguồn cổ tức ổn định cho các cổ đông, luôn bảo đảm tính công khai, minh bạch về công bố thông tin trong đó có kết quả kinh doanh và hoạt động tài chính. Việc yêu cầu BIDV phải chịu trách nhiệm do các bị cáo gây ra cho VNCB theo đề nghị của VKS và Đại diện CB sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.

Trên cơ sở các phân tích đó, BIDV đề nghị HĐXX:

– Không chấp thuận các yêu cầu của Đại diện VKS và đại diện CB về việc buộc 3 ngân hàng hoàn trả cho VNCB số tiền là 6.126 tỷ, mà phải buộc Phạm Công Danh và đồng phạm ở VNCB và 12 công ty của Phạm Công Danh có trách nhiệm bồi thường cho VNCB ;Công nhận giá trị pháp lý của toàn bộ giao dịch, hợp đồng, tài liệu mà BIDV đã xác lập trong việc cho vay và thu hồi nợ đầy đủ từ 12 Công ty theo đúng kết luận của Đoàn giám định NHNN.

– Về các cán bộ của BIDV liên quan đến vụ án, BIDV hoàn toàn đồng ý với kết luận của Cáo trạng về việc thiệt hại không xảy ra tại BIDV, đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với các cán bộ của BIDV liên quan đến vụ án.

Đối với 3 bị cáo Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo ở BIDV Gia Định, qua hồ sơ vụ án và qua phần thẩm vấn tại phiên tòa cho thấy các bị cáo không biết, và hoàn toàn không thể biết hai ông Trần Hiệp với hai chữ ký khác nhau, xuất hiện tại hai thời điểm khác nhau và hai tư cách khác nhau lại là một người. Tại phần thẩm vấn, Trần Hiệp cũng đã thừa nhận việc thay đổi chữ ký này. Ngoài ra, quá trình thực hiện cho vay và thu nợ đối với công ty thực hiện theo quy trình của BIDV, phù hợp với quy định pháp luật. Mặc dù, quá trình thực hiện ủy nhiệm còn có vài sai sót nhưng không nghiêm trọng, toàn bộ khoản gốc và lãi đã được thu hồi đầy đủ.

Các cán bộ này trong quá trình công tác tại BIDV cho thấy, các cán bộ đều có năng lực, phẩm chất, đạo đức, tư cách tốt, được sinh trưởng và nuôi dưỡng trong các gia đình giàu truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp cho đất nước và xã hội.

Trên cơ sở đó, BIDV đề nghị HĐXX và đại diện Viện kiểm sát xem xét đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, khách quan vụ việc, áp dụng chính xác quy định của pháp luật để đưa ra phán quyết hợp tình, hợp lý, đảm bảo tính đúng đắn của pháp luật, để các bị cáo tâm phục khẩu phục, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo.

Nhóm PV

Theo Trí thức trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…