Thấy giao dịch bất thường, ngân hàng sẽ chủ động khóa thẻ

Khoảng thời gian 23h-5h được bọn tội phạm coi là “khung giờ vàng”, bởi khi đó chủ tài khoản ngân hàng có thể đã ngủ say, không kịp khoá thẻ khẩn cấp.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam – cho biết: “Trong thời gian qua, hiện tượng skimming (ăn cắp thông tin thẻ của chủ tài khoản qua thiết bị gắn tại ATM – PV) ngày càng tăng, việc giảm hạn mức rút tiền tại ATM giúp hạn chế phần nào rủi ro cho khách hàng và ngân hàng”.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc phòng ngừa rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ. Đáng chú ý, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm hạn mức rút tiền vào các thời điểm có nhiều rủi ro (khoảng thời gian 23h-5h) để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Việc tấn công vào tài khoản ngân hàng lúc nửa đêm và rạng sáng thời gian gần đây được các đối tượng tội phạm ưa chuộng. Tháng 6.2018, chị Thùy Nguyễn (Quận Gò Vấp, TPHCM) bị mất toàn bộ số tiền trong tài khoản của DongA Bank. Chị Thùy Nguyễn cho biết: “Vào 3 giờ sáng 27.6, khi tôi đang ngủ thì tài khoản ngân hàng liên tục thực hiện các lệnh rút tiền chỉ trong 3 phút, số tiền 85 triệu đồng đã không còn”.

Đêm 25.4.2018, 12 khách hàng sử dụng thẻ của một ngân hàng lớn bị kẻ xấu hack tiền trong tài khoản.

Có hai nguyên nhân chính khiến thời điểm nửa đêm gần sáng được tội phạm nhắm tới. Thứ nhất, nửa đêm là thời điểm chủ thẻ có thể đang ngủ say và không để ý đến tin nhắn báo về giao dịch rút tiền bất thường vào di động để báo khoá thẻ. Nhiều trường hợp sáng ngủ dậy nhận được tin nhắn rút tiền, chủ thẻ mới “tá hoả” gọi điện đến ngân hàng nhờ trợ giúp thì số tiền đã bị hack sạch trong tài khoản.

Nguyên nhân thứ 2, đó là tại thời điểm giao giữa ngày cũ và ngày mới, hạn mức rút tiền thay đổi. Ví dụ, nếu ngân hàng quy định hạn mức rút tiền mặt qua ATM của thẻ trong 1 ngày là 20 triệu đồng. Nếu tội phạm thực hiện hành vi trước 12h đêm hôm trước sẽ rút được 20 triệu đồng. Kể từ 12h01 là được tính sang ngày mới, tội phạm có thể rút thêm 20 triệu đồng nữa.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam – cho biết: “Trong thời gian qua, hiện tượng skimming gia tăng, thủ đoạn của hacker ngày càng tinh vi. Để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng, một số ngân hàng thương mại giảm hạn mức rút tiền qua ATM trong thời điểm từ 0h – 6h. Theo thống kê, đây là khoảng thời gian hay diễn ra các giao dịch bất thường. Khi phát hiện giao dịch bất thường rút tiền tại ATM diễn ra 2 lần liên tiếp trong khung giờ trên, ngân hàng lập tức chủ động khoá thẻ. Nếu khách hàng thực sự có nhu cầu rút tiền mặt thì liên lạc tới số hotline để được hỗ trợ”.

Mất tiền trong tài khoản lúc nửa đêm thì làm gì?

Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn giao dịch thẻ, khi nhận thấy bất kỳ giao dịch bất thường nào trên tài khoản, cần gọi điện ngay cho số hotline ngân hàng hoặc đến phòng giao dịch gần nhất nhờ hỗ trợ báo khoá thẻ khẩn cấp.

“Ngoài việc báo tổng đài để khóa thẻ thì một số ngân hàng cho phép người dùng khóa thẻ ATM thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử (website hoặc ứng dụng app điện tử trên điện thoại di động). Được biết một số ngân hàng cho phép khóa thẻ trực tuyến như SHB, VIB… cho phép khách hàng khóa trên ứng dụng Mobile banking; ACB, MB, VPBank, TPBank, VIB cho phép khóa thẻ trên Internet Banking.

Ngoài ra, ngay khi phát hiện bị mất tiền, người dùng có thể đổi mật khẩu thẻ ngay trên app điện thoại hoặc cây ATM gần nhất. Người dùng cũng có thể lựa chọn chuyển toàn bộ số tiền còn lại của mình trong thẻ đang bị đánh cắp qua một tài khoản ngân hàng khác” – một chuyên gia an ninh mạng cho biết.

– “Việc giảm hạn mức rút tiền tại ATM vào nửa đêm và gần sáng chỉ giúp giảm một phần rủi ro chứ không giúp ngăn chặn hoàn toàn”. (ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam)

– Theo khảo sát của PV Báo Lao Động về hạn mức rút tiền mặt qua ATM, tại Vietcombank và Vietinbank, đối với chủ thẻ ghi nợ nội địa Vietcombank Connect24 và VietinBank E-partner C-Card đều có hạn mức rút tiền tối đa tại ATM là 50 triệu đồng/ngày và số tiền rút tối đa mỗi lần là 5 triệu đồng/lần. Tại BIDV, đối với chủ thẻ ghi nợ nội địa BIDV eTrans, tuỳ vào hạng thẻ, khách hàng có thể rút tối đa từ 50 – 70 triệu đồng/ngày và số tiền rút tối đa một lần tại ATM là 5 triệu đồng/lần. Tại Agribank, đối với chủ thẻ ghi nợ nội địa Success, hạn mức rút tiền mặt tối đa tại ATM chỉ có 25 triệu đồng/ngày.

Theo Lan Hương

Lao động

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…