Kháng kiện và khởi kiện phòng vệ thương mại: Quan trọng là sự chủ động của doanh nghiệp
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu, nguy cơ đối mặt với tranh chấp, khiếu kiện phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng đáng kể. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải biết cách kháng kiện và khởi kiện phòng vệ thương mại thành công để có thể bảo vệ mình trong sân chơi hội nhập.
Doanh nghiệp còn “lơ là”
Thời gian gần đây các sản phẩm đường nhập lậu từ Thái Lan tràn lan trên thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động các doanh nghiệp trong nước. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải – Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết lượng đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam quá lớn khiến ngành đường nội địa đứng trước rất nhiều thách thức. Còn xét trên phương diện nhập khẩu chính ngạch, hiện nay đường Thái Lan vào thị trường Việt Nam chủ yếu qua trung gian Lào; trong khi đó Việt Nam và Lào đã ký nhiều Hiệp định thương mại cùng các ưu đãi thuế quan với mức thuế 0%, trong đó có mặt hàng đường. Thực tế này dễ dẫn đến nguy cơ để được hưởng ưu đãi thuế quan, sản phẩm đường Thái Lan sẵn sàng “đội lốt” xuất xứ Lào nhập khẩu vào Việt Nam.
Trước lo ngại của đại diện ngành mía đường, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) – bà Phạm Châu Giang khuyến nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành nên xem xét, gửi đơn kiến nghị lên Cục Phòng vệ Thương mại để có cơ sở tiến hành điều tra, sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng góp phần bảo hộ ngành đường trong nước.
Điều quan trọng là thông qua ý kiến của bà Phạm Châu Giang cũng phần nào hé lộ một thực tế rằng các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước vẫn còn thiếu cảnh giác, thiếu kinh nghiệm ứng phó với đối thủ nước ngoài cũng như chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc khởi kiện hoặc thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây cũng chính là đáp án cho câu hỏi vì sao đến nay Việt Nam mới chỉ khởi kiện 9 vụ đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong khi phải nhận tới 130 vụ phòng vệ thương mại ở thị trường xuất khẩu, tỷ lệ chưa bằng 1/10?
Doanh nghiệp cần chủ động phòng vệ thương mại trong sân chơi hội nhập
Cần sự vào cuộc tích cực
Theo ghi nhận của Phó Cục trưởng Phạm Châu Giang, tính đến nay số lượng vụ việc Việt Nam chủ động khởi kiện phòng vệ thương mại chỉ đếm trên đầu ngón tay mặc dù hiện nay nước ta hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành các vụ kiện phòng vệ thương mại bảo vệ nền sản xuất nội địa, nhất là khi Chính phủ đã ban hành Luật Quản lý ngoại thương. Ngoài ra năng lực của Cục Phòng vệ Thương mại cũng đã được cải thiện rất nhiều và hoàn toàn có thể đảm trách thực hiện từ 5-7 vụ phòng vệ thương mại trong một năm. Điển hình đầu tháng 5 vừa qua, Cục Phòng vệ Thương mại đã nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép dây, thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam của Công ty CP thép Hòa Phát Hải Dương và Công ty CP gang thép Thái Nguyên. Chỉ 3 tháng sau khi nhận hồ sơ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại; đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra, cần lưu ý về khả năng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được áp dụng.
Từ thực tế trên, các chuyên gia khuyến nghị các hiệp hội, doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến công tác phòng vệ thương mại, kịp thời phòng tránh các tác động của phòng vệ thương mại cũng như chủ động phối hợp đầy đủ với các cơ quan hữu quan để kháng kiện và khởi xướng các vụ kiện phòng vệ thương mại chính đáng. Bản thân các hiệp hội ngành hàng cũng cần nắm bắt cụ thể tình hình hoạt động của doanh nghiệp thành viên, thu thập số liệu thống kê và tăng cường làm việc với cơ quan quản lý (Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương…) để đề xuất biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết. Đặc biệt, khi vụ việc khởi kiện/kháng kiện đã được khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần tích cực tham gia, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để tránh trường hợp cơ quan điều tra sử dụng dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá, trợ cấp cũng như đưa ra các bằng chứng thuyết phục để khởi kiện thành công.
Về phía Bộ Công Thương sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thực hiện khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với những hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp làm việc trực tiếp với các tổ chức, các bên liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại. Bộ cũng đã yêu cầu các Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xúc tiến, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo : Nguyễn Cường
Cherry Media – https://bizc.vn
[elementor-template id=”16904″]