Nhà đất thổ cư TP.HCM quay đầu giảm giá trước tháng cô hồn
Không chỉ đất nền dự án, mảng nhà đất thổ cư, nhà đất riêng lẻ nằm trong các khu dân cư tại TP.HCM cũng có hiện tượng giảm giá, hoạt động mua bán ảm đạm trước tháng cô hồn.
So với vài tháng trước, giao dịch nhà đất thổ cư tại Tp.HCM hiện tại đã giảm nhiệt đáng kể. Đặc biệt, người mua thực có động thái “né’ tháng cô hồn.
Tìm hiểu tại các khu vực như các quận Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Q.3…giao dịch nhà riêng ở thời điểm này giảm rõ nét. Theo một môi giới khu vực, so với thời điểm cách đây 2 tháng, giao dịch có thể giảm 60-70% do người mua “né” thời điểm sát tháng cô hồn. Giá nhà đất giảm khoảng 10-15% so với hồi đầu năm.
Một số hồ sơ rơi vào cuối tháng 6 âm lịch, môi giới đều phải xử lý nhanh cho khách hàng sao cho không rơi vào tháng cô hồn. Theo môi giới này, không phải giao dịch “tắt hẳn” nhưng đa số khách mua đều có tâm lý kiêng cữ tháng cô hồn nên lượng khách đi xem nhà giảm rõ nét. Chưa kể, trong đợt sốt đất vừa qua, đa số nhà đầu tư dồn tiền vào đất nền dự án nên phân khúc nhà riêng cũng bị ảnh hưởng một phần về sức mua mặc dù giá có sự tăng trưởng.
Q.Gò Vấp được xem là nơi diễn ra hoạt động mua – bán nhà riêng sôi động nhất của khu Tây Tp.HCM do có lợi thế rõ nét về tiện ích, cư dân đồng bộ. Tuy nhiên, thời điểm này ghi nhận thị trường nhà riêng khu vực trầm lắng hẳn.
Theo môi giới này, thực ra giao dịch có xu hướng giảm từ thời điểmTết nguyên đán đến nay. Một phần do nguồn cung có mức giá trên dưới 3 tỉ đồng/căn khan hiếm, sự lựa chọn của khách mua hạn hẹp dần, phần vì giá nhà riêng khu vực này đã tăng quá cao trong vòng 2 năm nay khiến những người mua thực khó tiếp cận, tỉ suất lợi nhuận của nhà đầu tư cũng giảm khi khó bán giá quá cao, thanh khoản chững.
Trong khi đó, nhà riêng tại khu vực ven Tp.HCM như Q.9, Q.2, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi… sức mua hiện tại cũng “chững” lại so với cuối năm 2017. Ngay tại thời điểm trước tháng cô hồn, ghi nhận lượng khách đi xem nhà riêng giảm hơn 1 nửa. Trong khi loại hình này so với cùng kỳ năm ngoái giá cũng tăng khá cao, ở ngưỡng 20-30%. Do đó, hiện những căn nhà diện tích 50-60m2 rao bán với mức giá 2-3 tỉ đồng/căn khó ra hàng do vượt tầm tài chính của số đông người lao động tỉnh lẻ.
Ghi nhận tại khu vực P.Long Trường, P.Trường Thạnh, P.Phước Long B (Q.9); Tân Hiệp, Tân Thới Nhì (Hóc Môn); Tân Thới Hiệp (Q.12)… nhiều nhà đầu tư (NĐT) sở hữu những căn nhà riêng mới xây (hoặc xây theo dãy) hiện chưa ra được hàng. Tuy nhiên, bên cạnh một số NĐT giảm giá khoảng 10-15% so với thời điểm tháng 2/2018 để ra hàng nhanh thì hầu hết các NĐT giữ giá bán mặc dù không có giao dịch.
Tiếp xúc với một NĐT ở Q.9, NĐT này sở hữu 2 căn nhà riêng được “tân trang” lại từ nhà đã cũ, rao bán chênh so với giá mua mua vào khoảng 1 tỉ đồng/2 căn. Tuy nhiên, rao bán từ thời điểm tháng 3/2018 nhưng hiện 2 căn nhà vẫn chưa có chủ. Tuy vậy, NĐT này quyết không giảm giá bán mà còn khẳng định, nếu chưa ra được hàng, có thể thay đổi giá bán, tăng thêm khoảng 100 triệu đồng/căn cho thời điểm cuối năm.
Còn một NĐT khác sống tại huyện Nhà Bè thì chấp nhận giảm giá 80 triệu đồng cho căn nhà 1.5 tỉ đồng ở hẻm Lê Văn Lương vì muốn ra hàng nhanh, thu dòng tiền. Tuy nhiên, gặp giai đoạn tháng cô hồn nên mặc dù đã giảm giá nhà của NĐT vẫn chưa ra bán được.
Theo ghi nhận, thị trường nhà riêng tại Tp.HCM giá đã tăng khá cao so với cách đây 1-2 năm là nguyên nhân khiến giao dịch thực bị ảnh hưởng. Trong khi phân khúc giá vừa túi tiền thì đã khan hiếm, nguồn hàng giao dịch trên thị trường khu vực trung tâm hiện nay chủ yếu rơi vào ngưỡng giá 5-8 tỉ đồng/căn, kén khách mua. Còn tại khu ven, những căn nhà ở mức giá 1.6 – 2.5 tỉ đồng/căn thì lại khá xa trung tâm, hẻm nhỏ nên khách mua “e dè”.
Bà Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Hoàng Hà cho rằng, thị trường nhà riêng bị ảnh hưởng chung bởi thị trường BĐS thời gian qua. Mặc dù sự ảnh hưởng không rõ rệt như các phân khúc khác, nhưng khi dòng tiền của NĐT chủ yếu rót vào đất nền thì nhà riêng bị phân bổ bởi đối tượng khách hàng. Khách đầu tư thường có tâm lý kênh nào lợi nhuận nhanh- cao hơn sẽ dồn vào, do đó nhà riêng ít biến động nhưng cũng ít tăng giá đột biến nên chưa hấp dẫn NĐT.
Đặc biệt, theo bà Hà ở giai đoạn hiện nay nhiều môi giới tham gia thị trường nên nguồn hàng ngày càng cạn kiệt, nhu cầu thực tế vẫn có nhưng lại không có nguồn hàng phù hợp để bán. Chưa kể, một số nhà môi giới làm ăn chộp giật hét giá cao khiến giao dịch bị ảnh hưởng.
Theo Nhịp sống kinh tế
[elementor-template id=”16904″]