Giáo sư Đàm Thanh Sơn được trao huy chương Vật lý Dirac 2018
Giáo sư Đàm Thanh Sơn cùng 2 nhà khoa học đang làm việc tại Mỹ được trao huy chương Vật lý Dirac vì những đóng góp cho sự hiểu biết về các hệ thống đa vật.
Trung tâm Quốc tế Abdus Salam về Vật lý Lý thuyết (ICTP, trụ sở tại Trieste, Italy) ngày 8/8 vừa công bố tên 3 nhà khoa học được trao Huy chương Dirac 2018, đó là GS Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago), Subir Sachdev (Đại học Harvard) và Xiao-Gang Wen (Viện Công nghệ Massachusetts – MIT).
Trang web của ICTP cho biết, huy chương được trao cho 3 nhà khoa học “vì những đóng góp độc lập của họ cho sự hiểu biết các thể mới trong sự tương tác mạnh mẽ của các hệ nhiều vật và giới thiệu các kỹ thuật liên ngành gốc”.
Thuyết nhiều vật (many-body theory) là một lĩnh vực của vật lý cung cấp khung hiểu biết đối với hành vi tập thể của một số lượng lớn các hạt tương tác với nhau.
Thông báo trao huy chương Dirac 2018 của ICTP. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình) |
Trong khi các định luật vật lý giải thích chuyển động của các hạt đơn lẻ có thể đơn giản (dù không phải lúc nào cũng vậy), việc tìm hiểu cách thức tập thể của các hạt có thể cực kỳ phức tạp. Trong một số trường hợp, hiện tượng đột sinh hầu như không còn tương đồng gì với quy luật sơ cấp.
ICTP cho biết cả 3 nhà khoa học được trao huy chương đều nghiên cứu về cách thức các cơ chế lượng tử ảnh hưởng đến các nhóm hạt lớn, tức các hệ thống nhiều vật.
Các nhà khoa học đã hiểu được việc các định luật lượng tử ảnh hưởng như thế nào đối với chuyển động của các nhóm rất nhỏ hạt, nhưng các vật dụng trong đời sống hàng ngày thường được tạo nên bởi số lượng hạt cực lớn, khoảng 10^23. Các hạt tương tác với nhau theo nhiều cách thức. Việc cân nhắc các hiện tượng rối lượng tử – tức trạng thái lượng tử của 2 vật thể có liên hệ nhau – là rất quan trọng trong việc nghiên cứu các tương tác này và việc áp dụng các cơ chế lượng tử vào những hệ thống như thế này thường rất phức tạp.
Một trong những cách để nghiên cứu các hệ nhiều vật là nhìn vào thể của vật chất. Các thể quen thuộc là rắn, lỏng và khí nhưng với các vật liệu lượng tử hiện đại, các nhà khoa học đã khám phá thêm nhiều thể mới.
Các nhà khoa học được trao huy chương đều là người có đóng góp quan trọng trong việc hiểu về các thể mới này cũng như quá trình “chuyển thể”, thường xảy ra trong điều kiện các biến số bên ngoài như nhiệt độ và áp suất thay đổi. Sự chuyển thể có thể khiến đặc tính của vật chất thay đổi và 3 nhà vật lý trên đã giúp làm sáng tỏ việc chính các mô thức của sự rối electron đã gây nên sự thay đổi đặc tính.
Việc hiểu về tính năng động của các hệ nhiều vật giúp các nhà khoa học hiểu cách thức các đặc tính của vật thể được hình thành và giúp tạo ra những loại vật liệu mới.
“Các nhà khoa học được huy chương Dirac năm nay đều là người dẫn đầu trong việc sử dụng các phương pháp đa ngành trong việc trả lời các câu hỏi vật lý lý thuyết nền tảng”, Giám đốc ICTP Fernando Quevedo cho biết.
“Dù những người đạt giải đều đang sống tại Mỹ, tôi vui mừng trước việc họ đều đến từ các nước đang phát triển và có liên hệ gần gũi với sứ mệnh của ICTP”.
Ông Sachdev sinh ra ở New Delhi, Ấn Độ trong khi Wen đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc.
GS Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 ở Hà Nội. Bố ông là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; mẹ là PGS. TS sinh hoá Nguyễn Thị Hảo; chú ruột là giáo sư Vật lý Đàm Trung Đồn. Ông hiện làm việc tại Đại học Chicago, là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ.
Huy chương Dirac của ICTP được lấy theo tên của Paul Dirac, một trong những nhà vật lý lý thuyết vĩ đại nhất thế kỷ 20. Huy chương công bố vào ngày 8/8 mỗi năm, tức sinh nhật của Dirac. Người nhận huy chương sẽ được kèm giải thưởng 5.000 USD.
Theo : baoquocte.vn
[elementor-template id=”16904″]