Chuyên gia Mỹ: Tỷ giá không phải là mối lo của Việt Nam từ nay đến cuối năm
Vị giáo sư của Đại học Indiana Hoa Kỳ thậm chí còn cho rằng, từ giờ đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (SBV) sẽ mua vào USD, tiền Đồng sẽ tăng giá chứ không phải mất giá.
Theo ông Andreas Hauskrecht, giáo sư trường Đại học Indiana Hoa Kỳ, Thành viên nhóm sáng kiến Việt Nam, đồng USD trên thị trường thế giới tăng mạnh thời gian qua một phần do chính sách nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Sau 2 lần tăng từ đầu năm tới nay, dự kiến từ giờ đến hết năm 2019 Fed sẽ có thêm khoảng 4 lần tăng lãi suất nữa, tổng cộng thêm khoảng 1,25 điểm phần trăm.
Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện nay, Mỹ là nước nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn xuất sang Trung Quốc vì thế họ có lý do để thực hiện chiến tranh thương mại, trong khi đó Trung Quốc xuất quá nhiều hàng sang Mỹ nên họ bị bất lợi hơn.
Trong lịch sử cho thấy các cuộc chiến tranh thương mại có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, và cuối cùng là chiến tranh tiền tệ với việc sử dụng tỷ giá như một vũ khí trong cuộc chiến.
Ông phân tích, “vũ khí” mà Trung Quốc có thể sử dụng đầu tiên là FDI. General Motors và các tập đoàn khổng lồ khác của Mỹ đang sản xuất ở Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ, vì thế Trung Quốc có thể đánh vào các doanh nghiệp này.
Còn kịch bản chiến tranh tiền tệ cũng đã xuất hiện rõ ràng. Khi Fed bắt đầu nâng lãi suất thì Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã nâng lãi suất theo. Gần đây nhất vào tháng 6/2018 khi Fed nâng lãi suất nhưng Trung Quốc không tăng theo mà thay vào đó là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 2 lần, qua đó bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. Kết quả là riêng từ đầu tháng 6 tới nay đồng NDT đã giảm thêm gần 4% và nâng tổng mức giảm từ đầu năm tới nay là 9,6% (đến tháng 6 mới là 6%).
Trong phát biểu mới đây, chủ tịch Fed cho biết nếu các mức thuế quan tác động lên lạm phát trong nước thì Fed sẽ hành động tức thì và tiếp tục nâng lãi suất ngắn hạn với tốc độ nhanh hơn và lớn hơn so với dự kiến ban đầu. Phía Trung Quốc đã để cho đồng NDT giảm giá gần 10%, theo chuyên gia, họ có thể chủ động hơn nữa với đồng tiền này nhưng còn một vũ khí rất mạnh chưa sử dụng tới đó là là họ đang nắm giữ khối lượng rất lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Dưới tác động từ chính sách của Fed và chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, nhiều nền kinh tế mới nổi đã để cho đồng bản tệ của họ yếu đi hoặc cũng đã có những thay đổi với chính sách tiền tệ một cách linh hoạt.
Còn Việt Nam thì sao?
Từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VND đã lên giá mạnh mẽ, mức tăng khoảng 2,6% ở các ngân hàng thương mại và thị trường tự do, cùng nhiều mối lo ngại tỷ giá sẽ khó mà đứng yên trong thời gian tới. Tuy nhiên giáo sư Andreas Hauskrecht cho rằng các mối đe dọa đối với tỷ giá là không có. “Tỷ giá không phải là điều đáng lo ngại đối với Việt Nam” – ông nói.
Ông đánh giá, từ nay đến cuối năm 2018 không có dấu hiệu nào cho thấy dòng vốn rút khỏi Việt Nam khi thị trường vẫn còn đang hấp dẫn cho dù rủi ro quốc gia có tăng lên.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lớn hơn rất rất nhiều lần so với dòng vốn gián tiếp (FII) vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu, do đó cũng không có mối đe dọa tức thì nào về khả năng rút vốn.
Đối với thị trường chứng khoán, thời gian qua có sự điều chỉnh trong đó có nguyên nhân một phần từ việc dòng vốn FII chảy ra, nhưng quá trình này có thể kiểm soát được bởi thị trường chứng khoán Việt Nam đang tốt hơn nhiều so với khu vực và triển vọng sẽ ổn định.
Tất cả các lý do đó khiến cho dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào mạnh mẽ. Ông cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ phải can thiệp bằng cách mua vào ngoại tệ, bởi nếu không thì tiền Đồng sẽ lên giá trở lại.
Ông đồng thời đánh giá, với quy mô dự trữ ngoại hối cao kỷ lục hiện nay, NHNN hoàn toàn có năng lực để kiểm soát đồng nội tệ. Vị giáo sự khuyến nghị NHNN nên tiếp tục trung hòa dòng vốn vào thông qua việc can thiệp trên thị trường ngoại hối và tiếp tục chuẩn bị nhằm hướng đến một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn.
Đề cập đến câu chuyện chống đô la hóa, ông Andreas Hauskrecht cho biết Việt Nam là một ví dụ thành công nhất trong cuộc chiến chống đô la hóa. Năm 1998, tỷ lệ đô la hóa nền kinh tế là 47% thì đến nay chỉ còn chưa đến 8%.
Và ông cho rằng Việt Nam nên tiếp tục theo đuổi chiến lược chống đô la hóa đã được hoạch định. Để làm được điều đó, SBV nên tiếp tục không áp dụng lãi suất với tiền gửi bằng USD ở mọi kỳ hạn; linh hoạt tỷ giá; cần đạt mục tiêu chấm dứt huy động và cho vay bằng USD của hệ thống ngân hàng, thay vào đó là xây dựng thị trường mua bán USD có tính thanh khoản; và mục tiêu cuối cùng là nên chuyển sang cơ chế lạm phát mục tiêu.
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]