Gốc bền vững của quan hệ Việt – Đức
Quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc luôn được xây dựng và gìn giữ trên cơ sở những tương đồng trong quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai. Quan hệ Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức cũng không phải là ngoại lệ.
Trong rất nhiều cuộc tiếp xúc từ xưa đến nay, điều làm tôi cảm nhận sâu sắc nhất là việc người Đức nhắc nhiều đến nét tương đồng giữa hai dân tộc, coi đó là cơ sở vững chắc của mối quan hệ Việt – Đức. Tôi đã lắng nghe và chiêm nghiệm để rút ra nhận thức mới trong quan hệ hai nước.
Dấu ấn Việt trong lòng nước Đức
Về diện tích và dân số, Việt Nam và Đức tương đương nhau. Diện tích Việt Nam là 310.060km², dân số 96.537.779 người, trong khi Đức có diện tích 348.520km² và dân số là 82.300.703 người (theo số liệu của Liên hợp quốc ngày 19/7/2018).
Về lịch sử, điều mà các bạn hay nhắc đến là trong quá khứ hai nước cũng từng bị chia cắt trái với mong muốn của hai dân tộc. Nguyện vọng tha thiết nhất của người Việt hay người Đức trong suốt chiều dài lịch sử hiện đại là thống nhất đất nước. Tuy hoàn cảnh mỗi nước khác nhau, nhưng hậu quả nặng nề của quá trình chia cắt khiến hai bên có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ.
Buổi giới thiệu sách của nhà văn Pháp gốc Việt Isabelle Müller tại Hội Đức-Việt (DVG) và Hội người Việt Nam tại Berlin Brandenburg. (Ảnh: NHT) |
Người Đức đánh giá rất cao những thay đổi ở Việt Nam sau “Đổi mới” năm 1986 khiến bộ mặt kinh tế, xã hội của đất nước thay đổi nhanh chóng theo hướng tích cực. Các bạn thường hay liên tưởng đến đất nước mình sau chiến tranh năm 1945. Vào thời điểm đó, người Đức với ý chí ngoan cường và lòng quyết tâm làm lại từ đầu đã dọn dẹp đống đổ nát của chiến tranh, từng bước xây dựng lại kinh tế đưa nước mình bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ mà sau này gọi là “sự thần kỳ kinh tế Đức” (Wirtschaftswunder) thập niên 60, 70. Bạn nhìn thấy cái không khí quyết tâm đó (Aufbruchstimmung) ở Việt Nam hiện nay.
Những “định mệnh” của lịch sử cũng tạo cho hai nước nguồn tài nguyên vô giá, đó là cộng đồng người Việt nói tiếng Đức, gắn bó với nước Đức, với con người và văn hóa Đức. Hơn 100.000 người Việt ở Việt Nam và gần 200.000 người Việt đang ở Đức chính là những nhịp cầu quan trọng nhất cho quan hệ hai nước. Người Việt học nhiều từ người Đức về tính kỷ luật, chuyên nghiệp, tỉ mỉ và nghiêm túc trong công việc. Người Đức đánh giá cao những đức tính tốt đẹp của người Việt, như cần cù, chịu khó học hỏi, khéo tay…
Cộng đồng người Việt ở Đức được đánh giá là cộng đồng ngoại kiều hội nhập tốt nhất và thành công nhất. Không phải không có lý khi nhiều bạn Đức gọi người Việt là “người Phổ ở phương Đông” (“Preussen im Osten”). Người Phổ nổi tiếng ở Đức từ xưa về tính kỷ luật, chuyên nghiệp. Điều này rất hiếm trong quan hệ của Đức với các nước khác ngoài châu Âu.
Một buổi sinh hoạt ngoài trời của Hội người Việt Nam tại thành phố Stuttgart, Đức (Ảnh: NHT) |
Điều không thể đong đếm
Do lịch sử chia cắt nên trước khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quan hệ chủ yếu với Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức. Vào thời điểm chiến tranh đó, CHDC Đức cũng như các nước anh em khác không chỉ giúp Việt Nam về vật chất, mà còn là chỗ dựa tinh thần to lớn trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Ngay khi chiến tranh ác liệt nhất hàng trăm học sinh Việt Nam đã được gửi sang Đức để học tập sau này về xây dựng đất nước. Khi làm việc ở Berlin vào những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước, tôi có dịp đến thăm vợ chồng thầy giáo Hans Haubenschild năm đó đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Thầy Haubenschild không chỉ là Hiệu trưởng ở trường Moritzburg mà còn là người cha của các học sinh Việt Nam. Rất nhiều người Đức khác đã gắn bó máu thịt với Việt Nam từ những ngày ấy, như phong trào ủng hộ giúp đỡ Việt Nam trong Ủy ban đoàn kết (Solidaritätskomitee) trước kia và sau này là “SODI” rà phá bom mìn ở Quảng Trị. Chúng ta cũng không thể nào quên khẩu hiệu “Đoàn kết với Việt Nam lúc này lại càng cần thiết” của nhà lãnh đạo E. Honecker khi chiến tranh biên giới nổ ra năm 1979.
Mới đây, tại Berlin, tôi cũng gặp lại những người bạn Đức chí tình với Việt Nam và tình cảm của họ vẫn không mảy may thay đổi. GS. Horst Klinkmann (84 tuổi), nguyên Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học CHDC Đức hay GS. Diemar Enderlein (75 tuổi) – nguyên Giám đốc Học viện Quân y Greifswald… đã không chỉ có công đào tạo những bác sĩ, bác sĩ quân y cho một Việt Nam đang kháng chiến, mà ngày nay vẫn mong muốn tiếp tục đóng góp, dù tuổi đã cao.
Những người trồng cà phê ở Tây Nguyên hay những nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam không thể nào quên được cụ Siegfried Kaulfuß (86 tuổi), người đã đến Tây Nguyên ngay từ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam để hướng dẫn chúng ta xây dựng các nông trường cà phê. Và ngày nay, Việt Nam là nước đứng đầu về xuất khẩu cà phê sang Đức.
Năm 2015, cụ Kaulfuß đã quay trở lại Tây Nguyên để chứng kiến những đổi thay từ dạo ấy. Phim tài liệu về chuyến đi này của cụ chiếu trên kênh MDR đã được người dân Đức chào đón nồng nhiệt. Cụ cho biết sẽ tiếp tục đi Việt Nam hay đi bất kỳ đâu để quảng bá cho cà phê Việt.
Và tình cảm không biên giới
Phía Tây Đức, dù trước 1975 không có quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam DCCH, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến tình cảm nhân dân Tây Đức dành cho Việt Nam. Những phong trào phản chiến trong sinh viên học sinh Tây Đức, phong trào “Giúp đỡ Việt Nam” (Hilfsaktion Vietnam) nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Vì thế, từ phía Tây nước Đức, những phong trào đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mang ý nghĩa nhân văn thiết thực. Những chuyến hàng quần áo, thuốc men, dụng cụ y tế hay xe đạp, xe lăn… đều đặn đến với Việt Nam.
Những người bạn lớn của Việt Nam như cụ Weber, GS. Gieselfeld – Chủ tịch Hội Đức-Việt (DVG) cùng rất nhiều nhân chứng sống cho sự ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam từ phía Tây Đức, ngày nay, đã là các cụ, các ông, bà.. và tôi đã có may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với họ trong suốt 4 thập kỷ gắn bó với nước Đức.
Ấn tượng mạnh với tôi là một nhà chính trị, nghị sĩ Quốc hội Liên bang – từng sống tại Frankfurt am Main. Ông là một trong những người đã xuống đường ở Frankfurt trong “Phong trào 68” ở Tây Âu. Ông vốn là con trai duy nhất của một nhà tài phiệt ở Frankfurt, có ngân hàng tư nhân. Sau khi mất, bố ông đã di chúc để lại cho ông thừa kế toàn bộ hàng chục triệu DM (Mác – Tây Đức) của mình. Thay vì tiếp tục duy trì công việc kinh doanh tiền tệ, ông đã dùng hầu hết số tiền này để ủng hộ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Chính phủ cánh tả của Tổng thống Salvador Allende (Chile).
Hồi đó, trong một chuyến đi sang Đông Berlin, ông đã lặng lẽ ôm bọc tiền lớn giao cho vị Đại sứ của “Việt Cộng” ở CHDC Đức và nhận về lời cảm ơn và một tấm giấy chứng nhận. Ông cũng không kể với ai về câu chuyện đó cho đến khi gặp tôi. Tôi hỏi, con ông có phàn nàn gì về việc ông mang tiền thừa kế của gia đình đi hiến tặng mà không cho họ? Ông nói, các con ông không có ý kiến gì vì chúng có cuộc sống riêng của mình. Con trai ông làm nghề lái taxi ở Frankfurt, kiếm được vài ba ngàn Euro mỗi tháng nên cũng đủ sống.
Có thể thấy, quan hệ giữa các quốc gia hiện nay nhiều khi được tính trên cơ sở lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế theo nguyên tắc “cùng thắng” (win – win). Điều đó cần thiết nhưng chưa đủ để quan hệ phát triển bền vững như chúng ta đang chứng kiến hiện nay trên thế giới. Mục đích cuối cùng của mọi quan hệ là phục vụ lợi ích của con người và vì vậy, nếu không có sự gắn bó giữa những người sống ở các quốc gia khác nhau thì liệu quan hệ đó có lâu dài, bền chặt, có vượt qua những khó khăn trở ngại?
Mới đây nhiều doanh nghiệp Đức đang làm ăn ở Việt Nam có nói với tôi về “triết lý mới” trong kinh doanh của họ. Đó là tăng cường những hoạt động gắn kết ngoài công việc với người lao động Việt Nam. Phải chăng có sự chuyển biến trong tư duy của những người Đức nổi tiếng về “duy lý”, “nguyên tắc” ?
Tôi luôn tin tưởng một điều là quan hệ Việt – Đức đã trải qua bao thăng trầm trong lịch sử sẽ ngày càng phát triển hơn nữa vì người Việt và người Đức luôn hiểu và tôn trọng, học hỏi lẫn nhau. Đó là cái gốc của mọi mối quan hệ.
Nguyễn Hữu Tráng*
(từ Berlin, Đức)
(*) Tác giả là Thường vụ Hội Hữu nghị Việt – Đức, khóa IV.
Theo : baoquocte.vn
[elementor-template id=”16904″]