7 dấu hiệu của những nhân viên sắp bị đuổi việc
Trong quá trình làm việc, có rất nhiều dấu hiệu rõ ràng ở nhân viên mà những nhà quản lý có thể nhìn ra để nhanh chóng thanh lọc bộ máy của mình.
Khi nói đến môi trường công việc, bạn có thể nghĩ về “hiệu suất thấp” theo nhiều cách. Tuy nhiên chúng đều có những đặc điểm chung. Và dù các nhân viên bị gắn mác này từ bao giờ, tại sao có thể là một câu chuyện khác, nhưng đối với các công ty, mọi chuyện đều bắt đầu bằng việc nhận ra một số đặc điểm dưới đây. Nếu bạn nhận thấy một nhân viên làm việc không hiệu quả, đó là bước đầu tiên để thực hiện những thay đổi cần thiết.
Luôn than phiền
Bất kể tại sao một người lại kêu ca, và họ kêu ca với ai (và về điều gì) thì điều đó cũng cho thấy họ không sẵn sàng bỏ công sức ra để thay đổi tình hình. Đó là những người luôn lãng phí thời gian, và họ luôn thấy than phiền thì dễ dàng hơn là bắt tay vào công việc.
Luôn lấy cớ
Tương tự như than phiền, đây cũng là một đặc điểm của hiệu suất thấp. Công việc không được hoàn thành vì có những thứ khác được ưu tiên hơn là một chuyện, nhưng nếu vì một cái cớ không thỏa đáng nào đó, thì rõ ràng nhân viên này có vấn đề. Hãy chú ý xem liệu họ có luôn đưa ra cớ này cớ nọ cho mọi chuyện hay không, nếu đó trở thành thói quen thì có lẽ người này không cần cho công ty của bạn nữa.
Luôn trì hoãn
Thường thì một nhân viên sẽ hoãn việc gì đó lại vì một lý do nào đó, nhưng đôi khi bạn nhận thấy người này làm ra vẻ như việc đó không cần phải vội và coi việc đó chỉ là “chuyện nhỏ.” Và nếu chuyện này diễn ra thường xuyên thì đó sẽ là một vấn đề lớn.
Hỏi ý kiến cấp trên về mọi việc
Điều này có thể xảy ra vì 2 lý do:
– Họ hy vọng cấp trên sẽ làm việc đó thay mình hoặc giao cho người khác
– Họ không cảm thấy mình đủ khả năng làm việc độc lập và hoàn thành công việc một mình.
Dù lý do gì thì họ cũng cho thấy mình không làm việc hiệu quả. Một phần của hiệu quả công việc là có khả năng xử lý vấn đề, sáng tạo để tìm ra giải pháp và nỗ lực để giải quyết các vấn đề. Phần còn lại là thực sự muốn giải quyết các vấn đề đó. Báo cáo mọi chuyện với cấp trên không giúp được họ đạt đến bất kỳ điểm nào nêu trên, và vì thế hiệu suất công việc của họ rất thấp.
Chỉ quan tâm đến việc được ghi nhận công lao
Đây là dấu hiệu điển hình của một nhân viên không quan tâm đến công việc. Vì thế, họ chỉ tỏ ra chăm chỉ khi việc đó mang lại lợi ích cho họ. Không chỉ có thế, đây còn là đặc điểm cho thấy một nhân viên không có động lực làm việc. Và điều này dẫn chúng ta đến đặc điểm tiếp theo.
Không có hứng thú hoặc động lực làm việc
Bạn có thể thấy một người không có động lực làm việc nếu họ làm mọi chuyện đã nêu ở trên (luôn phàn nàn, trì hoãn, làm phiền cấp trên, v.v.). Cố gắng và nỗ lực làm gì khi mà họ không hề quan tâm đến công ty và những mục tiêu mà công sức của mình tạo ra?
Trong một số trường hợp, sự thiếu động lực và suy giảm hiệu suất làm việc là kết quả cho thấy một nhân viên không còn thích hợp với công ty nữa. Và cách tốt nhất cho cả nhân viên và công ty là để họ ra đi.
Không chú tâm phát triển bản thân
Điều này thường xảy ra khi người ta thấy tự mãn với công việc của mình. Có thể họ vẫn làm việc được giao, không lấy cớ hay phàn nàn gì, và đôi khi còn góp phần giải quyết vấn đề nhưng nếu họ không tiếp tục phát triển bản thân thì công việc sẽ dậm chân tại chỗ.
Bài học rút ra
Như bạn thấy, các đặc điểm vừa nêu bổ sung cho nhau và ràng buộc với nhau. Nó cũng gần như hiệu ứng domino vì thế một nhân viên làm việc không hiệu quả sẽ có nhiều hơn một đặc điểm trong danh sách kể trên. Và điều tốt nhận bạn có thể làm là tìm kiếm và nhận diện những dấu hiệu này, rồi sau đó làm những việc cần thiết để làm cho nhân viên có động lực làm việc trở lại.
Trí thức trẻ