Đối thủ một thời của Tân Hiệp Phát, Tribeco… dần "trở lại", nửa đầu năm lãi đậm hơn 100 tỷ đồng
Theo giải trình từ Interfoods, nửa đầu năm với công tác tối đa hóa lực lượng bán hàng, tận dụng nhu cầu thị trường để tăng doanh số, đi cùng với việc duy trì giá mua nguyên vật liệu cũng như tiết chế các loại chi phí khác… đã giúp Công ty tăng lãi ròng.
CTCP Thực phẩm Quốc tế (Interfoods, IFS) vừa báo kết quả kinh doanh quý 2/2018 với doanh thu đạt 432 tỷ đồng, tăng hơn 16%; biên lãi gộp cũng cải thiện đáng kể lên mức 40,7% so với cùng kỳ 2017.
Tương ứng, ông chủ sản phẩm trà bí đao Wonderfarm lãi gần 66 tỷ đồng sau thuế, tăng 71,5% so với quý 2/2017.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần Công ty đạt 758 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 104 tỷ đồng; tăng lần lượt 18% và 84% so với nửa đầu năm ngoái. Với khoản tiền lãi nói trên, Công ty tiếp tục giảm lỗ lũy kế xuống còn 590 tỷ đồng.
Theo giải trình từ Công ty, nửa đầu năm với công tác tối đa hóa lực lượng bán hàng, tận dụng nhu cầu thị trường để tăng doanh số, đi cùng với việc duy trì giá mua nguyên vật liệu cũng như tiết chế các loại chi phí khác… đã giúp Công ty tăng lãi ròng.
Được biết, sau gần thập kỷ “đắm chìm” trong lỗ, Interfoods dần dà hồi sinh hơn 2 năm trở lại đây. Trước đó, sau khi chính thức chuyển mô hình hoạt động sang CTCP, Interfood tiến hành ký hợp đồng với Wonderfarm Biscuits and Confectionery để sử dụng thương hiệu “Đại nông trại” hay “Wonderfarm” cho các sản phẩm của mình. Cùng với hai thương hiệu khác là “OKAYO” và “TOP”, Interfood trở thành một trong số những công ty giữ thị phần cao đối với sản phẩm nước trái cây không gas và đồ uống độ cồn nhẹ tại khu vực phía Nam vào những năm 2005-2006. Lúc bấy giờ, thương hiệu đồ uống của Công ty chiếm khoảng 50-60% thị phần nước trái cây không gas, cạnh tranh trực tiếp với Nước giải khát Chương Dương, Tribeco hay Tân Hiệp Phát.
Tuy nhiên, khó khăn ban đầu từ việc thay đổi nhà máy sản xuất, cùng với sự vươn lên của nhiều thương hiệu nước giải khát đã khiến thị phần của công ty ngày càng bị thu hẹp và điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến bức tranh lợi nhuận những năm sau đó. Mở đầu là năm 2008, Interfood báo lỗ hơn 220 tỷ đồng. Đỉnh điểm là giai đoạn 2011-2014, khoản lỗ Công ty ngày càng gia tăng, ghi nhận ở mức 176 tỷ đồng. Bước sang năm 2013, toàn bộ số cổ phiếu IFS trên HoSE cũng bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.
Trở lại với đà hồi phục, tính đến ngày 30/6/2018, nợ phải trả của IFS giảm đi đáng kể 117 tỷ còn trên 253 tỷ đồng; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm mạnh còn 0,59 lần. Đặc biệt, mục vay ngắn hạn của Công ty giảm đến 140 tỷ (trả nợ công ty mẹ Kirin Holdings Singapore), xuống còn 46 tỷ đồng; chi phí phải trả giảm gần 27 tỷ đồng.
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]