Tisco: Giá vốn tăng cao, LNST 6 tháng giảm 43% so với cùng kỳ
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018 Tisco lãi sau thuế gần 42 tỷ đồng, mới hoàn thành 29% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – mã chứng khoán TIS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018 với doanh thu thuần đạt 3.153,4 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ, trong khi chi phí giá vốn bỏ ra tăng 38% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 159,6 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Trừ các loại phí, thuế, tính riêng quý 2 Tisco lãi sau thuế 30,1 tỷ đồng, tăng 37% so với quý 2 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 29,78 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 doanh thu đạt 5.802 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nên lợi nhuận gộp còn hơn 294 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính trong kỳ gần 2,4 tỷ đồng, giảm sâu so với con số 20,5 tỷ đồng ghi nhận vào nửa đầu năm ngoái. Nguyên nhân chính do SCIC rút vốn, nên Tisco mất đi khoản 1.000 tỷ đồng gửi ngân hàng lâu nay, do vậy lãi tiền gửi giảm đáng kể khoảng 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính trong kỳ hết hơn 120 tỷ đồng, chủ yếu là chi trả lãi vay. Tính đến hết quý 2/2018 tổng nợ phải trả của Tisco là 8.894 tỷ đồng, tăng 843 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là 2.676 tỷ đồng (tăng 375 tỷ đồng) và vay nợ thuê tài chính dài hạn 3.283 tỷ đồng.
Nhờ tiết giảm được khoảng 15 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ nên kết quả 6 tháng đầu năm 2018 Tisco đạt 41,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng mới thực hiện được 29% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 41,2 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 2/2018 lượng hàng tồn kho của Tisco tăng đột biến 800 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 2.826 tỷ đồng, trong đó riêng tồn kho nguyên vật liệu tăng gần 600 tỷ đồng, lên 1.748 tỷ đồng và tồn kho thành phẩm tăng 190 tỷ đồng, lên trên 1.040 tỷ đồng.
Tisco vẫn còn duy trì khoản nợ xấu 652 tỷ đồng, trong đó xác định giá trị có thể thu hồi chỉ hơn một nửa, khoảng 354 tỷ đồng. Đây là khoản nợ xấu để lại từ trước, bao gồm gần hơn 201 tỷ đồng tiền phạt từ các khoản lãi trả chậm phát sinh từ các khoản nợ quá hạn – đây là khoản phải thu khó có khả năng thu hồi. Ngoài ra còn khoản nợ xấu 252 tỷ đồng của Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng, khoản hơn 127 tỷ đồng của Công ty TNHH TM và XD Hà Nam, khoản 102 tỷ đồng của Công ty TNHH Lưỡng Thổ, khoản gần 75 tỷ đồng của Công ty TNHH Hồng Trang…
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]