Lãi suất có xu hướng xoa dịu tỷ giá USD/VND
Cân đối lãi suất đã có những chuyển động mạnh hơn, giảm bớt áp lực đối với tỷ giá USD/VND…
Trong hơn một tuần trở lại đây, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng mạnh và thu hẹp nhanh chênh lệch với lãi suất USD, dù lượng tiền đồng đáo hạn ra thị trường khá lớn.
Tính đến phiên 18/7, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND tiếp tục tăng mạnh ở hầu hết các kỳ hạn, tăng khoảng gấp đôi so với chục ngày trước – thời điểm tỷ giá USD/VND có biểu hiện căng lên và Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc can thiệp.
Cụ thể, phiên 18/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,32 – 0,41 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên trước đó. Lãi suất qua đên đã lên tới 1,86%/năm, trong khi mức thấp nhất trong đợt biến động tỷ giá vừa qua là 0,67%/năm. Các kỳ hạn 1 tuần lên 2,01%; 2 tuần 2,17% và 1 tháng 2,31%/năm.
Trong khi đó, cùng phiên, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD không thay đổi ở kỳ hạn qua đêm và tăng 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại: qua đêm 2,13%; 1 tuần 2,25%; 2 tuần 2,35%, 1 tháng 2,48%.
Từ đầu đợt biến động tỷ giá USD/VND trong khoảng một tháng qua, chênh lệch lãi suất VND với USD từng doãng rất rộng trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất USD cao gấp đôi lãi suất VND. Chênh lệch quá lớn này kích thích đầu tư, nắm giữ USD có lợi hơn, trở thành một trong những nguyên nhân chính gây biến động mạnh tỷ giá.
Nhưng, như trên, sau hơn một tuần trở lại đây, với diễn biến tăng nhanh và mạnh của lãi suất VND trên liên ngân hàng, chênh lệch lãi suất nói trên đã thu hẹp nhanh chóng. Nếu xu hướng này tiếp tục thể hiện, và thậm chí điểm hoán đổi lãi suất VND-USD dương lên, việc ổn định tỷ giá sẽ có thêm yếu tố thuận lợi.
Có một diễn biến liên qua đáng chú ý. Trong khi lãi suất VND trên liên ngân hàng tăng mạnh và nhanh như vừa qua, thì lượng tiền đồng từ kênh tín phiếu đáo hạn và trở lại thị trường khá lớn từ đầu tháng 7 đến nay.
Cụ thể, nửa cuối tháng 6, số dư lưu hành tín phiếu ghi nhận còn rất lớn, quanh 150.000 tỷ đồng, thì đến nay chỉ còn “khóa” ở mức độ khoảng 72.000 tỷ đồng.
Nhưng có thể thấy, bên cạnh kênh phát hành tín phiếu, việc Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán ra ngoại tệ cũng đã hút bớt lượng tiền đồng về một cách triệt để hơn.
Gắn với những chuyển động trên, sau khi có biểu hiện tăng mạnh trở lại cuối tuần qua, tỷ giá USD/VND có dấu hiệu chững lại những ngày gần đây, dù tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước hôm nay (19/7) tiếp tục thiết lập mốc cao mới với 22.662 VND.
Vneconomy
[elementor-template id=”16904″]