Liên tiếp nhiều vụ tài xế Grab tự ý hủy chuyến, thậm chí đe dọa khách: Giải pháp nào cho những lo sợ của người sử dụng dịch vụ?
Tài xế lăng mạ, hành hung khách,thậm chí lên cả facebook cá nhân “dằn mặt”… là những rủi ro và phiền toái mà khách hàng đặt xe công nghệ phải đối mặt hàng ngày. Dù đã có nhiều trường hợp tài xế bị khóa tài khoản vĩnh viễn, nhưng rồi tình trạng này vẫn chưa hề thuyên giảm.
Có mặt ở thị trường Việt Nam được khoảng 4 năm, ứng dụng gọi xe Grab đã dần trở nên phổ biến và có mặt ở hầu hết các thành phố lớn. Tuy nhiên thời gian gần đây, đặc biệt là sau vụ việc hàng trăm tài xế GrabBike tắt ứng dụng, đình công để phản đối mức chiết khấu của hãng, nhiều khách hàng cũng nhận ra dường như chất lượng dịch vụ của Grab đang “có vấn đề”.
Hàng loạt tài xế Grab tự ý hủy chuyến của khách
Điển hình như anh N.T – một nhân viên văn phòng tại TP.HCM tối ngày 7/1 đã đăng tải status lên Facebook kể lại câu chuyện anh đặt xe GrabBike nhưng 2 lần đều bị 2 tài xế yêu cầu hủy chuyến rất vô lý. Vào đọc câu chuyện của anh, nhiều người còn ngạc nhiên khi thấy chính tài xế GrabBike trong bài viết anh đề cập để lại một comment “dạy đời”.
Theo anh T. kể, khoảng 10h tối hôm ngày 7/1, anh có đặt chuyến xe GrabBike đi từ đường Cô Bắc đến đường Thái Văn Lung (quận 1, TP.HCM). Đứng chờ tài xế tên Tuấn tới đón mãi chẳng thấy đâu, anh T. lại nhận được tin nhắn từ tài xế này yêu cầu anh hãy hủy chuyến.
Cho rằng người có ý định hủy chuyến chính là tài xế chứ không phải mình, đồng thời nếu bấm hủy chuyến sẽ vẫn bị trừ tiền trong tài khoản do thanh toán qua thẻ, anh T. một mực không đồng ý theo yêu cầu của tài xế Tuấn.
Tin nhắn tài xế Tuấn yêu cầu anh T. hủy chuyến – Ảnh: NVCC
Không thuyết phục được hành khách hủy chuyến, tài xế Tuấn từ nhẹ nhàng lịch sự đã nhanh chóng nhắn tin ngang ngược nói anh T. “chơi ngông” và “dọa” nhận luôn chuyến xe đó để anh mất 17.000 đồng cước phí dù không đi. Tuy nhiên sau đó tài xế này đã bấm hủy chuyến.
Sau khi tài xế Tuấn từ chối chở khách thì anh T. tiếp tục đặt chuyến GrabBike của tài xế khác tên Phú. Tuy nhiên anh T. chính xác là hành khách số “nhọ” nhất năm khi tài xế này lại gọi điện cho anh yêu cầu anh hủy chuyến.
Cũng trong thời gian gần đây, nhiều người liên tục phản ánh việc các tài xế Grab thường tự ý hủy chuyến hoặc gọi bắt hành khách hủy chuyến vô lý.
Một người khác chia sẻ việc bị tài xế Grab tự ý hủy chuyến.
Cách hành xử “khó hiểu” của các tài xế
Câu chuyện của hành khách N.T chưa dừng lại tại đó khi tài xế GrabBike kia còn đeo bám anh T. đến tận… Facebook. Cụ thể, khi anh T. chia sẻ lên trang cá nhân câu chuyện của mình và nhận được nhiều bình luận rất đông. Và có 1 tài khoản facebook vào comment trên chính bài đăng của anh với nội dung: “Tao nè nhóc. Mày nghĩ sao mày ở quận 1, tao ở quận 4 mà kêu tao qua chở mày. 17k của m lớn dữ à… Sống biết điều xíu đi sẽ gặp được may mắn”.
Ai cũng biết, đó chính là bình luận của người tài xế tên Tuấn đã đề nghị anh huỷ chuyến trước đó.
Tài xế Tuấn comment trên Facebook anh T. – Ảnh chụp màn hình
Không chỉ riêng với GrabBike, mà ngày cả tài xế GrabTaxi cũng có những thái độ không được tốt. Điển hình như sự việc nam thanh niên ở Nha Trang đã bị thu số tiền gấp 2,5 lần giá cước của chuyến đi. Thay vì phải trả 14.000 đến 16.000 đồng cho chuyến đi thì tài xế yêu cầu phải trả 35.000 đồng. Sau khi khách hàng từ chối yêu cầu, và đề nghị chỉ trả đúng số tiền đã niêm yết trên ứng dụng thì tài xế GrabTaxi ngay lập tức “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với khách hàng.
Anh T.D cũng bị tài xế Grab đe doạ nếu không trả đủ 35.000 đồng tiền cước chuyến đi.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi đấm vào mặt khách hàng, người tài xế này còn nhắn tin đe doạ, yêu cầu phải trả đủ 35.000 tiền cước chuyến đi nếu không muốn bị hành hung ngay cửa khách sạn. Sợ phiền hà, và lo sợ bị lái xe trả thù, anh T.D đã “ngậm ngùi” đặt 1 chuyến GrabBike và chuyển trả đủ số tiền ngay sau đó.
Giải pháp nào cho những nỗi lo của khách hàng?
Đây là những ví dụ cơ bản nhất cho thấy việc kiểm soát và thẩm định đội ngũ tài xế của Grab vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng tài xế có những cư xử thô lỗ, lăng mạ thậm chí hành hung khách hàng xuất hiện ngày một dày đặc hơn.
Mỗi khi khách hàng bị đe doạ hành hung, họ chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận huỷ chuyến, hoàn trả đủ số tiền như các tài xế Grab đã yêu cầu bởi sợ phiền phức, sợ bị trả thù.
Ảnh minh họa
Và rồi, mỗi khi tiếp nhận sự việc ồn ào, giải pháp của phía Grab đưa ra chỉ dừng lại ở việc xin lỗi khách hàng, tặng code khuyến mại cho các chuyến đi sau đó cùng những lời hứa từ phía đại diện hãng rằng sẽ không để những sự việc tương tự tái diễn. Tuy nhiên, theo thời gian, tần suất của các vụ tranh chấp, hành hung khách hàng của các tài xế Grab ngày một tăng lên, đổi lại là sự tín nhiệm của người dùng dần không còn.
Riêng về phía tài xế vi phạm, có những cư xử không đúng mực sẽ bị khóa tài khoản, không được chạy nữa. Và điều đó dường như chẳng ảnh hưởng với những tài xế chỉ chạy Grab như một cách kiếm thêm thu nhập phụ chứ không phải là nghề nghiệp chính của họ.
Thực tế, những giải pháp như vậy chưa đủ để lấy lại niềm tin của khách hàng sau mỗi vụ ồn ào hoặc bị tài xế hành hung, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của khách hàng.
Tài xế công nghệ cũng chỉ là một đối tác của các hãng taxi dịch vụ như thế này, họ không phải là nhân viên chính thức được trả lương hàng tháng, không bị bắt buộc làm theo ca, theo giờ, khi nào rảnh thì mở ứng dụng lên rồi chạy. Bị phản hồi xấu từ khách hoặc vi phạm quy định của hãng, họ cũng chỉ bị khóa tài khoản, mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. Có lẽ chính vì thế với một số tài xế công nghệ, họ không mặn mà lắm với việc mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho chính khách hàng của mình.
Trí thức trẻ