Tiết lộ sốc từ giáo sư của Stanford: ‘Đa số các kết quả nghiên cứu khoa học là sai!’
TTO – Trong thế giới thông tin ngồn ngộn và được lan truyền với tốc độ chóng mặt như hiện nay, không ít những “nghiên cứu khoa học” được kết luận quá vội, chưa đảm bảo độ chính xác cần có cho công chúng.
Cách đây vài năm, có hai nhà nghiên cứu đã chọn ra 50 nguyên liệu thực phẩm được sử dụng nhiều nhất trong một quyển sách dạy nấu ăn và đối chiếu chúng với những nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học để tìm ra xem có bao nhiêu loại nguyên liệu trong quyển sách đó có tính năng gây ung thư hoặc ngừa ung thư.
Câu trả lời là: 40 trên 50 loại nguyên liệu là có hại, nào là muối, bột ngũ cốc, ngò tây, thậm chí là đường. Từ đó, hai tác giả đăng tải một bài viết vào năm 2013, họ nghiêm túc tự hỏi: “Vậy là tất cả những gì mà chúng ta ăn vào đều gây ung thư hết hay sao?”.
Chính câu hỏi đó cũng là vấn đề nổi cộm và tồn tại dai dẳng trong lãnh vực nghiên cứu khoa học, đó là: có quá nhiều những nghiên cứu sử dụng những cỡ mẫu quá nhỏ, không mang tính đại diện, nhưng sau đó lại đưa ra kết luận mang tính phổ quát, toàn cục.
Áp lực từ nhiều phía
Sự thật vấn đề là, các nhà nghiên cứu thường phải chịu áp lực lớn từ nhiều phía, cho đến việc cạnh tranh giữa các tạp chí khoa học, kể cả sức hút từ giới truyền thông luôn háo hức săn tin giật gân, tin “hot” về những phát kiến khoa học mang tính đột phá trong nhiều lãnh vực nhạy cảm.
Tất cả những yếu tố gộp lại đã “buộc” nhiều tạp chí vẫn phải tiếp tục đăng những nghiên cứu khoa học thuộc những lãnh vực mà công chúng quan tâm nhất, dù thông tin và kết luận đang bị nghi ngờ.
Một trong hai đồng tác giả nói trên là giáo sư y khoa John Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ), đã phát biểu với hãng tin AFP như sau: “Đa số các bài được đăng là rất tệ, dù là trên những tạp chí nghiêm túc nhất”.
Năm 2005, cũng chính giáo sư này đã lý giải cặn kẽ trong một bài viết đình đám có tựa đề “Vì sao đa số các công trình nghiên cứu được xuất bản đều sai?”.
Và cũng theo ông, từ đó đến nay chẳng có biến chuyển gì nhiều.
Có chăng, là một vài tạp chí đã cẩn trọng yêu cầu tác giả phải cung cấp cho tòa soạn nguồn dữ liệu thô mà họ thu thập được kèm theo bản thuyết minh về qui trình triển khai nghiên cứu.
Động thái nói trên là để đảm bảo tính minh bạch của công trình và tránh việc tác giả sẽ “xào nấu” dữ liệu và “nhào nặn” phương pháp nghiên cứu sao cho có được một kết quả “như ý… muốn chủ quan của mình”!
Thêm vào đó, các tạp chí cũng mời các nhóm độc lập kiểm tra lại kết quả được công bố, thậm chí là có thể thử nghiệm lại xem có chính xác như ban đầu hay không.
Bởi vì, thường là khi “chạy” lại kịch bản nghiên cứu thì kết quả cho ra sẽ khác. Theo một phân tích đăng tải năm 2015, chỉ có 1/3 trong số 100 công trình nghiên cứu về tâm lý học là đúng sau khi thực nghiệm lại qui trình.
Giáo sư John Ioannidis cho biết, những lãnh vực nghiên cứu bị nghi ngờ nhiều nhất là y học, dịch tễ học, các thí nghiệm lâm sàng về thuốc chữa bệnh và… những nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng của con người, ông nói: “Trong các chuyên ngành về y sinh học và các chuyên ngành y khoa khác, các nhà khoa học đăng ký đề tài thường chỉ được đào tạo kiến thức cơ bản và sơ đẳng về phương pháp thống kê và phương pháp luận”. Và có quá nhiều các nghiên cứu chỉ nhắm vào một vài nhóm ít người nên không thể mang tính đại diện cho cả một cộng đồng dân cư rộng lớn.
Thế giới ẩm thực kỳ bí
Vẫn theo giáo sư Ioannidis, chế độ ăn uống là một trong những lãnh vực nghiên cứu “kinh khiếp” nhất, và không chỉ là từ nguyên nhân cạnh tranh và xung đột lợi ích trong ngành công nghiệp thực phẩm.
Các tác giả thường là chỉ cố gắng thiết lập mối tương đồng giữa các thành tố trong một nguồn dữ liệu bao la mà họ thu thập được, chứ không lập ra một giả thuyết ban đầu làm cơ sở để triển khai nghiên cứu.
Ngoài ra, việc cân đong đo đếm chế độ dinh dưỡng của một con người kỳ thực là vô cùng khó khăn. Làm sao mà có thể định lượng được chính xác 100% những chất gì mà chúng ta đã nuốt vào cơ thể trong lúc ăn uống?
Thậm chí khi đã có một phương pháp nghiên cứu tốt, dựa trên tính xác suất và cỡ mẫu được chọn ngẫu nhiên, thì quá trình triển khai phương pháp đôi khi cũng bất cập.
Tháng 6 vừa qua, tạp chí y khoa hàng đầu là The New England Journal of Medicine đã phải gỡ xuống một công trình nghiên cứu nổi tiếng vào năm 2013 về những ích lợi của chế độ ăn uống lành mạnh của cư dân vùng Địa Trung Hải để ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, bởi vì những người tham gia nghiên cứu không được lựa chọn ngẫu nhiên và kết quả sau đó được kiểm chứng lại là không đúng.
Vậy chúng ta phải làm gì trước hàng loạt những kết quả nghiên cứu được truyền thông đăng tải mỗi ngày? Tin cái nào và bỏ cái nào?
Giáo sư John Ioannidis gợi ý những câu hỏi để kiểm chứng tính trung thực và chính xác của một nghiên cứu, đó là: nghiên cứu có mang tính chuyên biệt, có độc lập hay không? Kết quả nghiên cứu có phù hợp với diễn tiến tình huống trong hiện tại hay không? Cỡ mẫu là lớn hay nhỏ? Phương pháp nghiên cứu có mang tính xác suất hay không? Ai đã tài trợ cho công trình nghiên cứu đó? Tác giả có minh bạch, trung thực hay không?
Đặc biệt cẩn trọng trong lãnh vực y khoa, bởi những nghiên cứu sai lệch trong lãnh vực này sau đó thường cho ra đời những phương pháp điều trị mới không hiệu quả, thậm chí gây chết người.
Trong quyển sách có tựa đề “Ending Medical Reversal”, hai tác giả Vinayak Prasad và Adam Cifu đã đưa ra những dẫn chứng bàng hoàng về những liệu pháp y khoa mới dựa trên những nghiên cứu khoa học mà chỉ vài năm sau đó đã bị phủ nhận.
Đơn cử là thủ thuật đặt stent nong rộng động mạch não để giảm nguy cơ tai biến mạch máu não. Nhưng chỉ 10 năm sau đó, một nghiên cứu khác đã chứng minh ngược lại, rằng đặt stent động mạch não sẽ làm tăng thêm nguy cơ tai biến!
Giải pháp ở đây là phải siết chặt hơn tiêu chuẩn chất lượng của đội ngũ các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, chứ không chỉ từ các trường đại học, các tổ chức tài trợ công, hay những phòng thí nghiệm… Tất cả những thể chế này luôn phải chịu áp lực cạnh tranh.
Phóng viên Ivan Oransky là đồng sáng lập viên trang mạng “Retraction Watch” chuyên về việc tìm hiểu để gỡ bỏ những bài viết khoa học không chính xác, đã phát biểu với AFP như sau: “Có cả một hệ thống điều khiển thao túng nên mọi người không thể đi đúng hướng. Chúng tôi muốn phổ biến một văn hóa ứng xử đề cao lòng trung thực và tính minh bạch”.
Một vấn đề nữa là truyền thông, phóng viên Ivan Oransky mong muốn truyền thông phải giải thích thấu đáo cho độc giả hiểu rằng mọi kết quả nghiên cứu khoa học đều mang tính tương đối, và không nên phán xét kết quả qua cảm tính.
Cuối cùng, phóng viên Ivan Oransky than phiền: “Vấn đề hiện nay là, mọi người vẫn tiếp tục lao vào nghiên cứu cà phê, sôcôla và rượu vang đỏ. Hãy dừng ngay những nghiên cứu đó lại đi!”.
TƯỜNG NGUYỄN
Theo tuoitre.vn