90% sản phẩm xuất khẩu qua AEON Quốc tế sẽ mang thương hiệu của AEON, Vinamilk hay gốm sứ Minh Long cũng không ngoại lệ
Ông Fukui Tomoaki, Giám đốc bộ phận bán hàng của AEON Topvalue Việt Nam đã có nhiều chia sẻ ở Hội thảo “Hỗ trợ Doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài” do Bộ công thương tổ chức, diễn ra mới đây tại TP.HCM.
Ảnh: AEON JAPAN
Ngoài ra, các sản phẩm để được tiêu thụ tại các tập đoàn thương mại bán lẻ lớn như AEON phải là những sản phẩm có sức hấp dẫn thị trường hay nhà sản xuất phải chứng minh được giá trị tiêu dùng của sản phẩm.
Khi sản phẩm được chọn, chuyên gia từ các tập đoàn bán lẻ này sẽ đi đến trực tiếp từng nhà máy của đơn vị cung ứng và kiểm tra năng lực thực tế. Nếu đạt các yêu cầu nghiệm ngặt về hệ thống, quy trình sản xuất kèm theo các chứng nhận xuất xứ rõ ràng, hai bên mới chính thức bước vào vòng đàm phán giá cả.
Trường hợp Vinamilk cũng đã mất gần 2 năm để chào bán sản phẩm sữa đặc vào thị trường Nhật Bản thông qua AEON, sớm nhận được phản hồi từ phía đơn vị bán lẻ này, Vinamilk nhanh chóng đầu tư thêm dây chuyền đóng gói mới từ dạng lon thiếc sang dạng tuýp tiện dụng, hiện Vinamilk vẫn trong quá trình đàm phán và đơn vị này cho biết sẵn sàng gia công các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài.
Các thương hiệu khác từ Việt Nam như gốm sứ Minh Long hay các công ty khởi nghiệp về nông sản, thực phẩm cũng chung tình cảnh, khi muốn xuất khẩu đều phải dựa trên những yêu cầu từ phía đơn vị phân phối lớn.
Ảnh: Doanh nghiệp Việt Nam tham dự triễn lãm Quốc tế FHA Singapore 2018 do Bộ Công thương tài trợ, ngoài mục tiêu tìm kiếm các đối tác phân phối nước ngoài, còn là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt.
“Nhiều trường hợp, doanh nghiệp đưa sản phẩm “đi reo chuông xứ người” nhưng hợp đồng sớm nhất đến từ những “đồng hương” với nhau, sau đó mới tới từ các đối tác nước ngoài”, ông Nguyễn Hữu Trí – Giám đốc nhãn hàng Trivie chia sẻ.
Đối với nhiều doanh nghiệp, để có được đơn hàng xuất khẩu đầu tiên từ khi gặp gỡ, thời gian đàm phán và chờ đợi ít nhất 1 năm và có thể lên tới nhiều năm.
Từ đầu năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mà mở đầu là các nước châu Âu như Đức với Metro hay Pháp với tập đoàn Bourbon.
Cũng từ đó các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào các hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam. Trước đó hàng Việt Nam tuy xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới nhưng thường xuất khẩu qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp cho các mạng lưới phân phối trong các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giầy, chiếm tỷ lệ rất thấp cả về số doanh nghiệp và giá trị kim ngạch.
Tình huống tương tự có diễn ra trong ngành hàng thực phẩm hay không? Khi các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này đang dần trở thành các đơn vị gia công “chuyên nghiệp” cho các thương hiệu lớn của quốc tế.
Câu chuyện của một doanh nghiệp cà phê trẻ đã đầu tư dày công cho các cánh đồng cà phê hữu cơ, lấy đầy đủ các chứng nhận quốc tế về tiêu chuẩn sạch, an toàn nhưng vẫn rất nhọc nhằn khi muốn mang thương hiệu cà phê do mình sản xuất vào các hệ thống siêu thị lớn, được chính doanh nghiệp kể lại ở hội thảo.
Để từ chối thì câu trả lời từ các đơn vị bán lẻ thường do hạn chế về diện tích kệ hàng hay đã có rất nhiều thương hiệu cùng lĩnh vực lên kệ trước đó từ Việt Nam. Các doanh nghiệp trên vẫn cảm thấy các tập đoàn bán lẻ ưu tiên cho các đơn vị chấp nhận “gia công” hơn và lo ngại trước việc tiếp cận trực tiếp các nhà sản xuất gốc để giảm giá thành sản phẩm từ các “ông chủ lớn” này.
Ông Fukui Tomoaki khẳng định việc tôn trọng đối tác và đạo đức trong kinh doanh là một trong những tiêu chí hàng đầu từ các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, các đơn vị thương mại trung gian được mời ngồi vào vòng đàm phán giữa nhà nhập khẩu và đơn vị sản xuất để xác định rõ công sức của các bên và thảo luận cách thức phân chia lợi nhuận xứng đáng trong trường hợp các doanh nghiệp thương mại không có cổ phần trong các công ty sản xuất gốc.
Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Xúc tiến Thương mại Công ty Central Group Việt Nam (thứ 2 từ trái qua) tư vấn Doanh nghiệp chọn hướng đi phù hợp.
“Để tránh lãng phí nguồn lực, các sản phẩm hiện nay cần nhanh chóng tạo ra lợi thế cạnh tranh cũng như sự khác biệt. Ví dụ, các mặt hàng chế biến từ nông nghiệp như sấy dẻo, sấy khô, nước ép hiện đã xuất hiện rất nhiều trên kệ các hệ thống bán lẻ và từ các quốc gia khác nhau. Các khó là doanh nghiệp cần tránh trùng lặp về sản phẩm, cần chịu khó nghiên cứu những sản phẩm nào là lợi thế riêng của Việt Nam mà các nước chưa có, tiềm năng đáp ứng được nhu cầu thị trường, từ đó đẩy mạnh quảng bá và tìm kiếm các kênh phân phối hiệu quả.”
Đó là lời khuyên chân thành từ Ông Paul Le trước thực trạng các sản phẩm Việt Nam đang đi theo mô típ “na ná nhau” nhưng vẫn mạnh ai nấy chạy trong cuộc đua khốc liệt vào các kênh bán lẻ.
Theo Trí Thức Trẻ
[elementor-template id=”16904″]