Phó thủ tướng: Tăng thuế, có thể ngừng trích Quỹ bình ổn để giữ giá xăng

Phương án này được ông Vương Đình Huệ đưa ra để giá xăng không bị ảnh hưởng mạnh bởi quyết định tăng thuế môi trường.

Việc tăng thuế môi trường với xăng dầu là một trong những nội dung được đề cập nhiều tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì sáng 10/7.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường nên cân nhắc tăng theo lộ trình. Theo ông, trong 6 tháng, xăng RON92 đang ở mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã và đang dùng quỹ Bình ổn giá để “kiềm” giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Với phương án đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường xăng dầu (lên 4.000 đồng với xăng) và dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong vài ngày tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề xuất nên có lộ trình, có thể là mỗi đợt tăng 500 đồng và chia thành 2 đợt, thay vì tăng ngay 1.000 đồng.

Phó thủ tướng đồng tình với phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng cường sử dụng Quỹ bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định lạm phát tháng 6 không có gì bất thường. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định lạm phát tháng 6 không có gì bất thường. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, một trong những mặt hàng được Phó thủ tướng lưu ý trong cuộc họp là thịt lợn – hàng hóa tác động đáng kể tới CPI từ đầu năm đến nay. Trước đó, số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,61% so với tháng trước – mức tăng cao nhất trong 7 năm qua. Nguyên nhân khiến CPI tăng một phần là giá thịt heo tính đến tháng 6 tăng tới 19,8% so với cuối năm trước và tăng 8,12% so với tháng 5, làm tăng CPI chung 0,34%.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, giá thịt lợn ở một số nơi biến động mang tính cục bộ, nhưng không phải thường xuyên, giá vẫn đảm bảo ổn định. Tuy nhiên, Phó thủ tướng vẫn yêu cầu Bộ phải thận trọng, chưa cho tái đàn ồ ạt sẽ làm người nuôi thua thiệt nhưng cũng phải tính toán, điều hành cung cầu thịt lợn từ nay tới cuối năm bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng, giá cho từng tháng.

“Bộ phải có kịch bản đảm bảo ổn định giá mặt hàng này từ nay đến cuối năm để thông tin cho người dân. Kịch bản đó cần phải đảm bảo lợi ích cho người nông dân nuôi heo nhưng cũng không được tăng quá cao”, Phó thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu Bộ Nông nghiệp phải có báo cáo riêng về điều hành giá thịt lợn.

Về công tác điều hành giá nói chung, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo trước đó. Theo cơ quan này, các nhân tố gây tăng giá chủ yếu xuất phát từ thị trường, hầu như không có yếu tố xuất hiện từ công tác điều hành của Chính phủ.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, lạm phát tháng 6 không có gì bất thường. Nếu loại trừ yếu tố giá thịt lợn tăng mạnh nhất thì lạm phát tháng này chỉ tăng 0,27%, có thể coi là mức tăng lạm phát của tháng thấp nhất từ trước tới nay.

Theo lãnh đạo Chính phủ, ở đây không có yếu tố lạm phát theo chu kỳ hay do điều hành vĩ mô. “Chính phủ nhắc tới ảnh hưởng chu kỳ 10 năm là để dự phòng chứ không phải xác định để đối phó khi mà chúng ta đã có kế hoạch dài hạn, ngắn hạn trong điều hành, tổ chức sản xuất”, ông Huệ nói.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay, giữ ổn định các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh các mặt hàng có khả năng giảm (giá thuốc, giá vật tư y tế thông qua đấu thầu), quyết liệt triển khai biện pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao…

Giá dịch vụ công do Nhà nước định giá, trong tháng 9, đã tăng 0,07% học phí, theo Phó thủ tướng, phải tính toán kỹ điều chỉnh các mặt hàng khác trong tháng này; chưa tính toán điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ nay tới hết tháng 9.

Cục Quản lý giá và Tổng cục Thống kê cũng độc lập đưa ra 2 kịch bản điều hành giá trong những tháng cuối năm, theo đó, cả hai kịch bản đều bảo đảm lạm phát tăng cao nhất cũng khoảng 4%.

Kịch bản một, lạm phát cả năm 2018 dao động từ 3,7- 3,88%. Theo đó, ngay trong tháng 7, lạm phát sẽ giảm 0,2% so với tháng trước do giá dịch vụ y tế giảm 0,34%, giá xăng dầu (nếu không điều chỉnh) sẽ giảm 1%, tuy nhiên có yếu tố tăng giá từ giá thịt lợn, điện nước sinh hoạt, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giá gas thế giới.

Từ các tháng 8 cho tới tháng 12, lạm phát sẽ tăng so với các tháng trước đó do việc tăng giá mặt hàng thịt lợn, xăng dầu, gas, dịch vụ giáo dục, thuế bảo vệ môi trường áp vào xăng dầu, ảnh hưởng của thiên tai bão lũ,…

Vẫn các yếu tố giá cả như trên nhưng ở mức tăng cao hơn thì kịch bản lạm phát bình quân của năm 2018 tăng so với năm 2017 là khoảng từ 3,9-4%.

Nguyễn Hà

Theo : vnexpress.net

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…