Nhiều tướng lĩnh hồi tưởng về chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh
Nhằm làm tiêu hao sinh lực quân Mỹ, tạo thuận lợi cho cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, Bộ Chính trị mở chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh xuân hè 1968.
Sáng 9/7, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh (1968-2018) với sự tham dự của nhiều tướng lĩnh cấp cao trong quân đội, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến trường năm xưa.
Căn cứ quân sự Khe Sanh là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử, được xây dựng thành tập đoàn phòng ngự mạnh và kiên cố nhất của Mỹ ở địa đầu miền Nam Việt Nam, gồm các cứ điểm: Lang Vây, Chi khu quân sự Hướng Hóa, Huội San, cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn (Quảng Trị). Toàn bộ tuyến phòng thủ Đường 9 – Khe Sanh rộng gần 20 km từ nam vĩ tuyến 17 đến Đường 9, dài 100 km, chạy song song với sông Bến Hải từ Biển Đông đến biên giới Việt – Lào.
Với tuyến phòng ngự kiên cố này, Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn quân giải phóng từ miền Bắc tiến công hoặc thâm nhập qua giới tuyến quân sự tạm thời vào miền Nam. Giới quân sự Mỹ lúc đó coi Khe Sanh là căn cứ có thể mạnh hơn Điện Biên Phủ do thực dân Pháp xây dựng trước đây.
Quân giải phóng tiến lên chiếm các mục tiêu của địch tại Khe Sanh. Ảnh tư liệu. |
Cuối năm 1967, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, các đơn vị chủ công của Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh trên chiến trường Tây Quảng Trị nhằm nghi binh chiến lược, thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân Mỹ.
Sau 177 ngày đêm (20/1 đến 15/7/1968) chiến đấu liên tục, chiến dịch kết thúc. Kết quả quân đội nhân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 12 nghìn quân địch (chủ yếu là Mỹ), bắn rơi và phá hủy hàng trăm máy bay cùng nhiều vũ khí.
Trong tham luận về chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh, thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, các đơn vị tham gia đã thực hành nhiều hình thức chiến thuật để đạt được mục tiêu lớn.
Nổi bật là dùng phương pháp tiến công hiệp đồng binh chủng để tiêu diệt cứ điểm riêng lẻ trong thời gian ngắn, hay như chiến thuật vây hãm, vây lấn, xây dựng trận địa bám trụ dài ngày dưới hỏa lực máy bay Mỹ. Bộ đội cũng sử dụng chiến thuật chốt kết hợp vận động tiến công để đánh quân Mỹ đổ bộ đường không ngay khi họ tiếp đất…
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh xuân hè 1968 đã gây chấn động nước Mỹ và thế giới, góp phần đảo lộn chiến lược của đối phương trên chiến trường, đồng thời giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà Trắng lúc bấy giờ.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa tại hội thảo sáng nay. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Theo tướng Nghĩa, đánh giá về sự kiện lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đây là chiến thắng oanh liệt, đánh đuổi hàng vạn quân tinh nhuệ nhất của Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh với những tổn thất nặng nề. Đó là một phần thất bại lớn của Mỹ, một thắng lợi lớn của ta…”.
Tại hội thảo, thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Quốc phòng, nhấn mạnh chiến dịch đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân Việt Nam.
“Chính chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh là đòn nghi binh chiến lược nhằm thu hút các đơn vị quân chủ lực của Mỹ ra khu vực Đường 9 để tiêu hao, tiêu diệt và giam chân chúng tại đây nhằm tạo điều kiện cho quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968…”, tướng Chiêm nói.
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]