Hơn 30 triệu thẻ ngân hàng khóa hủy, lãng phí 1.500 tỷ đồng
Hiện toàn thị trường có hơn 30 triệu thẻ ngân hàng ở tình trạng khóa hủy, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng, đến hết năm 2017, toàn thị trường có khoảng 110 triệu thẻ ngân hàng, trong đó hơn 30 triệu thẻ ở tình trạng khóa hủy. Tuy nhiên, trong 77 triệu thẻ đang lưu hành có một phần không nhỏ thẻ không hoạt động hay không phát sinh giao dịch trong thời gian dài.
Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam thừa nhận, chất lượng phát hành thẻ chưa cao. (Ảnh: Vân Anh).
Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng đều muốn mở rộng số lượng khách hàng và mở thẻ miễn phí. Các nhân viên được giao chỉ tiêu số thẻ phát hành mà không cần quan tâm thẻ có được sử dụng hay không.Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam thừa nhận, chất lượng phát triển thẻ chưa cao khi có tới hơn 30% số thẻ bị khóa hủy, chiếm tỷ lệ rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, nếu giả định chi phí phát hành một chiếc thẻ ATM là 50.000 đồng, số tiền lãng phí tối thiểu lên đến con số 1.500 tỷ đồng.
“Không chỉ thẻ ATM, thẻ ghi nợ nội địa… vẫn được sử dụng để rút tiền mặt là chủ yếu, chức năng thanh toán phi tiếp xúc chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn. Vì thế, trong thời gian tới, các ngân hàng cần đưa hoạt động phát hành thẻ đi vào thực chất hơn, tức là thẻ phải có phát sinh giao dịch thực tế”, ông Đào Minh Tuấn nhấn mạnh.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực chỉ đạt 4,9%; trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%; Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Mặc dù, thương mại điện tử tại Việt Nam có mức phát triển thuộc top nhanh nhất trong khu vực, tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán online rất thấp.
“Hiện 40% dân số Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng có tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, và có tới 99% thanh toán tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực. (Ảnh: KT). |
“Người tiêu dùng Việt Nam coi trọng sử dụng tiền mặt là bởi những phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra phương pháp thanh toán này giúp họ quản lý ngân sách mà không có chi phí phát sinh, người dùng cho rằng thanh toán bằng tiền mặt đảm bảo an toàn, riêng tư bởi nó không để lại dấu vết của giao dịch và không lộ thông tin cá nhân”, Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam nhận định. |
Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Kèm với đó thúc đẩy phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng ngân hàng số…
Việc hạ tầng thanh toán phi tiếp xúc cần được chuẩn hóa, nâng cấp từ quy trình đến công nghệ nhằm góp phần xây dựng một nền chính phủ điện tử minh bạch, hiện đại, hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước cũng đánh giá việc áp dụng công nghệ thanh toán phi tiếp xúc thông qua hệ thống ngân hàng tại Việt Nam còn tương đối mới, cần có sự cải thiện mạnh mẽ trong thời gian sớm nhất.
VOV
[elementor-template id=”16904″]