Đổ tiền gom cổ phần của doanh nghiệp Việt và toan tính của tỷ phú người Thái
Sự kiện tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mạnh tay chi 4,8 tỷ USD để sở hữu hơn 53% cổ phần của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – doanh nghiệp nước giải khát có thị phần lớn nhất ở Việt Nam khiến không ít người đặt ra nghi vấn “đâu là toan tính của tỷ phú người Thái trong thương vụ này?”
Từ chuyện chấp nhận “gánh” nợ…
Cuối năm 2017, Công ty Thai Beverage (ThaiBev) của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã chính thức bước chân vào Sabeco khi sở hữu trên 53% cổ phần tại doanh nghiệp này với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Vietnam Beverage. Với vai trò công ty nội địa trung gian giúp Thai Beverage thâu tóm Sabeco, Vietnam Beverage đã mua 343,6 triệu cổ phiếu SAB (tương ứng 53,6% vốn) với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu; tổng giá trị giao dịch của thương vụ này là 109.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.
Tuy nhiên điều đáng lưu tâm là khoản tiền Vietnam Beverage bỏ ra để mua lại cổ phần của Sabeco không phải là tiền vốn tự có mà vay từ các ngân hàng Thái Lan và Singapore với thời hạn 2 năm. Bằng chứng là trong báo cáo về cổ phiếu mới đây của ThaiBev có đề cập đến khoản vay có tổng giá trị 100 tỉ baht và 1,95 tỉ USD (khoảng gần 5 tỉ USD), hoàn toàn tương ứng với số tiền chi ra để mua cổ phần của Sabeco
Vay nợ để mua công ty là chuyện hiển nhiên trong thế giới kinh doanh. Tuy nhiên điều khó hiểu là tại sao ThaiBev lại chấp nhận vay một khoản tiền lớn như vậy để mua cổ phần của Sabeco trong khi xét tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này thời gian gần đây, nếu tính lợi nhuận thu về vẫn không bù được phần lãi suất phải trả. Thử làm một phép tính đơn giản, với khoản vay gần 5 tỉ USD, lãi suất 5%/năm (lãi suất cho vay bình quân tại các ngân hàng thương mại ở Thái Lan), dự kiến mỗi năm ThaiBev sẽ phải trả 240 triệu USD tiền lãi, tương đương với hơn 5.280 tỉ đồng. Trong khi đó, báo cáo tài chính năm 2017 của Sabeco cho thấy lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ năm 2017 chỉ là 4.711 tỉ đồng.
Mặc dù mức lãi suất cho vay như trên chỉ là giả định và ThaiBev với quy mô và tiềm lực của mình hoàn toàn có thể tìm ra những giải pháp tài chính có chi phí vốn thấp hơn song một thực tế không thể phủ nhận là dù bằng phương thức huy động vốn nào đi chăng nữa thì ThaiBev vẫn phải “gánh” một khoản nợ và lãi suất không hề nhỏ. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Sabeco trong vài năm trở lại đây không đạt hiệu quả nổi trội. Năm 2017 vừa qua, Sabeco tiêu thụ khoảng 1,7 tỉ lít bia và dự kiến trong năm nay tiêu thụ sẽ từ 1,8-2 tỉ lít bia, tương ứng với thị phần 50%.
Hiện tại, báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Sabeco là 5.824 tỉ đồng. Mặc dù đây có thể xem là khoản lợi tức của người Thái khi bước chân vào Sabeco song ThaiBev vẫn phải đối mặt với thách thức lớn về dòng tiền trả nợ.
…Đến toan tính thâu tóm doanh nghiệp Việt
Câu chuyện một thương hiệu bia Thái nổi tiếng thâu tóm thương hiệu bia Việt có thị phần hàng đầu đã dấy lên nhiều nghi vấn và lo ngại. Mặc dù vẫn chưa chắc chắn có hay không chuyện toan tính về chuyển giá giữa 2 công ty mẹ con song việc bia Thái sắp thâm nhập thị trường Việt Nam là điều tất yếu.
Có thể thấy thế mạnh của Sabeco nằm ở chính hệ thống phân phối rộng khắp mà doanh nghiệp sản xuất bia rượu hàng đầu Việt Nam này dày công xây dựng được. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Tuy nhiên ông chủ của ThaiBev vẫn không ngần ngại rót tiền để thiết lập thêm các kênh phân phối khác thông qua các thương vụ M&A với siêu thị Metro, B’Mart hay Tập đoàn Phú Thái…
Với “vũ khí” là kênh phân phối chính của Sabeco cộng hưởng cùng những kênh phân phối trợ lực “thâu” lại từ các thương vụ M&A, bia Chang của ThaiBev tha hồ tung hoành ngang dọc tại thị trường Việt, thậm chí cạnh tranh ngang ngửa với ngay chính thương hiệu Bia Sài Gòn.
Để khẳng định được vị thế thương hiệu trong ngành bia Thái Lan, trước đó ThaiBev cũng đã từng “sống dựa” vào một thương hiệu bia khác. Cụ thể vào đầu thập niên 1990, ThaiBev bắt tay liên doanh với Carlsberg (Đan Mạch). Nhờ kinh nghiệm của hãng bia này, bia Chang bắt đầu lớn dần và cạnh tranh trực tiếp với Singha, một thương hiệu bia lớn trước đó chỉ có đối thủ là Carlsberg. Đến năm 2005, hãng bia Carlsberg phải trả cho ThaiBev 120 triệu USD để chấm dứt mối quan hệ kinh doanh, sau nhiều năm kiện tụng.
Ngoài ra nếu xét trên phương diện tài chính đơn thuần, sau khi chiếm quyền kiểm soát các công ty mục tiêu, các ông chủ sẽ tìm nhiều cách thức để “chuyển nợ” hoặc khai thác tối đa doanh nghiệp mình sở hữu để kiếm tiền trả nợ. Trở lại với câu chuyện của Sabeco, mặc dù các chuyên gia tin rằng rất khó để “chuyển nợ” sang Sabeco song ThaiBev vẫn có nhiều cách để tái cấu trúc khoản nợ đã vay, đơn cử như phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi….Tuy nhiên nột khi chấp nhận trả giá cao cho Sabeco, hẳn toan tính của người Thái không chỉ đơn thuần dừng lại ở đó. Ngoài những khoản vay nợ để mua lại cổ phần, Sacbeco còn có sức hút khác nằm ở chính quỹ đất rộng lớn mà doanh nghiệp này đang nắm giữ, bao gồm: khu đất tại 46 Bến Vân Đồn, quận 4 (diện tích 3.872m2 ở), khu đất 187 Nguyễn Chí Thanh, quận 5 (17.406m2,), khu đất 474 Nguyễn Chí , quận 10 (7.729m2), khu đất 18/3B Phan Huy Ích, quận Tân Bình (2.216m2)… Trong khi đó trước khi thành công với bia Chang, ThaiBev từng một thời là “ông trùm” trong lĩnh vực bất động sản tại Thái Lan. Hẳn nhiên chỉ cần nói tới đây thì mọi chuyện đã quá rõ ràng.
Tuy nhiên ở tầm nhìn xa hơn, Sabeco chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng. Toan tính của người Thái còn vươn ra cả lĩnh vực sản xuất sữa với “con mồi” là Vinamilk – doanh nghiệp đầu ngành sữa Việt vốn đang mở room ngoại lên đến 100%. Tính đến cuối tháng 5, Quỹ ngoại F&N Dairy Investments Pte. Ltd – một đơn vị thuộc Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần Vinamilk của mình lên 17,31%, tương ứng với 251,2 triệu cổ phiếu VNM. Không dừng lại ở đó, mới đây F&N tiếp tục đăng ký mua thêm 14,5 triệu cổ phiếu VNM trong thời gian từ ngày 6/6 đến 5/7/2018. Nếu giao dịch thành công, F&N Dairy sẽ nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần Vinamilk lên 18,3%.
Tham vọng sở hữu cổ phần chi phối tại Vinamilk của Charoen Sirivadhanabhakdi đã quá rõ ràng, tuy nhiên để nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần lên 51%, vị tỉ phú này sẽ phải chi gần 4 tỉ USD để mua thêm 489 triệu cổ phiếu (giá mỗi cổ phiếu là 180.000 đồng). Và để huy động được số tiền “khổng lồ” cho thương vụ thâu tóm này, hẳn người Thái lại tiếp tục phương thức vay nợ như đã dùng với Sabeco.
Theo : Song Thanh
Cherry Media – https://bizc.vn