Giới trẻ Lý Sơn về quê lập nghiệp bằng du lịch

Ngành du lịch phát triển giúp nhiều bạn trẻ ở Lý Sơn có công việc và kế hoạch làm giàu trên chính quê hương.

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) những ngày hè luôn đông đúc với hàng nghìn du khách. Xe cộ tấp nập, các nhà nghỉ, khách sạn đầy đủ tiện nghi, sự tiện lợi của Lý Sơn khiến những khó khăn chỉ mấy năm trước nghe như “chuyện ngày xưa”.

Trước năm 2014, khi chưa có điện lưới quốc gia, người dân Lý Sơn chỉ được dùng điện 5 giờ mỗi ngày. Hòn đảo cách đất liền 10 hải lý yên bình nhưng vắng vẻ. Nhiều bạn trẻ không theo nghề biển hay trồng tỏi mà nuôi chí học hành, lập nghiệp phương xa. Xu hướng ấy giờ đây đang đảo ngược.

Tìm lối đi cho sản phẩm đặc thù

23 tuổi, Lê Thị Thanh Thanh sắp tốt nghiệp Đại học Kiểm sát Hà Nội, nhưng cô đang làm chủ một nhà hàng hải sản sức chứa gần 200 khách ở Lý Sơn.

Đằng sau cái tên Tới Bến của nhà hàng là một ý nghĩa khác, mà chỉ những người con biển cả mới thấm thía. “Muốn có hải sản tươi nhất, giá rẻ nhất thì phải tới tận bến cảng. Bến là nơi tàu cập đến mỗi ngày”, Thanh giải thích.

Không đơn giản là một quán ăn, Thanh nói rằng hiện có nhiều đại lý bán hải sản nhưng chưa có thương hiệu hải sản nổi tiếng của Lý Sơn. “Tên nhà hàng là một thương hiệu em mong muốn tạo dựng trên chính quê hương”, cô kỳ vọng.

Thanh (bên phải) và sản phẩm rong biển lên men trên tay. Ảnh: NVCC.

Thanh (bên phải) và sản phẩm rong biển lên men trên tay. Ảnh: NVCC.

Chuyện lập nghiệp của Thanh bắt đầu hai năm trước. Khi đang là sinh viên năm 3, cô đã dành nhiều mối quan tâm cho các sản phẩm đặc thù của Lý Sơn. Với dự án cá mắm, cô được chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen.

Năm 2017, cô khởi động dự án nâng giá trị rong biển truyền thống ở địa phương. Mỗi năm Lý Sơn có 200 tấn rong tươi khai thác gần bờ biển và 300 tấn rong khô muối được các tàu khai thác ở Hoàng Sa. Đặc biệt, rong chân vịt thuộc họ rong nâu là đặc sản không nơi nào có.

“Sau quy trình lên men đặc biệt cho rong, sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn dạng thô”, Thanh cho biết. Hiện cô đã sản xuất hàng trăm sản phẩm bán ở cửa hàng của gia đình cho khách du lịch. Cùng với thu mua, em sẽ hướng dẫn để người dân không khai thác tận diệt”, cô dự tính.

Không chỉ Thanh, trước đó, nhiều người trẻ ở quê hương Lý Sơn đã bỏ ngang công việc để dấn thân vào việc tìm đầu ra cho đặc sản Lý Sơn.

Từ một kỹ sư cơ khí, đang có công việc ổn định, anh Nguyễn Văn Định bỏ ngang để đi bán tỏi. Sau 8 năm, sản phẩm của anh đã có mặt ở các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài. Anh Định hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh hành tỏi Lý Sơn. Ngoài hành tỏi, anh đã mở rộng kinh doanh các mặt hàng hải sản tươi sống.

Anh Nguyễn Văn Định là một trong những người đầu tiên khởi nghiệp với đặc sản quê hương. Ảnh: Phạm Linh.

Anh Nguyễn Văn Định là một trong những người đầu tiên khởi nghiệp với đặc sản quê hương. Ảnh: Phạm Linh.

Không dừng lại ở các sản phẩm sơ chế, một số bạn trẻ đang nghiên cứu đưa tỏi vào ứng dụng làm đẹp, chăm sóc sức khỏe như tinh dầu tỏi, mặt nạ tỏi…

Về quê làm du lịch

Du lịch phát triển khiến nhiều bạn trẻ chọn học ngành hướng dẫn viên sau khi tốt nghiệp THPT. Nhiều người được đào tạo trong ngành du lịch hay những ngành liên quan như quản trị kinh doanh, marketing về quê làm việc.

Nếu như ở đảo Lớn, nhiều bạn trẻ quản lý các khách sạn, homestay của gia đình với cách quảng cáo hiện đại bằng mạng xã hội, thì tại đảo Bé, các homestay sặc sỡ, bắt mắt du khách đều từ ý tưởng của những người trẻ tuổi.

Một tháng nay, Đặng Văn Sâm (25 tuổi) tất bật với việc hoàn thành và khai trương homestay Bungalow. Ngôi nhà sàn nổi bật của Sâm đã thu hút nhiều khách check-in và lưu trú dù chỉ khai trương được một tuần.

Sâm và homestay Bungalow. Ảnh: Phạm Linh.

Sâm và homestay Bungalow. Ảnh: Phạm Linh.

Sâm cho biết anh tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh ở Đại học Nha Trang. “Ban đầu, em cũng không có ý định về quê nhưng khi du lịch phát triển em xin về làm trong một khách sạn ở đây. Sau một năm, em tách ra làm riêng”, Sâm nói.

Homestay của Sâm lấy ý tưởng từ những ngôi nhà Bungalow kiểu Ấn Độ mà Sâm đã thấy khi đi du lịch Sa Pa, đảo Cát Bà. “Chi phí xây nhà khoảng 200 triệu đồng từ tiền em tích góp và mượn gia đình”, Sâm cho biết.

Chủ nhân homestay Gió biển và Alabin ở đảo Bé cũng là những người được đào tạo, làm việc trong ngành du lịch. Tư duy mới mẻ và cách làm khác biệt của họ đang giúp du lịch đảo Bé định hình bản sắc riêng.

Sự khác biệt giữa những người trẻ Lý Sơn và những ngư dân, nông dân chuyển đổi nghề nghiệp được thể hiện qua cách làm hiện đại. Hiện các tên miền quan trọng và các Facebook nhiều lượt theo dõi về đảo Lý Sơn đều do những người trẻ Lý Sơn điều hành, phát triển nội dung.

Theo : vnexpress.net

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…