Hà Nội đang tạo những con đường “đắt nhất hành tinh“ vì đổi đất?
Nhiều tuyến đường mới sắp được xây dựng ở Hà Nội dù không nằm ở các quận trung tâm nhưng đều có kinh phí từ 450-500 tỷ đồng/km, thậm chí có tuyến giá trị đầu tư còn lên tới 700-800 tỷ đồng/km.
Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về việc 2 doanh nghiệp “tay ngang” là Công ty CP Phát triển nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt được Hà Nội trao chứng nhận đầu tư dự án xây dựng tuyến đường từ Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tuyến đường này không được giao cho doanh nghiệp theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng), trong khi thời gian vừa qua, dư luận đã nhiều lần “lên tiếng” về việc cần dừng thực hiện dự án theo hình thức này vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước. Hơn nữa, việc xây dựng tuyến đường này đang vô hình tạo thêm một tuyến đường “đắt nhất hành tinh” ở Hà Nội.
Theo công bố danh mục xây dựng dự án của Sở Kế hoạch và Đầu tư, để xây dựng đồng bộ tuyến đường với chiều dài 2,85km, mặt cắt ngang 30m, Hà Nội dự kiến phải chi ra khoản kinh phí gần 1.500 tỷ đồng. Như vậy, nếu đem tổng mức tiền này chia đều cho gần 3km đường dự án thì mỗi km đường cũng ngốn khoản kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.
Đáng chú ý để có kinh phí thực hiện con đường “đắt nhất hành tinh” này, Hà Nội dự kiến sẽ thanh toán cho chủ đầu tư quỹ đất đối ứng khoảng 39,8ha tại các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 thuộc Quy hoạch phân khu S4, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
Việc đổi đất để thực hiện dự án đang khiến dư luận lo lắng về việc Hà Nội đã để thất thoát thêm hàng nghìn tỷ đồng vào túi doanh nghiệp.
Cụ thể, căn cứ theo bảng giá đất quy định của UBND TP. Hà Nội có hiệu lực từ 2015 – 2019, phóng viên lấy giá đất tại 4 đoạn tiêu biểu của phường Đại Mỗ là đường Đại Mỗ có giá đất 16 triệu đồng/m2, phố Ngọc Trục giá đất 10,8 triệu đồng/m2, đại lộ Thăng Long – đường 70 là 19 triệu đồng/m2, đường Hữu Hưng là 14,4 triệu đồng/m. Với kết quả giá đất trung bình từ 4 đoạn tiêu biểu có thể tính ra giá đất trung bình tại phường Đại Mỗ có giá khoảng 15 triệu đồng/m2. Như vậy, gần 40ha đất tại phường Đại Mỗ “tính nhanh” theo bảng giá quy định sẽ có giá vào khoảng gần 6.000 tỷ đồng.
Một tuyến đường khác vừa được Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cũng rơi vào trường hợp tương tự, đó là dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5.
Theo đó, để xây dựng tuyến đường dài 1,65km này, Hà Nội dự tính phải mất khoản kinh phí 1.373 tỷ đồng nên đã tính toán đổi cho Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng khoảng 47,19 ha đất tại ba khu đất trên địa bàn TP.Hà Nội.
Cụ thể, khu đất thứ nhất là khu nhà ở Ao Mơ với diện tích khoảng 22,9 ha, bao gồm 3,85 ha diện tích tuyến đường mặt cắt 40m đi qua dự án (Thành phố đã giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư tổ chức nghiên cứu, lập dự án đầu tư).
Khu đất thứ hai là các ô đất thuộc Dự án Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 với diện tích khoảng 11,29 ha, bao gồm 1,24 ha diện tích tuyến đường mặt cắt 40m đi qua dự án (UBND Thành phố đã đồng ý về chủ trương cho phép Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng làm nhà đầu tư thực hiện).
Khu đất thứ ba là 3 quỹ đất do nhà đầu tư đề nghị bổ sung để đảm bảo cân đối giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất đối ứng, gồm: Dự án Ao Cây Dừa (diện tích đất khoảng 0,52 ha); Dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng (diện tích đất khoảng 11,9 ha); Dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng – Thanh Trì (diện tích khoảng 13 ha). Việc này càng làm dư luận… “dậy sóng” vì giá trị dự án quá lớn.
Có hay không lợi ích nhóm?
Liên quan đến việc thực hiện các dự án theo hình thức BT, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đầu tư theo hình thức BT là hoàn toàn đúng đắn, nhưng để đầu tư BT phát huy tối đa hiệu quả, các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, định giá đất đai và thẩm định tổng mức đầu tư dự án cần được tiến hành kỹ lưỡng. Đặc biệt, xây dựng dự án hạ tầng không thể căn cứ dựa trên tổng dự toán mà phải thực hiện theo hình thức đấu thầu để xác định theo giá thị trường.
Theo ông Liêm, thời gian qua, Hà Nội có quá nhiều những con đường “đắt nhất hành tinh”, một phần nguyên nhân cũng bởi tại các tuyến đường này, đất hai bên đường bị tăng giá nhiều lần. Ngoài ra còn bởi, Hà Nội phải “đổi chác” quá nhiều diện tích “đất vàng” cho doanh nghiệp.
Theo ông nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện nay, giá trị đất đai tại các thành phố lớn sẽ đem lại nhiều tiềm năng khi thực hiện thành công các dự án BT. Tuy nhiên, BT là một hình thức đầu tư phức tạp, chưa có tiêu chuẩn chung. Do đó, nếu không minh bạch sẽ dễ dẫn đến trục lợi, thất thoát tài sản nhà nước.
“Hà Nội đã có nhiều bài học về dự án BT, lần này với dự án đường Lê Trọng Tấn, cần đặt câu hỏi, có hay không lợi ích nhóm ở đây? Hay Hà Nội chưa tính toán hết các tiềm năng từ đất đã quyết định đổi đất cho nhà đầu tư để lấy dự án này?”, ông Liêm nêu câu hỏi.
BizLive
[elementor-template id=”16904″]