Tín dụng ngoại tệ tăng nhanh có đáng lo?
Trong 5 tháng đầu năm, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,1% thì tín dụng bằng ngoại tệ tăng khá nhanh với 8%, cao hơn so với tăng trưởng tín dụng bằng VNĐ.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối tháng 05/2018, vốn huy động của các TCTD tăng 6,2% so với cuối năm 2017; tín dụng tăng khoảng 5,8%.
Đáng chú ý, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,1% thì tín dụng bằng ngoại tệ lại tăng 8%. Tăng trưởng cho vay ngoại tệ cũng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng bằng VNĐ (5,6%).
Giải thích về điều này, theo chuyên gia đến từ công ty chứng khoán bảo việt (BVSC), huy động ngoại tệ giảm xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là lãi suất huy động ngoại tệ hiện vẫn bị áp mức trần 0% (được áp dụng từ năm 2015 đến nay) khiến động lực găm giữ USD trong nền kinh tế không còn lớn. Trong khi đó, nhu cầu vay ngoại tệ có xu hướng tăng lên khi lãi suất cho vay ở mức hấp dẫn tương đối so với vay bằng VNĐ và rủi ro biến động tỷ giá không nhiều trong những năm gần đây (chỉ 1-2%).
BVSC đánh giá, về rủi ro tổng thể, mặc dù tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung nhưng do tỷ trọng cho vay ngoại tệ còn khá thấp (chiếm khoảng 8%, tương đương hơn 500 nghìn tỷ đồng) nên rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định chung của hệ thống ngân hàng là không lớn. Bên cạnh đó, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt hơn 63 tỷ USD được đánh giá hoàn toàn đủ sức giải quyết những bất ổn liên quan đến cho vay ngoại tệ trong thời điểm hiện tại.
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]