Thăm Trung Quốc lần ba, Kim Jong-un tận dụng cạnh tranh giữa các cường quốc
Kim Jong-un đang hợp tác tối đa với các nước lớn nhằm mang về nhiều lợi ích cho Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trái, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters. |
“Khi thăm Trung Quốc lần ba, Kim Jong-un đang thực hiện chiến lược hợp tác tối đa, thể hiện rằng ông ta kiên quyết theo đuổi thuật ngoại giao, vươn tới mối quan hệ với cả bạn bè truyền thống và đối thủ lâu năm”, Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên chúa giáo quốc tế, Nhật Bản, đánh giá khi trao đổi với VnExpress về động thái mới đây của lãnh đạo Triều Tiên.
Kim Jong-un ngày 19/6 gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ông đã gửi lời cảm ơn và ca ngợi nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Chủ tịch Trung Quốc bày tỏ mong muốn Triều Tiên và Mỹ thực hiện những kết quả thu được sau hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong-un là Tổng thống Mỹ Trump hôm 12/6 tại Singapore.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ ba của lãnh đạo Triều Tiên trong vòng ba tháng, hai chuyến thăm lần trước là vào tháng ba và tháng 5/2018. Các hoạt động của Kim Jong-un diễn ra trước và sau khi ông có cuộc họp lịch sử với Tổng thống Mỹ Trump tại Singapore.
Tiến sĩ Nagy nêu rõ khi Kim Jong-un thực hiện chiến lược hợp tác tối đa, nó sẽ khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm ủng hộ và hợp tác với bất kỳ bên nào để áp đặt lệnh trừng phạt toàn diện với Triều Tiên. Chiến lược này của lãnh đạo Triều Tiên cũng giúp bảo vệ Bình Nhưỡng tránh được đợt tấn công quân sự của Mỹ, khi Washington không thể giành được sự ủng hộ của nước khác trong việc đơn phương tấn công.
Theo Nagy, một mục tiêu quan trọng khác của Kim Jong-un khi đến thăm Trung Quốc là gặp trực tiếp Tập Cận Bình để trao đổi về cuộc họp với Trump và xem xét Bắc Kinh có thể giảm bớt lệnh trừng phạt nào với Bình Nhưỡng. Đổi lại, về phía Trung Quốc, Tập Cận Bình đón tiếp Kim Jong-un đến thăm vì muốn bảo đảm rằng hai nước vẫn duy trì quan hệ gần gũi, không để Triều Tiên hướng vào vòng quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ.
“Trung Quốc hiểu rằng Triều Tiên không hoàn toàn tôn kính Bắc Kinh và quan hệ hai bên cũng có nhiều vấn đề”, Nagy nói.
Cũng đề cao tính toán của Kim Jong-un, chuyên gia Ryan Hass, Viện nghiên cứu Brookings, Mỹ, cho rằng lãnh đạo Triều Tiên đang tiếp nối truyền thống của gia đình là “lợi dụng sự cạnh tranh của các nước lớn để giành được lợi ích càng nhiều càng tốt”.
“Triều Tiên đang khiến cạnh tranh gia tăng giữa Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga về ảnh hưởng và sự hiểu rõ của các nước này đối với định hướng tương lai của Triều Tiên”, Hass nói.
Trong số lãnh đạo các nước nói trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập hiểu rõ nhất về điều Kim Jong-un quan tâm. Lãnh đạo Triều Tiên có thể không chỉ đơn giản muốn có những căn hộ cao cấp trên bờ biển nước này hay mối quan tâm của doanh nghiệp ngoại với Bình Nhưỡng. Điều Kim Jong-un muốn có là quyền lực. Tập Cận Bình có thể bày tỏ ủng hộ với nỗ lực của Kim và đưa ra những phương thức hỗ trợ Triều Tiên tập trung vào phát triển kinh tế và từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Theo đánh giá của Benoit Hardy-Chartrand, Đại học Temple, Nhật Bản, chuyến thăm Trung Quốc lần ba của Kim Jong-un làm nổi bật quan hệ được cải thiện giữa hai nước, sau nhiều năm xích mích. Kim Jong-un có thể yêu cầu Trung Quốc giảm bớt trừng phạt đã áp đặt trước đây. Trong khi đó Tập Cận Bình muốn củng cố quan hệ với Triều Tiên nhằm khẳng định mình là một nhân tố trội hơn các bên khác khi xử lý các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, rằng Bắc Kinh có tác động đến đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ.
Không bất ngờ với việc Kim Jong-un đến thăm Trung Quốc, chuyên gia Yun Sun, Trung tâm Stimson, đánh giá đây là việc “một bước đi tiếp theo” của Kim sau cuộc gặp với Trump. Lãnh đạo Triều Tiên có thể thảo luận với Trung Quốc về kế hoạch Bắc Kinh hỗ trợ phát triển kinh tế.
Tăng cường ‘quyến rũ’ Mỹ
Tiến sĩ Stephen Nagy dự đoán Triều Tiên sẽ gia tăng những “món quà” cho Mỹ, là những quyết định dễ dàng, để cho thấy Bình Nhưỡng ủng hộ quá trình phi hạt nhân hoàn toàn có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược (CVID) trong những năm tới.
Theo đó, Triều Tiên có thể phá thêm các điểm thử hạt nhân hay từ bỏ các công nghệ lạc hậu. Khi thực hiện những nhượng bộ này, Bình Nhưỡng có thể muốn nhận được viện trợ kinh tế từ tất cả các bên liên quan.
“Triều Tiên sẽ duy trì nhượng bộ tới khi Mỹ có chính quyền mới thay thế hoặc đến lúc cảm thấy đã đạt được phát triển kinh tế tương đối và sở hữu năng lực phòng vệ hạt nhân chiến lược ở mức tối thiểu”, Nagy nói. Chuyên gia này cũng hoài nghi về việc Triều Tiên thực hiện CVID như thế nào, vì Bình Nhưỡng sẽ phải mở rộng cửa để các thanh sát viên tiếp cận quốc gia vốn gây tò mò lớn với cả thế giới.
Chuyên gia Yun Sun cho rằng Triều Tiên “không có gì nhiều để làm” vì thực tế Kim Jong-un và Trump chỉ nhất trí về một thỏa thuận chung chung. Việc hai nước cần làm thời gian tới là làm rõ vấn đề phi hạt nhân hóa, Mỹ bảo đảm an ninh cho Triều Tiên như thế nào và các chính sách kinh tế ra sao.
Benoit Hardy-Chartrand nói khó có thể đánh giá Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến Triều Tiên trong thỏa thuận với Mỹ, vì thực tế Triều Tiên và Mỹ không đưa nhiều thỏa thuận trong cuộc gặp ngày 12/6 ở Singapre. Kim Jong-un chỉ đơn giản nhắc lại điều ông đã nói về mong muốn phi hạt nhân hóa, hành động cụ thể duy nhất là Triều Tiên đồng ý hồi hương hài cốt lính Mỹ sau chiến tranh, là sự nhượng bộ rất nhỏ của Kim, không khó để đạt được.
Từ khi lãnh đạo Triều Tiên họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ, áp lực quốc tế với Bình Nhưỡng đã giảm và triển vọng kinh tế có thể được cải thiện.
“Vì thế Triều Tiên không có nhiều động lực để đưa ra những nhượng bộ lớn về hạt nhân”, Hardy-Chartrand nói.
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]