“Điểm nhìn chung” Lyon – Hà Nội
Đó là tên của dự án kết hợp hai bộ môn nghệ thuật: nhiếp ảnh và múa.
Mong muốn được kết nối đam mê nhiếp ảnh với những đặc trưng văn hóa của hai vùng đất Lyon và Hà Nội, nhiếp ảnh gia Nguyễn Kiều Linh hiện đang sinh sống và học tập tại thành phố Lyon (Pháp) đề xuất một dự án nghệ thuật nhằm chia sẻ góc nhìn của các nhiếp ảnh gia đến từ Pháp và Việt Nam về múa.
Nếu như múa là một trong số những “đặc sản” nổi tiếng thế giới của Lyon, thì nhiếp ảnh cũng là một lĩnh vực có tuổi đời khá lâu ở mảnh đất này. Bởi lẽ đó, Nguyễn Kiều Linh đã quyết định thực hiện dự án “Điểm nhìn chung” để kết hợp hai bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh và múa. Dự án của cô được thực hiện tại Lyon và Hà Nội nhằm đưa đến cho khán giả cái nhìn giao thoa về múa đương đại tại hai mảnh đất này.
“Điểm nhìn chung” gồm hai triển lãm có cùng nội dung, được thực hiện tại thành phố Lyon (Pháp) và Hà Nội (Việt Nam). Triển lãm tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội vào tối 7/9 là phần nối tiếp triển lãm đầu tiên của giám tuyển trẻ Nguyễn Kiều Linh diễn ra trong khuôn khổ Biennale múa Lyon 2016. Nằm trong khuôn khổ Liên hoan “Múa đương đại : Sự gặp gỡ Á-Âu 2017” tại Hà Nội, triển lãm giới thiệu các tác phẩm của tám nhiếp ảnh gia người Pháp và Việt Nam là Virginie Kahn, Jean Barak, Sylvain Mestre, Nguyễn Kiều Linh, Nguyễn Thế Dương, Tuấn Đào, Trần Kỳ Anh, Trịnh Xuân Hải.
Các tác phẩm ảnh và video được giới thiệu trong triển lãm sẽ mang đến cho người xem những tư liệu thú vị về múa đương đại dưới mọi góc độ: trong phòng tập, trên sàn diễn, hay nỗi cô đơn phía sau cánh gà… Đây hứa hẹn sẽ là dịp để khán giả Hà Nội được chiêm ngưỡng những bức ảnh ghi dấu khoảnh khắc đắt giá trong các vở múa đặc sắc, nổi tiếng trên sân khấu Pháp-Việt.
Nguyễn Kiều Linh theo học tại Lyon từ năm 2011. Hiện nay, cô học song song chuyên ngành kinh tế tại Đại học Lumière Lyon 2 và chuyên ngành nhiếp ảnh tại Đại học Condé. Đặc biệt, cô cũng là thành viên khóa 2016 của Tổ chức Đại sứ trẻ (l’Association Jeune Ambassadeurs) và tình nguyện viên nhóm múa của Hội văn hóa Việt Nam tại vùng Rhône-Alpes (ACVR).
Về Việt Nam tham gia dự án cùng cô lần này có những nhiếp ảnh gia tài năng của Pháp như Virginie Kahn – người chuyên chụp các buổi biểu diễn đồng thời là một nhà dựng phim, Jean Barak – người mong muốn níu giữ cái đẹp tinh tế mà rất phù du của múa bằng sự vĩnh cửu của các bức hình, hay Sylvain Mestre – người luôn bị ấn tượng bởi hình ảnh và đồ họa. Họ sẽ kết hợp với các nghệ sĩ Việt Nam để tạo nên sự hoàn thiện trong “Điểm nhìn chung”.
T.H