Lộc Trời giúp nông dân giám sát cánh đồng qua vệ tinh

Dữ liệu thu thập từ vệ tinh được gửi về ứng dụng di động, giúp nhà nông biết rõ tình trạng cánh đồng, dự báo dịch bệnh, thời tiết…

PGS.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời cho biết dự án SAT4RICE đang ở năm cuối cùng của giai đoạn thử nghiệm. Hiện hệ thống giám sát cánh đồng qua vệ tinh và gửi thông tin về ứng dụng di động mới chỉ áp dụng trên lúa ở An Giang và Sóc Trăng.

“Chúng tôi đã thử nghiệm sử dụng ứng dụng này trong hai năm qua với gần 1.000 lượt nông dân tham gia. Trong vụ hè thu năm nay, dự kiến có 5.000 nông dân thuộc vùng nguyên liệu của Lộc Trời tham gia dự án”, ông Chín nói.

PGS.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (ngoài cùng bên phải) cùng lực lượng khuyến nông đi thăm đồng và cập nhật tình hình ruộng lúa vào ứng dụng SAT4RICE.

PGS.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (phải) cùng lực lượng khuyến nông cập nhật tình hình ruộng lúa vào ứng dụng SAT4RICE.

SAT4RICE là dự án nông nghiệp công nghệ cao do Chính phủ Hà Lan phối hợp với tập đoàn Lộc Trời thực hiện. Dự án thu thập dữ liệu cánh đồng thông qua hình ảnh vệ tinh và ghi nhận từ mặt đất, từ đó cung cấp các thông tin về tình hình phát triển của đồng ruộng, dịch bệnh, thời tiết… qua ứng dụng di động.

Chương trình có tổng kinh phí 1,8 triệu euro, trong đó Chính phủ Hà Lan tài trợ 1,42 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp. Trong hai năm đầu thực hiện, các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư và nông dân chủ yếu cùng xây dựng và thử nghiệm cách thức thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu sao cho sát với tình hình thực tế của nhà nông.

Dữ liệu được thu thập bằng cách trích xuất hình ảnh vệ tinh do Chính phủ Hà Lan vận hành. Hình ảnh vùng địa lý đồng bằng sông Cửu Long được gửi về hệ thống phân tích dữ liệu mỗi tuần, làm cơ sở theo dõi tình trạng ngập lụt, hạn hán… Đối với cây lúa, các hình ảnh này thể hiện rõ nét ở các trà lúa trên từng mảnh ruộng, kể cả mảnh diện tích chỉ vài nghìn mét vuông.

Giao diện biểu mẫu nhập liệu thông tin cánh đồng và bản đồ tình hình ruộng lúa nhìn từ vệ tinh của Hà Lan trong ứng dụng SAT4RICE.

Giao diện biểu mẫu nhập liệu thông tin cánh đồng và bản đồ tình hình ruộng lúa nhìn từ vệ tinh của Hà Lan trong ứng dụng SAT4RICE.

Loại dữ liệu thứ hai đưa vào ứng dụng là thông tin ghi nhận từ mặt đất. 1.300 khuyến nông viên cơ sở sẽ đến từng ruộng mỗi tuần để thu thập thông tin về giống lúa, ngày gieo sạ, các loại phân bón, thuốc, chiều cao cây lúa, mực nước ruộng… Các loại dữ liệu được tập hợp, phân tích và trích xuất dưới dạng dễ hiểu, dễ tiếp cận cho nông dân.

“Chẳng hạn nếu ruộng có màu xám, tức đang không có cây trồng, màu xanh dương là gieo xạ, xanh lá đậm đen là lúa trổ, đỏ là đến kỳ thu hoạch… Người nông dân chỉ cần nhìn hình ảnh thì biết tình hình của từng trà lúa trên ruộng”, ông Chín cho biết.

Từ góc độ nhà nông, bà con không phải trả phí sử dụng dịch vụ và ứng dụng. Chỉ cần có smartphone, người nông dân có thể truy cập vào ứng dụng miễn phí, điền vào biểu mẫu những thông tin về ruộng lúa và nhận cập nhật dữ liệu mỗi ngày. Hiện các khuyến nông viên cơ sở, hay còn gọi là lực lượng “Ba Cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với nông dân) sẽ hỗ trợ khâu nhập liệu.

Với ứng dụng này, người nông dân biết được thông tin, diễn biến trên các cánh đồng toàn đồng bằng sông Cửu Long, trong tỉnh, huyện, xã cùng tình trạng thời tiết chung của vùng để quyết định thời điểm xuống giống của ruộng.

Ứng dụng cũng cho biết các loại dịch hại nào đang hoành hành ở vùng xung quanh ruộng, ở các xã, huyện, tỉnh để chuẩn bị phòng chống kịp thời, không để dịch hại tấn công, gây thất thu. Các doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cũng biết được loại dịch hại nào đang nổi lên ở vùng nào để kịp cung ứng thuốc ra thị trường. Chính quyền địa phương cũng có thể theo dõi, giám sát tình hình nuôi trồng trên địa bàn để có chính sách phù hợp.

Chuyên gia Hà Lan và khuyến nông viên hướng dẫn nông dân cách thu thập và nhập liệu vào ứng dụng.

Chuyên gia Hà Lan và khuyến nông viên hướng dẫn nông dân cách thu thập và nhập liệu vào ứng dụng.

Theo kế hoạch cuối năm 2018, doanh nghiệp sẽ nghiệm thu kết quả và lên kế hoạch mở rộng cho những năm tiếp theo, dự kiến kêu gọi các doanh nghiệp khác ở toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long tham gia.

Đại diện đơn vị nghiên cứu công nghệ của Lộc Trời cho biết càng nhiều nông dân tham gia dự án thì mật độ các mảnh ruộng hiện lên trên bản đồ toàn vùng địa lý sẽ càng dày đặc, mức độ thông tin càng nhiều, hiệu quả phục vụ thực tiễn sản xuất càng cao. Trong tương lai khi mở rộng ứng dụng, nông dân sẽ tự điều biểu mẫu nhập liệu, không cần có “Ba Cùng”.

Ứng dụng cũng có thể mở rộng sang các cây trồng khác như cây ăn trái (bưởi da xanh, xoài…) tại cùng một vùng địa lý là đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, đại diện Lộc Trời cho biết để duy trì dự án kể từ năm 2019 trở đi, các đối tác doanh nghiệp phải có vốn đối ứng duy trì là 20.000 euro.

“Càng nhiều doanh nghiệp đóng góp sẽ giúp kéo giảm chi phí phải chi để thực hiện dự án cho mỗi đơn vị”, ông Chín nói.

Khánh Anh

Nằm trong chuỗi chuyên đề thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp – Giải pháp phát triển cho nông sản Việt sẽ khai mạc vào sáng 5/6.

Diễn đàn là nơi các cơ quan quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp cùng bàn thảo hai nội dung chính là vấn đề mở rộng thị trường cho nông sản Việt, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Diễn đàn do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phối hợp thực hiện cùng Báo điện tử VnExpress, đồng hành cùng  nhà tài trợ Kim cương Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Việt Nam và nhà tài trợ Bạc Công ty Cổ phần Lina Network.

Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net/

Theo : vnexpress.net

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…