Vì sao lãnh đạo Nội thất Xuân Hòa bất ngờ chi trăm tỷ thâu tóm một công ty đồ chơi?

Chưa đầy một tháng sau khi lên sàn, các cổ đông chủ chốt của Nam Hoa (NHT) đã bán 2/3 cổ phần của công ty cho các cá nhân là lãnh đạo công ty Xuân Hòa.

Được thành lập từ năm 1980, đến nay Xuân Hòa đã trở thành trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về tư vấn, thiết kế, sản xuất trang thiết bị nội thất. Tuy nhiên, không giống như nhiều cái tên lớn trên thị trường, hoạt động của Xuân Hòa khá trầm lặng. Bản thân doanh nghiệp này cũng không có được thương vụ nào lớn trong những năm gần đây, trong khi lợi nhuận vẫn phụ thuộc khá nhiều vào liên doanh với tập đoàn Toyota.

Dù vậy, cách thời điểm kết thúc năm 2017 2 ngày, lãnh đạo của doanh nghiệp này, mà cụ thể là thành viên HĐQT và người nhà vừa tiến hành thương vụ thâu tóm một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi vừa mới đăng ký giao dịch trên UPCoM từ đầu tháng 12.

Bằng việc chi ra gần 100 tỷ đồng, những nhà đầu tư có liên quan đến Xuân Hòa đã sở hữu gần 67% vốn của Nam Hoa – một doanh nghiệp vừa đăng ký giao dịch trên UPCoM từ đầu tháng 12/2017.

Trong đó, 2 thành viên HĐQT của Xuân Hòa là ông Lê Duy Anh và ông Đoàn Hương Sơn đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu từ ban lãnh đạo của Nam Hoa. Sở hữu của hai cá nhân này sau giao dịch đạt lần lượt 17,1% và 21,7% vốn.

Hai cá nhân có liên quan là bà Bùi Thị Hiên (vợ ông Lê Duy Anh) và bà Lê Thị Hồng Minh (người có liên quan với vợ ông Đoàn Hương Sơn) nắm giữ lần lượt là 7,75% và 7,26%. Một cá nhân khác là bà Trần Thị Thanh Hương hiện cũng nắm giữ gần 12,6% cổ phần của Nam Hoa.

Bên chuyển quyền sở hữu là hai cổ đông lớn duy nhất của Nam Hoa, theo bản công bố thông tin khi công ty lên UPCoM. Trong đó, ông Ngô Văn Hòa – cổ đông sở hữu 68% vốn của doanh nghiệp này, đã bán đăng ký bán 3,47 triệu cổ phiếu trên tổng số 3,74 triệu cổ phiếu sở hữu.

Hoạt động không mấy nổi trội, nhưng vẫn “sống khỏe” nhờ cổ tức từ liên doanh là câu chuyện kinh doanh của Xuân Hòa trong những năm gần đây. Do đó, thương vụ thâu tóm vừa thực hiện có thể là nước đi cho sự thay đổi của Xuân Hòa và giảm bớt sự phụ thuộc vào liên doanh với Toyota. Còn với Nam Hoa, công ty này vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển khi các yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận, chủ yếu do vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Với Xuân Hòa, dù sở hữu thương hiệu nội thất hàng đầu trên thị trường nhưng kết quả kinh doanh của công ty này trong những năm gần đây chỉ đủ bù đắp chi phí.

Giai đoạn từ 1/7/2014 – 31/12/2015, Xuân Hòa ghi nhận 592 tỷ đồng doanh thu thuần. Tuy nhiên, giá vốn chiếm hơn 83%, tương đương gần 500 tỷ, các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng cũng ngốn gần 90 tỷ đồng.

Năm 2016, công ty ghi nhận hơn 370 tỷ đồng doanh thu và 83 tỷ đồng lãi gộp với biên lãi gộp được cải thiện lên 22,6%. Nhưng phần lợi nhuận gộp này gần như chỉ bù đắp được chi phí bán hàng (27,4 tỷ) và chi phí quản lý doanh nghiệp (43,3 tỷ đồng).

Lợi nhuận của Xuân Hòa, chủ yếu nhờ vào cổ tức được chia từ liên doanh Takanichi Việt Nam (nay đã đổi tên thành Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội). Liên doanh này được thành lập giữa Xuân Hòa và tập đoàn Toyota Boshoku, trong đó công ty này sở hữu 30% vốn.

Trái với Xuân Hòa, câu chuyện của Nam Hoa là ở chiều hướng khác. Dù ít được biết đến do chủ yếu làm gia công, tuy nhiên Nam Hoa là một trong số ít thương hiệu sản xuất đồ chơi và đồ trang trí từ gỗ có hoạt động tốt và biên lợi nhuận cao.

Đặt trọng tâm vào các sản phẩm từ gỗ, cơ cấu sản phẩm của Nam Hoa chia làm 3 nhóm chính là đồ chơi trẻ em, đồ trang trí và dụng cụ đồ dùng. Trong nhóm này, phần lớn doanh thu chỉ tập trung vào 2 nhóm sản phẩm là đồ chơi trẻ em và đồ trang trí.

Trong những năm gần đây, doanh thu từ mảng đồ chơi trẻ em đem về cho Nam Hoa từ 30 – 50 tỷ đồng mỗi năm, tương đương khoảng 30% – 35% tổng doanh thu. Trong khi mảng kinh doanh đem về doanh thu cao nhất phải kể tới đồ trang trí, luôn chiếm quá nửa doanh thu trong 3 năm gần đây.

Dù vậy, lợi nhuận của công ty này trồi sụt khá mạnh do 2 yếu tố là chí phí giá vốn và chi phí bán hàng. Trong giai đoạn từ năm 2010 – 2016 khi các khoản định phí không thay đổi, lợi nhuận của Nam Hoa phụ thuộc chủ yếu vào chi phí giá vốn. Sự thiếu ổn định biểu hiện rõ nhất vào 2 năm 2011 và 2012 khi biên lợi nhuận gộp chỉ còn dưới 10%, Nam Hoa báo lỗ lần lượt 26 tỷ và 14 tỷ đồng. Sau khi biên lợi nhuận gộp ổn định trở lại ở mức trên 24%, công ty mới bắt đầu có lãi.

Đến 9 tháng đầu năm 2017, một yếu tố khác tạo sự chi phối mạnh là chi phí bán hàng. Trong khi biên lợi nhuận không khác biệt so với giai đoạn trước đó nhưng chi phí bán hàng giảm mạnh giúp công ty này tạo ra 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 3 lần cả năm 2016.

Rõ ràng thương vụ này đã mang lại lợi thế cho cả hai doanh nghiệp. Một mặt thâu tóm Nam Hoa sẽ là một khoản đầu tư khá tiềm năng khi những yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh chủ yếu nằm trong nội tại của doanh nghiệp và liên quan đến yếu tố quản trị. Sự kết hợp của một thương hiệu lâu năm trong lĩnh vực nội thất và một công ty có thế mạnh về sản phẩm trang trí nhà cửa rõ ràng là một sự cộng hưởng tích cực.

Tuyết Lan

Theo Trí thức trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…