Để sống cùng hai nền văn hóa…
Trong mắt nghệ sĩ Bỉ gốc Việt Trương Minh Thy Nguyên, quê hương Việt Nam đang có sự chuyển mình đầy hứng khởi. Chia sẻ với phóng viên TG&VN, anh cho biết, mỗi lần trở về anh đều cảm nhận được nét thi vị của sự thay đổi ấy.
Một tác phẩm của nghệ sĩ Trương Minh Thy Nguyên. |
Thật thú vị khi được tiếp xúc với một người Bỉ gốc Việt nhưng nói giọng miền Nam chuẩn và ngọt như anh!
Cha tôi đến Bỉ từ năm 1964, ông làm kỹ sư ngành máy tính. Mẹ tôi cũng sang đây khoảng vài năm sau, bà từng học nghề in lụa nhưng rồi cũng theo ngành của cha tôi. Tôi được sinh ra và lớn lên ở Bỉ, nhưng may mắn là trong gia đình, mọi người luôn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Ngay từ khi tôi còn nhỏ, vào mỗi thứ Bảy, cha mẹ tôi thường tổ chức một lớp tiếng Việt để dạy con cái đọc và nói tiếng Việt. Tôi thấy mừng là mình vẫn giữ được chất giọng mà mọi người nhận xét là “rặt miền Nam” (quê cha ở TP. Hồ Chí Minh và quê mẹ ở Biên Hòa, Đồng Nai) và có thể giao tiếp với người Việt. Tuy nhiên, tôi vẫn phải học hỏi thêm nhiều mới có thể nói tốt như những người Việt thực thụ.
Cha mẹ đều theo ngành máy tính, riêng anh lại chọn con đường nghệ thuật?
Trước đây, tôi cũng từng học để trở thành nhà thiết kế web. Nhưng thời gian sau, tôi học thêm ở trường Nghệ thuật École de Recherche Graphique tại Brussels. Tại đây, tôi học nghệ thuật vẽ sơn và thiết kế đồ họa. Tôi đã lựa chọn công việc của một nghệ sĩ tự do vì nhận ra đây mới chính là sở thích của mình.
Được biết, anh đã thực hiện một số dự án và triển lãm thú vị tại Việt Nam như “Bảng chữ cái Sài Gòn”, “Máy xay sinh tố”… Đâu là lý do thôi thúc anh trở lại quê hương hợp tác làm nghệ thuật?
Đơn giản vì tôi yêu Việt Nam và nền văn hoá của chúng ta. Tôi đã về thăm quê từ khi sáu tuổi và rất cảm động nhìn thấy cảnh sắc Việt Nam, cũng như được gặp bà con họ hàng của mình. Ở Bỉ, cha mẹ tôi cũng thường kể cho tôi những kỷ niệm cũ và nói rằng họ rất nhớ quê. Những năm gần đây, gia đình tôi có nhiều điều kiện để trở về Việt Nam thường xuyên hơn.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực nghệ thuật, thậm chí còn hơn cả Bỉ. Tôi cũng nhận thấy thế hệ trẻ Việt Nam rất tài năng, sáng tạo và đầy năng lượng. Tôi trở lại Việt Nam cùng các chương trình hợp tác nghệ thuật với mục đích kết nối với quê hương và chia sẻ các kỹ năng trong chuyên ngành của mình.
Nghệ sĩ Trương Minh Thy Nguyên sáng tạo nghệ thuật trên đường phố. |
Anh có thể nói gì về ý tưởng của dự án sắp đặt “Chuyển mình hứng khởi” đang thực hiện tại Hà Nội cùng với hai nghệ sĩ Pháp là Pierre Larauza và Emmanuelle Vincent. Dường như nội dung chủ đạo trong sáng tạo nghệ thuật của anh là sự pha trộn văn hóa và biến đổi đô thị?
Tại dự án này, chúng tôi muốn mô tả bức chân dung thi vị về cuộc sống, trong đó có sự đan cài giữa truyền thống và đương đại. Nó thể hiện những thay đổi mà các đô thị lớn ở Việt Nam đang trải qua bằng cái nhìn lạc quan, với thái độ có chút bông đùa, tinh nghịch. Có thể nói, “Chuyển mình hứng khởi” mang cái nhìn đậm chất thơ về đất nước Việt Nam trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ thông qua hội họa, vũ đạo và nghệ thuật sắp đặt. Bản thân tôi nhận thấy sự biến đổi này rất nhanh, mỗi lần về quê tôi lại nhìn thấy một bộ mặt mới và muốn thể hiện điều này trong tác phẩm của mình.
Tôi đã dùng hình ảnh con tôm lớn tượng trưng cho tương lai của đô thị cùng với sự sung túc và đủ đầy. Trong tác phẩm của tôi, mọi người sẽ nhìn thấy sự đối diện của con người với con tôm lớn ấy. Dù có ngạc nhiên và có chút sợ sệt trước kích cỡ khổng lồ nhưng ai cũng muốn thử thưởng thức hương vị của nó.
Còn những dự định trong tương lai của anh?
Sắp tới, chúng tôi sẽ trình diễn dự án này tại nhà hát TP. Hồ Chí Minh và Singapore. Từ tháng 10, tôi cũng sẽ tham gia giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục đi lại giữa Bỉ và Việt Nam và muốn mong có thêm những dự án trao đổi với các nghệ sĩ Việt Nam để được trải nghiệm cũng như học hỏi nhiều hơn về văn hóa của quê hương mình.
Người đồng hành với anh trong những dự án này luôn là vợ anh – biên đạo múa người Pháp sinh sống tại Bỉ cũng rất yêu văn hóa Việt Nam, phải không?
Đúng vậy! Vợ tôi chính là biên đạo múa Emmanuelle Vincent – một trong hai thành viên của Đoàn nghệ thuật T.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e. Chúng tôi bắt đầu các chương trình hợp tác về nghệ thuật cùng nhau dưới sự hỗ trợ của Bộ trưởng Bộ Liên bang Wallonie-Brussels.
Chúng tôi đã tổ chức đám cưới ở quê ngoại Biên Hòa. Vợ tôi luôn muốn tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều về văn hóa Việt Nam. Thật vui là cô ấy nấu món Việt khá ngon, thậm chí còn biết múa truyền thống Việt Nam. Ở Bỉ, chúng tôi cũng tham gia hoạt động tại Đoàn nghệ thuật Trường Sơn thuộc Hội người Việt Nam. Có thể nói, chúng tôi luôn cùng nhau kết hợp và sống cùng hai nền văn hóa.
Xin cảm ơn anh!
AN BÌNH
Theo : baoquocte.vn