Tận dụng cơ hội FTA Hàn Quốc
Chỉ 24% Doanh nghiệp Việt Nam được hưởng ưu đãi từ VKFTA và 28% từ AKFTA
Đó là thông tin được đưa ra thảo luận tại Hội thảo về Tận dụng ưu đãi và thực thi FTA Việt Nam – Hàn Quốc do Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) phối hợp với KOTRA, VCCI-HCM phối hợp tổ chức vừa qua.
Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã có đánh giá chung về tình hình hợp tác thương mại giữa hai nước Việt – Hàn.
FTA Việt Nam – Hàn Quốc đi vào hiệu lực từ cuối năm 2015 đã mang lại nhiều cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Các bên mong muốn nâng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Hàn Quốc lên 72 tỉ USD trong thời gian sắp tới và chuyển từ việc “chọn cho” sang “chọn bỏ” đối với các thủ tục thương mại.
Hiện nay, mặc dù Việt Nam đang trong tình trạng nhập siêu từ Hàn Quốc nhưng cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai nước lại mang tính bổ trợ và không cạnh tranh trực tiếp.
Tính đến cuối năm 2017, Hàn Quốc là quốc gia có đầu tư lớn nhất trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 57,6 tỷ USD cho hơn 6.500 dự án của các tên tuổi lớn như Samsung, LG, POSCO,…
Theo công bố của các giáo sư ĐH Myongji (Hàn Quốc), tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA Việt – Hàn trong xuất khẩu từ Việt Nam sang đạt 58,8% vào năm 2016. Khảo sát của Công ty Dịch vụ Hải quan Shinhan cho thấy 72% các doanh nghiệp Việt Nam khi được hỏi đã trả lời biết tận dụng ưu đãi thuế quan của VKFTA, nhưng chỉ 24% được hưởng ưu đãi từ VKFTA và 28% từ AKFTA.
Tại hội thảo, ông Lê An Hải khẳng định chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, điện hình như việc ban hành Nghị quyết số 19 (năm 2017) và Nghị quyết số 35 (năm 2016) để cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Ông Hải cũng cho biết Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan nhiều nhất là giá trị xuất khẩu ngành dệt may sang Hàn Quốc. Ở chiều ngược lại của Hàn Quốc là máy móc, thiết bị, phụ tùng.
Khi giới thiệu về thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) mẫu VK, ông Nguyễn Quân Phúc, đại diện Phòng Quản lý Xuất Nhập Khẩu TPHCM, thông báo từ ngày 8/3/2018, việc cấp C/O sẽ quy về Nghị định 31/2018/NĐ-CP (hướng dẫn chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa). Thời gian chuyển tiếp của các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục cấp C/O VK trước đây sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2018.
Hiện nay, có 4 tổ chức được Bộ Công thương ủy quyền cấp C/O là Phòng Quản lý XNK khu vực; Ban Quản lý KCN/KCX Hà Nội, Sở Công thương Hải phòng; Ban quản lý các khu Kinh tế/Công nghiệp/Chế xuất và VCCI. Riêng VCCI có thể cấp C/O mẫu A, B và C/O theo yêu cầu nước nhập khẩu nhưng không được cấp C/O AKFTA và VKFTA.
Ông Phúc cũng hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký hồ sơ thương nhân và cách sử dụng phần mềm trực tuyến eCOSys để nộp đơn yêu cầu cấp C/O, thay đổi nơi đăng ký cấp C/O giúp tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Hồ sơ đề nghị cấp C/O VK bao gồm chứng từ cơ bản (đơn, mẫu C/O VK, tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại…) và chứng từ chứng minh xuất xứ (bảng kê khai, cam kết đạt tiêu chuẩn xuất xứ VK, chứng nhận quy trình sản xuất, xuất xứ của nhà cung cấp nguyên liệu trong nước…).
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng lưu ý doanh nghiệp một số vấn đề liên quan đến lỗi ngôn ngữ mô tả hàng hóa, tên người xuất khẩu; cách ghi trị giá FOB trên C/O; vấn đề thống nhất mã hồ sơ, tiêu chí xuất xứ, khai nhiều mặt hàng trên một C/O…
Theo : LÊ ĐÔ
Cherry Media – https://bizc.vn