Cuộc đời khốn cùng của những cựu điệp viên Triều Tiên trên đất Hàn
Sau nhiều năm ngồi tù, những cựu điệp viên Triều Tiên được trả tự do nhưng sống nghèo khổ, luôn bị giám sát và chỉ khao khát được trở về.
Seo Ok-yeol , một cựu điệp viên Triều Tiên trong căn nhà lụp xụp ở Gwangju, Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Ông Seo Ok-yeol, một cựu điệp viên Triều Tiên 89 tuổi, đã trải qua gần 6 thập kỷ sống trên lãnh thổ Hàn Quốc, trong đó có 29 năm bị giam cầm và tra tấn, theo AP. Sau khi được trả tự do, ông sống một cuộc đời nghèo khổ và luôn bị cảnh sát giám sát chặt chẽ. Cụ ông khốn khổ này chỉ có một khao khát duy nhất là được trở về Triều Tiên.
“Con người ai cũng muốn được chết ở nơi mà họ được trân trọng”, ông nói, dù lo sợ rằng có thể đã quá muộn để được đoàn tụ với vợ con ở quê nhà.
Seo là một trong số 19 điệp viên và du kích Triều Tiên thời kỳ Chiến tranh Lạnh bị giam trong nhà tù Hàn Quốc và đang nỗ lực trở về Triều Tiên. Dù bây giờ họ đã chính thức tự do nhưng Hàn Quốc vẫn không cho phép họ trở về vì muốn Bình Nhưỡng trao trả hàng trăm công dân mà Seoul cáo buộc đang bị Triều Tiên giữ.
Trong một cuộc trao đổi gần đây với phóng viên AP, 7 cựu điệp viên, đều trong độ tuổi 80 đến 90, khẳng định Triều Tiên là “quê hương tư tưởng” của họ. Dù những nỗ lực đàm phán để trở về trước đây đều thất bại nhưng họ vẫn tràn đầy lạc quan sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4, trong đó lãnh đạo hai miền cam kết giải quyết vấn đề nhân đạo liên quan đến việc đất nước bị chia cắt 65 năm qua.
“Tôi đã bật khóc vì hạnh phúc. Tôi có một tia hy vọng rằng vấn đề của chúng tôi có thể được giải quyết”, Yang Hee-chul, 82 tuổi, một cựu điệp viên nói tại hội nghị thượng đỉnh.
Năm 2000, khi quan hệ hai miền tiến triển, Hàn Quốc đã cho hồi hương 63 điệp viên và du kích Triều Tiên. Sau đó, hàng chục người Triều Tiên bị giam tù cũng nộp đơn xin hồi hương nhưng không thành, vài người trong số họ đã chết.
Cựu điệp viên Triều Tiên Shin In-young ôm mẹ, bà Ko Pong-hee khi được chính phủ Hàn Quốc cho hồi hương tháng 9/2000. Ảnh: AP. |
Trong một văn bản phản hồi, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết đây không phải lúc để xem xét việc hồi hương cho các cựu điệp viên và Triều Tiên gần đây cũng không yêu cầu họ phải làm như vậy.
Seo được sinh ra trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển tây nam Triều Tiên khi bán đảo này vẫn còn là thuộc địa của Nhật Bản. Trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, ông tình nguyện gia nhập Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Sau khi hiệp định đình chiến được ký kết giữa hai miền, ông định cư ở Triều tiên rồi trở thành điệp viên. Seo bị bắt năm 1961 khi đang bơi qua một con sông vào Hàn Quốc mà theo ông nói là một nhiệm vụ “thúc đẩy thống nhất Triều Tiên”.
Năm 1962, Park Hee-song, kỹ sư trưởng trên tàu do thám Triều Tiên cùng ba người khác đấu súng với một tàu hải quân Hàn Quốc ở ngoài khơi phía đông. Ông bị trúng hai phát đạn và sau đó bị giam giữ tại Hàn Quốc.
“Tôi đã định tự tử bằng một lựu đạn dự trữ nhưng nó không phát nổ, thế nên tôi vẫn đang sống ở đây như thế này”, ông Park, 83 tuổi, vừa nói vừa chỉ vào cánh tay bị cong do vết thương đạn bắn.
Hầu hết điệp viên đều bị giam tù hàng chục năm. Họ nói rằng ở trong tù, lính canh Hàn Quốc liên tục tra tấn để bắt họ từ bỏ lý tưởng Cộng sản.
Kim Young-sik, một phát thanh viên trên tàu do thám Triều Tiên bị bắt năm 1962 nói rằng ông bị trói vào tấm ván, sau đó lính canh đặt khăn mỏng trên mặt ông và dội nước.
“Tôi cảm thấy như mình đang chết. Tôi vẫn rất căm giận. Làm sao họ có thể tra tấn để buộc tôi từ bỏ một lý tưởng mà tôi tin rằng đúng đắn”, cụ ông 85 tuổi cho biết.
Lính canh cũng buộc ông Kim và những người khác ăn trên sàn với hai tay bị còng sau lưng, trong khi những người khác bị treo trên trần nhà, hai tay cũng bị còng như vậy.
63 người được Hàn Quốc cho hương năm 2000 cũng chưa bao giờ từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản trong hàng chục năm ở tù. Hàng trăm nghìn người Triều Tiên đã đổ ra đường phố Bình Nhưỡng để chào đón như những người hùng.
Cựu điệp viên Yang Won-jin, 88 tuổi, người từng bị giam tù 29 năm, ngồi bên một bài báo về hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước khi trả lời phỏng vấn ở Seoul hôm 11/5. Ảnh: AP. |
Sau khi được trả tự do vào cuối những năm 1980, các cựu điệp viên Triều Tiên được trao quyền công dân Hàn Quốc, song tới bây giờ một số người vẫn bị yêu cầu phải báo cáo với cảnh sát hai tháng một lần về những người họ đã gặp, những gì họ đã trao đổi. Hầu hết các cựu tù nhân kiếm sống bằng lao động thủ công. Những người Triều Tiên được sinh ra ở Hàn Quốc nói rằng họ hàng thường bị cảnh sát làm phiền và không được bỏ phiếu nên không thể làm việc trong chính phủ.
Anh chị em của Seo đều ở Hàn Quốc sau chiến tranh và đều từng ngồi tù vì không báo cáo cuộc gặp của họ với ông. “Tôi rất tiếc khi họ không thể sống một cuộc đời hạnh phúc chỉ vì tôi”, Seo nói.
Những cựu điệp viên cũng bị cô lập và thường xuyên là mục tiêu của những ánh mắt nghi ngờ từ hàng xóm.
“Tôi ghét nhất là dịp sinh nhật hay những ngày lễ. Tôi thường ở nhà cà ngày vào những dịp đó vì tôi sẽ nhớ gia đình nhiều hơn nếu nhìn thấy những người đang vui vẻ ngoài kia”, Park nói. Park có một người vợ trẻ và một cậu con trai 16 tháng tuổi ở Triều Tiên vào thời điểm ông bị bắt năm 1962.
Cũng giống như nhiều điệp viên khác, Seo không thể nói lời từ biệt với vợ và hai con trai nhỏ bởi nhiệm vụ yêu cầu tuyệt mật. Ông nói nếu còn sống, hiện vợ ông đã 87 tuổi. Cũng như những cựu điệp viên khác, Seo không bao giờ tái hôn.
Được trả tự do sau 37 năm ngồi tù, một năm sau, Yang kết hôn với một phụ nữ Hàn Quốc. Ông không nộp đơn hồi hương vào năm 2000 nhưng nghĩ sẽ trở về nếu có cơ hội thứ hai. “Vợ tôi hiểu cho tôi nhưng con gái thì không, nó cứ hỏi tôi tại sao phải đi”, ông nói.
Dù đã sống ở Hàn Quốc nhiều thập kỷ, những cựu điệp viên này đều giữ lý tưởng Cộng sản. Chủ nghĩa Cộng sản “dành cho quần chúng nhân dân, không phải chỉ cho vài nhà cầm quyền. Triết lý đó vẫn còn nguyên giá trị”, Seo nói.
Huyền Lê
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]