Đại biểu Quốc hội: Cách gọi "thu giá BOT’ là tối nghĩa, nên sửa đổi

Ông Lê Thanh Vân cho rằng, Bộ Giao thông nên lắng nghe dư luận, xem xét cách gọi tên “trạm thu giá” đã phù hợp hay chưa.

Trong thời gian qua, các trạm thu phí BOT trên toàn quốc đã được đổi tên thành “trạm thu giá”.

Lý giải việc này bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, theo quy định hiện hành, phí là khoản người dân phải trả khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, trong khi BOT là sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp nên mới có sự chuyển đổi cách gọi sang thu giá (giá sử dụng đường bộ).

Theo ông, “việc đổi tên này không có gì khác mà giúp linh động hơn”, Bộ Giao thông quyết định và giám sát quá trình thu giá theo hướng hài hoà lợi ích người dân, doanh nghiệp; khi xét thấy cần thiết thì Bộ điều chỉnh theo hướng giảm giá.

Đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nhận xét, cách gọi “trạm thu giá” là tối nghĩa, không đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt cũng như chuẩn mực của ngôn ngữ pháp lý. Vì vậy, dư luận đã phản ứng về cách đổi tên như trên.

“Đã là cơ quan quản lý nhà nước thì phải dùng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu”, ông Vân nói.

Đại biểu này cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải nên xem xét, tiếp thu ý kiến của dư luận xem mình dùng ngôn ngữ mình dùng đã phù hợp chưa, nếu chưa thì điều chỉnh, không nên căn cứ vào chữ nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật để né tránh điều này.

Ông Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Ông Lê Thanh Vân – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội. Ảnh: QH

Phân tích vấn đề, ông Vân nói, Nhà nước có trách nhiệm cung cấp giao thông cơ bản cho nhân dân; chỉ những nơi doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, giúp người dân có sự lựa chọn tốt hơn đường Nhà nước đã cung cấp thì doanh nghiệp mới được thu tiền. Bản chất BOT là một bên đầu tư và bên kia hưởng dịch vụ. “Như vậy việc người dân trả tiền để đi trên đường BOT có thể gọi là phí hoặc tên gọi nào đó phù hợp, không nên dùng một từ tối nghĩa”, ông nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc quan niệm, đường BOT không phải sở hữu của nhà đầu tư, ở đây doanh nghiệp thực hiện theo hình thức “xây dựng-vận hành-chuyển giao” nên thu phí là hợp lý, không thể thu giá.

“Chúng ta có thể hiểu doanh nghiệp đóng góp cổ phần vào giá trị con đường, chứ không phải chủ sở hữu nên không thể thu giá được. Họ không thể bán cái mình không có, mà chỉ có thể thu tỷ lệ nào đó theo thời gian xác định”, ông Quốc nêu quan điểm.

“Sẽ chất vấn Bộ trưởng vì sao gọi là trạm thu giá?”

Với quan điểm “cần xem đường BOT có đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, đảm bảo lợi ích các bên hay không”, Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cách gọi trạm thu phí hay thu giá… cũng chỉ là tên gọi.

Hơn nữa, theo ông Kiên, việc chuyển từ phí sang giá một số dịch vụ đã được quy định trong Luật. Những dịch vụ nào không nằm trong danh mục phí (ví dụ như đường BOT) sẽ được chuyển sang thu giá.

“Có thể Luật chưa bao quát hết các vấn đề xã hội nhưng ít nhất cũng phủ được 85-90%. Theo tôi, chúng ta nên tôn trọng thực tiễn, cam kết của Chính phủ. Ở đây hai bên cùng có lợi chứ không phải một bên nào”, ông Kiên nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Bùi Văn Phương – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Quốc hội

Trước những ý kiến trái chiều về nội dung trên, ông Bùi Văn Phương – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình, cho biết tại kỳ họp lần này sẽ chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải về việc, “cơ sở nào Bộ chuyển từ thu phí BOT sang thu giá?”; “Việc chuyển đổi đó có đảm bảo lợi ích các bên hay không, hay phục vụ lợi ích của ai?”.

Trạm thu giá Bến Thuỷ (Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Hải

Trạm thu giá Bến Thuỷ (Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Hải

Đại biểu Phương nêu thực tế, nhiều tuyến đường BOT hiện làm trên đường độc đạo hoặc sửa chữa, cải tạo nền đường cũ do Nhà nước đầu tư, “trường hợp này nếu thu giá, sẽ là giá độc quyền”.

Theo ông, việc chuyển sang thu giá BOT là đúng theo quy luật thị trường nhưng phải xác định từng dự án cụ thể để thu, không thể tất cả đường BOT đều chuyển sang giá, bởi quá trình hình thành dự án là khác nhau.

Ông Đỗ Văn Quốc – Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trước đây các dự án BOT giao thông được quản lý theo hình thức thu phí. Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng với từng dự án.

Theo quy định Luật phí và lệ phí, từ 1/1/2017, “phí đường bộ” sẽ được chuyển sang “giá dịch vụ sử dụng đường bộ”, khung giá và giá tối đa do Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh quy định. Bộ Giao thông có thẩm quyền ban hành mức giá trần dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ Giao thông quản lý, còn UBND cấp tỉnh quy định giá với đường địa phương.

Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa.

Theo : vnexpress.net

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…