Chính phủ muốn phát hành trái phiếu nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội

Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách Nhà nước vẫn còn nợ Quỹ bảo hiểm xã hội 22.090 tỷ đồng…

Chính phủ đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thực hiện chuyển 22.090 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách vào quỹ.

Thông tin này được Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết tại buổi họp sáng 14/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình ngân sách, Uỷ ban Tài chính – ngân sách đề cập  việc chuyển kinh phí từ ngân sách nhà nước vào Quỹ bảo hiểm Xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995.

Theo báo cáo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 ngày 16/12/2015, giao Chính phủ thực hiện việc chuyển kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm vào quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/ 1995 theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và hoàn thành vào năm 2020.

Khi tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chủ động bố trí nguồn hằng năm, thực hiện đúng nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nội dung trên.

Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách Nhà nước vẫn còn nợ Quỹ bảo hiểm xã hội 22.090 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất cho phép thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thực hiện chuyển 22.090 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách Nhà nước vào Quỹ theo lộ trình: năm 2018 là 6.000 tỷ đồng, năm 2019 là 7.000 tỷ đồng, năm 2020 là 9.090 tỷ đồng.

Việc phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam như trên theo Chính phủ không làm tăng bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 và ảnh hưởng không lớn đến cân đối ngân sách và nợ công giai đoạn 2018-2020. Cụ thể, ngân sách Trung ương tăng chi trả nợ lãi trong 2 năm 2019, 2020 khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng, nợ công giai đoạn 2018-2020 tăng thêm khoảng 0,4%GDP.

Thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách cho rằng, trước tình hình cân đối ngân sách khó khăn trong thời gian khá dài, ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn để trả nợ quỹ Bảo hiểm xã hội thì việc phát hành trái phiếu nhận nợ như Chính phủ trình sẽ không ảnh hưởng lớn đến nợ công giai đoạn 2018-2020 và không làm tăng bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018, nhưng làm minh bạch khoản nợ, góp phần an toàn Quỹ.

Do đó, cơ quan thẩm tra nhất trí với phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý trong điều hành cân đối ngân sách Nhà nước, phải kiên quyết bảo đảm tổng mức vay của ngân sách Nhà nước được Quốc hội quyết định trong kế hoạch trung hạn và bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.

Theo Hà Vũ

Vneconomy

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…