Chuyên gia: Khó tăng vốn ở các ngân hàng cũng là "tội đồ" làm chậm quá trình xử lý nợ xấu
Theo TS Cấn Văn Lực, vấn đề cơ bản đặt ra là phải tăng vốn cho các ngân hàng thông qua một số hình thức như bán cổ phần cho nhà đầu tư và sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn.
Chia sẻ tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng: “Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức mới đây ở Hà Nội, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế cho rằng việc chậm xử lý nợ xấu và tái cơ cấu có nhiều nguyên do.
Một trong những vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác xử lý nợ xấu đó chính là những khó khăn liên quan đến việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) về cả mặt pháp lý và thực tiễn triển khai.
Để nâng cao năng lực tài chính cho các NHTMNN, theo TS Lực, vấn đề cơ bản đặt ra là phải tăng vốn cho các ngân hàng này thông qua một số hình thức như: bán cổ phần cho nhà đầu tư (trong nước, ngoài nước) và sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn.
Tuy nhiên, hiện nay các NHTMNN chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi đó, tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước.
TS Lực cho biết thêm, việc tăng vốn điều lệ để cải thiện, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cơ cấu lại NHTMNN đề ra tại Quyết định 1058; trong đó yêu cầu đặt ra là giữ vững nguyên tắc bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước tại các NHTMNN (đối với các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; riêng đối với Agribank thì triển khai các bước để thực hiện cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ).
Bên cạnh đó, để tháo gỡ quá trình xử lý nợ xấu còn đang chậm chạp hiện nay, chuyên gia cho rằng cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống pháp lý đồng bộ, thống nhất, tăng cường tính minh bạch, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam nhằm đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng.
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]