Bãi bỏ các khoản thu nhập ngoài lương của công chức
Các cơ quan, đơn vị công lập sẽ được khoán quỹ lương, những khoản thu nhập ngoài lương bị xoá bỏ, theo đề án vừa được Trung ương thông qua.
Sáng 12/5, tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khoá XII, Ban chấp hành Trung ương đã thông qua 3 nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương; và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Trung ương nhất trí thông qua ba Nghị quyết trong phiên làm việc cuối cùng của Hội nghị Trung ương 7. Ảnh: TTX |
Trung ương nhấn mạnh, việc cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống tiền lương khoa học, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Cụ thể, khu vực công sẽ xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.
Như vậy, sẽ có một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung với công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo; và ba bảng lương với lực lượng vũ trang.
Chế độ phụ cấp hiện hành sẽ được sắp xếp lại bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương. Người đứng đầu các cơ quan được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhân tài; được sử dụng quỹ tiền thưởng để thưởng định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với mức độ hoàn thành công việc.
Việc thí điểm cơ chế áp dụng mức thu nhập tăng thêm cũng được mở rộng ở một số tỉnh, thành thuộc Trung ương, nhất là ở vùng động lực; đồng thời, khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị…
Hệ thống vị trí việc làm cũng sẽ được hoàn thiện để làm cơ sở trả lương. Các giải pháp về tài chính, ngân sách, tinh giản bộ máy sẽ được thực hiện đồng thời với nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập. Các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sẽ được bãi bỏ.
Bổ sung quy định lương tối thiểu vùng theo giờ
Đối với khu vực doanh nghiệp, Trung ương yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương tối thiểu vùng theo tháng để bảo vệ người lao động yếu thế; đồng thời bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ…
Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Với doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước điều tiết tiền lương thông qua công cụ quản lý; tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương…
Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình
Trung ương yêu cầu thời gian tới đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để Bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một trụ cột của hệ thống an sinh xã hội; từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân.
Hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng và hội nhập quốc tế được phát triển theo nguyên tắc “đóng-hưởng,” “công bằng”, “bình đẳng,” “chia sẻ” và “bền vững.”
Để bảo đảm cân đối tài chính Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, Trung ương đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng, chặt chẽ và đúng đắn hơn trong quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình, bước đi phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề để tăng tính bền vững của chính sách.
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]