Giá dầu vượt đỉnh – Nỗi ám ảnh của Vietnam Airlines và Vietjet
Nhìn chung chi phí xăng Jet – A1 khó kiểm soát và dự báo, hiện giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng trở lại từ 2016 theo biến động của giá dầu.
Giá dầu vượt đỉnh, giá Jet A1 cũng tăng vọt hơn 41% kể từ đầu năm 2018
Sau thỏa thuận cắt giảm nguồn cung thành công vào cuối năm 2016, giá dầu thế giới bắt đầu hồi phục và tăng trở lại. Điều này trở thành nỗi lo lắng cho các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt ngành hàng không khi nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng rất lớn đến cơ cấu chi phí doanh nghiệp.
Bước sang năm 2018, giá dầu thế giới vài tuần gần đây liên tục tăng mạnh sau những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nỗi lo ngại về một lệnh cấm vận theo đó ảnh hưởng tới nguồn cung, đã đẩy giá dầu vượt mức 71 USD/thùng, cao nhất kể từ cuối năm 2014. Và hôm thứ Tư (9/5), giá dầu chính thức vọt lên mức cao nhất trong 3 năm rưỡi, sau khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 và tuyên bố áp đặt mức trừng phạt kinh tế cao nhất lên thành viên của OPEC. Giá dầu Brent cũng tăng mạnh lên đỉnh kể từ năm 2015, vượt mốc 77 USD/thùng.
Riêng với ngành hàng không, giá Jet A1 – loại xăng được dùng cho tất cả các chuyến bay cũng tăng hơn 41% từ đầu năm 2018, đạt 85 USD/thùng trong tháng 4. Với tình hình giá dầu hiện tại, con số này dự kiến tiếp tục tăng trong tháng 5 cũng như những tháng kế tiếp.
Hiện, các hãng hàng không Việt Nam đều sử dụng xăng Jet – A1 cho các chuyến bay của mình. Như vậy, việc giá nhiên liệu tăng mạnh thời gian qua phần nào ảnh hưởng nhiều đến tình hình hoạt động của những đơn vị kinh doanh vận tải trên không này?
Trong một báo cáo nhận định ngành hàng không mới công bố của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đơn vị này cũng nhìn nhận rủi ro của doanh nghiệp trước tình hình biến động giá dầu. Theo BVSC, nhìn chung chi phí xăng Jet – A1 khó kiểm soát và dự báo, hiện giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng trở lại từ 2016 theo biến động của giá dầu.
Diễn biến giá nhiên liệu máy bay cùng với giá dầu thô Brent (USD/thùng)
Nguồn: IATA.
Kế hoạch lợi nhuận tăng thấp hơn doanh thu!
Trên thực tế, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) đã đặt giá nhiên liệu là thách thức hàng đầu trong hoạt động năm 2018. Theo Vietnam Airlines ước tính, giá nhiên liệu dự kiến tăng mạnh và duy trì ở mức cao, từ 75-80 USD/thùng, tương đương tăng 15-20% so với năm 2017.
Theo đó, năm 2018, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 97.073 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước nhưng lợi nhuận dự kiến giảm 18% xuống còn 1.917 tỷ đồng. Kết thúc quý 1/2018, doanh thu hợp nhất đạt 24.411 tỷ, tăng 17%, song do giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines chỉ tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt 3.624 tỷ đồng. Có thể thấy, với tỷ trọng chi phí nhiên liệu/tỷ trọng chi phí hoạt động ở mức cao từ 25-30%, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không đuổi kịp doanh thu phần nào phản ánh tác động của giá dầu tới hoạt động của Vietnam Airlines.
Thậm chí, các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air (VJC) sẽ còn chịu tác động từ sự tăng giá nhiên liệu lớn hơn do tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên tỷ trọng chi phí hoạt động lớn, chiếm 41-46%. Chính điều này cũng được cổ đông đặt câu hỏi tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 mới đây về tình hình dự phòng giá nhiên liệu? Trả lời, đại diện Công ty cho biết vẫn đang có kế hoạch dự phòng 30% cho 3 tháng tiếp theo. Và tương lai nếu giá dầu tăng, Vietjet sẽ sẽ điều chỉnh kế hoạch dự phòng giá dầu phù hợp. Hiện, các con số kế hoạch kinh doanh của Vietjet được đưa ra dựa trên giá dầu thô 70USD/thùng.
Giá nhiên liệu tăng mạnh có lẽ cũng ảnh hưởng đến Bamboo Airways, một hãng hàng không đang chờ cấp phép của “đại gia” Trịnh Văn Quyết. Như vậy, bên cạnh những bài toán khó hiện hữu liên quan đến việc xin giấy phép, thuê máy bay để chuẩn bị kịp thời điểm cất cánh, Bamboo Airways đến nay còn phải đối mặt với tình hình chi phí nhiên liệu tăng cao.
Các hãng đã có biện pháp gì để không rơi vào bể lỗ như năm 2008?
Mặc dù hiện tình hình hoạt động của các hãng hàng không vẫn ổn định, song còn đó nỗi ám ảnh về giá dầu lên đỉnh (150 USD/thùng) vào năm 2008 khiến giá xăng tăng 8% , hầu hết doanh nghiệp trong ngành theo đó đều thua lỗ.
Thống kê diễn biến giá nhiên liệu so với biên lợi nhuận chung toàn ngành hàng không trên thế giới của BVSC dưới đây cũng phần nào thể hiện được mối quan hệ mật thiết giữa giá nhiên liệu và lợi nhuận của các hãng hàng không.
Nguồn: BVSC.
Quay trở lại với năm nay, trước diễn biến giá dầu phức tạp, các hãng hàng không đều đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát giá. Trong đó, Vietnam Airlines cho biết sẽ triển khai giai đoạn 2 chương trình tiết kiệm nhiên liệu và tối ưu hóa đường bay, phương thức bay.
Tương tự, Vietjet Air bên cạnh việc dự phòng nguyên liệu xăng dầu, Công ty hiện cũng có nhiều biện pháp khác như đầu tư phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, khai thác các chương trình quản lý tiết kiệm nhiên liệu khác… nhằm tối thiểu hóa chi phí. Đặc biệt hơn cả, hãng hàng không này còn sử dụng hợp đồng hedging từ giữa tháng 3 khi giá dầu thô đạt 65 USD/thùng.
Về lý thuyết, hợp đồng hedging giống như một loại bảo hiểm, giúp các hãng hàng không bị tổn thương ít hơn khi giá nhiên liệu tăng trong tương lai. Mặc dù vậy, hedging cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi khi doanh nghiệp không dự báo đúng nhu cầu nhiên liệu. Bài học thất bại điển hình là Hãng hàng không Jetstar Pacific vào năm 2009, khi dự trữ xăng vào thời điểm giá thế giới tăng cao khiên Công ty thua lỗ 31 triệu USD (khoảng 600 tỷ đồng).
Biến động giá cổ phiếu của 2 hãng hàng không trong 1 năm qua
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]