Làm nail tại Mỹ: Thách thức trước những hiểm họa sức khỏe
Làm nail tại Mỹ: Thách thức trước những hiểm họa sức khỏe
Đau đầu, thở gấp, ho cả ngày, dễ hít phải “bộ 3 độc tố”, trong đó có cả phormone… là những mối đe dọa với một số thợ làm nail gốc Việt tại Mỹ. Mô hình “tiệm nail an toàn” có thể giúp họ tránh khỏi những thứ độc hại với sức khỏe.
Mỗi lần Nguyễn Thị Thu Vân mang thai, bác sĩ khuyên bà hoặc là nghỉ làm ở tiệm làm móng mà bà làm chủ ở San Francisco, Mỹ, hoặc là phải phá thai.
Nhưng bà Vân vừa muốn giữ đứa bé, vừa không muốn nghỉ việc. Bà đành tránh gặp bác sĩ trong suốt 4 lần mang thai, bất chấp việc bị mất nhiều máu trong cả 4 lần mang thai và bị sảy thai 2 lần.
“Đó là lỗi của tôi, chứ không phải lỗi của họ”, bà Vân, 46 tuổi, nói với Guardian về việc bà không nghe lời khuyên của bác sĩ. “Công việc mình đã chọn, thì mình phải sống với nó thôi”.
Bà Vân là một trong hàng nghìn người gốc Việt, trong đó phần lớn là phụ nữ, làm việc sơn sửa móng tay và móng chân 12 tiếng một ngày ở bang California.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân trong tiệm làm móng của mình ở San Francisco. (Nguồn: Guardian) |
Tiệm làm móng an toàn
Nhưng khác với nhân viên ở nhiều tiệm làm móng khác, bà nói không còn cảm thấy đau đầu, khó thở, mẩn đỏ hay gặp vấn đề về sinh sản như trước, những triệu chứng mà một số nghiên cứu cho thấy có liên hệ tới các chất hóa học trong sơn móng tay, theo Guardian.
Không khí trong tiệm nail mang tên New York của bà trên phố Mission ở San Francisco không nặng mùi. Các thợ làm móng đeo khẩu trang và găng tay. Các ống dẫn hút hơi độc hại từ các bàn làm móng, trông giống vòi của những con voi.
Bà Vân đã áp dụng những biện pháp trên sau những nỗ lực của Hiệp hội Tiệm làm móng An toàn California. Julia Liou thành lập tổ chức cộng đồng này năm 2005 để đối phó với điều bà gọi là “đại dịch” những vấn đề sức khỏe trong số những thợ gốc Việt, vốn chiếm đa số trong hơn 9.000 tiệm làm móng ở California.
Đóng góp của nhóm này, bao gồm sách hướng dẫn để có một “tiệm làm móng an toàn”, được chính phủ liên bang công nhận tháng 11/2016. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã tài trợ 120.000 USD để nhóm này thí điểm một chương trình cho vay vi mô.
Các khoản vay nhỏ dưới 5.000 USD này giúp chủ các salon như bà Vân chi trả cho các loại sơn móng mới, các máy hút gió và việc tập huấn – những yêu cầu của một tiệm làm móng an toàn.
Bà Trương Lan Anh, chủ tiệm Leann’s Nails, ngồi ở bàn làm móng, bên cạnh một chiếc ống màu đen được lắp đặt để hút chất độc dạng hơi tỏa ra từ sơn móng tay. (Nguồn: Guardian) |
Dễ kiếm tiền, dễ hít phải “bộ 3 độc tố”
Năm 2004, bà Liou đến các tiệm nail của người Việt để tuyên truyền về y tế, nhưng bà bất ngờ khi “mỗi người chúng tôi gặp đều có vấn đề sức khỏe”, bà kể lại với Guardian. “Chúng tôi nhận ra đây là một bệnh dịch”.
Trong nhiều thập kỉ, làm móng là con đường nghề nghiệp ổn định cho những người Việt Nam mới đặt chân lên đất Mỹ. Nghề này dễ học, và không đòi hỏi tiếng Anh. Người mới đến thường làm cho bạn bè hoặc gia đình, những người tới trước và đã mở tiệm riêng.
Bà Vân cũng vào nghề như vậy sau khi tới Mỹ năm 19 tuổi. Anh trai bà đã tới Mỹ trước và mở một salon. Bà làm việc cho anh trong 2 năm trước khi mở tiệm của mình.
Không nghề nào khác giúp bạn có tiền trong thời gian ngắn nhất”, bà Vân kể lại với Guardian về lựa chọn của mình. “Ngày nào thì cũng cần tiền. Đây là nghề nhanh nhất cho những người mới đến như chúng tôi”.
Trương Lan Anh, 53 tuổi, chủ tiệm làm móng Leann’s Nails ở Alameda, California, cách San Francisco nửa tiếng lái xe, cũng có câu chuyện bước vào nghề tương tự.
Bà từng dạy học ở Sài Gòn trước khi qua Mỹ với dự định học đại học và tiếp tục đi dạy. Nhưng hoàn cảnh gia đình buộc bà phải bỏ học đi làm, và bà chọn làm nail vì theo bà, đây là nghề “có thể học nhanh và kiếm tiền ngay”.
Bà Lan Anh từ Sài Gòn tới Mỹ cùng với chồng. Bà mở tiệm Leann’s Nails năm 1992. (Nguồn: Guardian) |
Nhưng hai người phụ nữ đều sớm bị ảnh hưởng sức khỏe vì làm việc với hóa chất cả ngày.
“Chúng tôi có biết, nhưng tôi đã chọn nghề này thì phải theo nó đến cùng”, bà Vân nói với Guardian. “Khi ấy tôi còn trẻ. Tôi nghĩ mình rồi sẽ quen”.
Chỉ sau khi bà Vân gặp một nhân viên y tế cộng đồng và bà Lan Anh nói chuyện với một khách hàng đang phải trải qua hóa trị, họ mới bắt đầu tìm hiểu thêm về các hóa chất trong sơn móng tay, đặt biệt là “bộ 3 độc tố”: dibutyl phthalate, toluene và formaldehyde (còn gọi là phormone).
Cơ Quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cảnh báo việc tiếp xúc với những chất trên có thể gây ra một loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm đau đầu, chóng mặt, hô hấp, ung thư và gây hại cho thai nhi.
Một số sơn móng tay được quảng cáo là không chứa hóa chất độc hại bị phát hiện có hàm lượng cao các độc tố có khả năng gây dị tật bẩm sinh, theo báo cáo của Sở Kiểm soát Độc chất California. (Nguồn: Reuters) |
Chịu mất tiền để phòng bệnh
Sau nhiều năm bị chứng thở gấp và “ho cả ngày”, bà Lan Anh chú ý sự cải thiện rõ rệt ngay sau khi bắt đầu dùng các sản phẩm sơn móng “ba không” trên thị trường, tức không chứa bộ 3 độc tố trên.
Bà Vân và bà Lan Anh cũng làm theo hướng dẫn của Hiệp hội Tiệm làm móng An toàn, như đeo găng tay và lắp đặt các quạt thông gió đặc biệt được thiết kế để hút chất hóa học dạng hơi.
“Cái khó là phải chịu thay đổi”, bà Vân nói. “Phải chịu mất tiền để nhận được những điều to lớn hơn”.
Tuy đã giảm giá dịch vụ nhờ có nhiều khách, bà Vân nói bà trả 3 – 5 USD mỗi chai sơn “ba không”, so với chai 1 USD bà từng mua. Quạt thông gió đầu tiên của bà tốn 5.000 USD, nhưng giá quạt này giờ chỉ còn 1.000 USD.
Những chi phí ban đầu – khá cao so với thu nhập 25.000 USD một năm của thợ làm móng – chính là những chi phí mà chương trình cho vay vi mô muốn hỗ trợ.
“Chúng tôi muốn phòng bệnh hơn chữa bệnh. Những biện pháp này đâu có tốn hàng triệu USD”, bà Liou cho biết.
Theo : baoquocte.vn