"Sóng ngầm" ở Phú Quốc
Đất gì ở Phú Quốc cũng được người dân đưa ra mua bán, trả giá rồi “tiền trao cháo múc” nhanh như một món hàng ở chợ.
Dù Chính phủ và UBND tỉnh Kiên Giang đã có lệnh thanh tra, kiểm tra đất đai ở Phú Quốc nhưng những ngày này, dọc theo các tuyến đường chính của đảo Phú Quốc – từ thị trấn An Thới lên các xã Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn đến Gành Dầu – vẫn xuất hiện hàng ngàn áp phích rao bán đất nền, đất công treo, dán trên trụ điện, cành cây. Cứ cách nhau vài km thì có một nhóm 2-5 người che dù ngồi cạnh những tấm bảng rao bán đất.
Một khu dân cư mới được hình thành ở Phú Quốc. Ảnh: CÔNG TUẤN
Loạn phân lô bán nền
Nhân viên một công ty bất động sản cho biết doanh nghiệp (DN) của anh có khu đất rộng khoảng 1 ha ở khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc được phân chia trên 60 nền nhà rộng 88-141 m2, giá bán 21,3 triệu đồng/m2 (1,9-2,8 tỉ đồng một nền).
Còn DN địa ốc khác có thửa đất 30 m mặt tiền đường ở xã Cửa Dương đã phân lô trên 30 nền trên đất cây lâu năm, bán với giá 2,2-2,8 tỉ đồng/nền. Cách đó 2 km, DN ở xã Cửa Cạn tiếp thị khu đất rộng 3,2 ha được chia 168 nền có giá chỉ từ 6 triệu đồng/m2. Nhân viên tiếp thị nói nếu khách đầu cơ thì cơ hội tăng giá trị lên đến… 200% vào năm sau.
Trên đường từ Cửa Cạn về Dương Đông, chúng tôi ghé vào một khu dân cư vừa được chia 43 nền trên đất trồng cây lâu năm ở xã Cửa Dương. Nơi đây chỉ có 2 căn nhà đối diện xây khoảng nửa năm và hoàn toàn không xin phép cơ quan chức năng. Ông Đ.V.P (ở khu phố 10, thị trấn Dương Đông) tự xưng là cha ruột của một cán bộ lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc. Theo ông P., cuối năm 2017, vợ chồng ông đến khu dân cư giáp ranh thị trấn mua nền giá 600 triệu đồng để cất nhà. Hiện ông được hơn chục người gửi bán các nền xung quanh với giá từ 1,7-2,2 tỉ đồng/nền.
Dù biết rõ đất trồng cây lâu năm nhưng ông P. vẫn xây nhà mà không cần xin phép cơ quan chức năng. Người đàn ông 62 tuổi nêu lý do không chuyển mục đích sử dụng đất là để tránh tốn kém.
Ông Phan Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, cho biết địa phương này có 12 khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp. Chủ đầu tư các khu này đã tách ra khoảng 2.000 thửa để bán nền giống như trường hợp ông P. giới thiệu bên xã Cửa Dương.
Một cán bộ huyện Phú Quốc cho hay con số phân lô để bán nền mà ông nắm được trong toàn huyện là trên 26.000 thửa đất. Tuy nhiên, chúng tôi tổng hợp theo số liệu mà các xã, thị trấn cung cấp thì con số này lên đến khoảng 40.000 nền.
“Các tổ chức, cá nhân từ nơi khác về xã mua bán đất để làm dự án rồi phân lô, bán nền nhưng xã không kiểm soát được vì thẩm quyền của xã có giới hạn. Chúng tôi chỉ biết được việc này là khi người dân mang cát, đá đến các khu đất nông nghiệp để cất nhà” – ông Tuấn phân trần.
Du lịch phát triển với hơn 464 cơ sở lưu trú cũng khiến đất Phú Quốc sốt giá. Ảnh: CÔNG TUẤN
Món hàng “lo lót” được
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang Trần Hữu Nghị, muốn thực hiện một khu dân cư thì bước đầu phải lập dự án và dự án đó phải được thực hiện theo quy hoạch. Cụ thể là phải được thẩm định, phê duyệt của nhiều cơ quan cấp tỉnh, còn ở Phú Quốc thì thẩm quyền của Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc.
“Không phải muốn làm khu dân cư là làm nên việc lấy đất nông nghiệp rồi tự xây dựng khu dân cư, bán nền là vi phạm pháp luật. Khi được phê duyệt dự án rồi thì anh phải chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở rồi mới cho xây dựng. Xây thì cũng phải theo quy hoạch chứ không phải muốn làm gì thì làm” – ông Nghị nói.
Trước cơn sốt giá đất ở các địa phương chuẩn bị trở thành đặc khu, trong đó có Phú Quốc, GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định nhiều người đầu cơ đất ở Phú Quốc ồ ạt như hiện nay bởi đây là món hàng có thể “lo lót được”. Người này có thể lo lót người kia để đất về tay mình, rồi tăng giá lên để bán cho người khác kiếm lời.
Nếu đã lo cho cán bộ giúp mình có quyền sử dụng đất thì muốn bán bất động sản cho đối tác khác phải kê lên cao vì đã mất một mớ tiền “chạy chọt”. Cứ như thế, người thứ ba, thứ tư muốn làm giàu thì mua đất và mua rồi thì phải tăng giá và cứ lo lót. Cho tới khi nơi đất được đầu cơ không còn “nóng” nữa thì người cuối cùng vội bán tháo, bán đổ và sạt nghiệp.
Khi Phú Quốc chuẩn bị trở thành đặc khu, nhiều cán bộ trong đất liền ra đảo mua bất động sản với giá rẻ. Đến lúc nơi đây trở thành đặc khu thì họ tung đất ra bán với giá cao. “Nếu chạy theo mua đất để làm giàu thì tôi đề nghị nên hạn chế. Chúng ta cần những nhà DN làm ra những sản phẩm trí tuệ để làm giàu cho đất nước. Còn kinh doanh đất thì cứ lấy tiền này đổi ra tiền kia, trung gian là đất sẽ khiến đất nước không giàu mạnh” – GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm.
1.000 hồ sơ xin cấp sổ đỏ/tháng
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc, cho biết từ tháng 9-2017 đến nay, mỗi tháng, đơn vị tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tuy nhiên, thực tế cho thấy nơi tiếp nhận hồ sơ đất đai của đơn vị này mỗi ngày tiếp trên 500 lượt khách. Điều này phù hợp với thực tế mỗi ngày 2 văn phòng công chứng ở thị trấn Dương Đông đón khoảng 800-1.000 người. Những ngày này, bên trong phòng công chứng quá tải, còn ngoài đường thì kẹt xe vì quá nhiều người đổ xô đi làm hồ sơ mua bán đất đai.
Theo Phong Khuê
Người lao động