Những "chiến tướng" mạnh nhất ngành taxi truyền thống như Vinasun và Mai Linh đã ở đâu khi 2 kẻ ngoại quốc Uber & Grab về chung một nhà?
Những “chiến tướng” mạnh nhất ngành taxi truyền thống như Vinasun và Mai Linh đã ở đâu khi 2 kẻ ngoại quốc Uber & Grab về chung một nhà?
Vậy là Uber đã rời thị trường Việt Nam, chính thức kết thúc 4 năm kinh doanh tại quốc gia hình chữ S.
Trong 4 năm đó, thị trường vận chuyển hành khách nội đô tại các thành phố lớn đã chứng kiến rất nhiều sự đổi thay, mà Uber chính là một ngoại lực đầu tiên và đáng kể nhất đóng góp cho sự dịch chuyển thói quen của người dùng, từ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, taxi sang các ứng dụng chia sẻ xe đầy tiện ích.
Suốt một thời gian dài, cuộc cạnh tranh giữa taxi/xe ôm truyền thống với taxi/xe ôm công nghệ đã là đề tài của mọi cuộc phiếm đàm, từ bàn trà hội thảo cấp bộ ngành cho tới quán nước vỉa hè.
Cho tới lúc Uber Việt Nam sáp nhập vào Grab mới đây, mọi sự chú ý của dư luận dường như chỉ tập trung vào 2 cái tên Uber – Grab. Các công ty taxi truyền thống, từng là đối trọng với cả Uber và Grab như Vinasun hay Mai Linh, có phải đã bị bỏ lại khỏi đường đua?
Vinasun: Chiến lược lui về tỉnh và mở rộng ra phía Bắc
Bắt đầu từ cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên tháng 4 năm ngoái, doanh nghiệp taxi lớn nhất cả nước đã phải đưa ra rất nhiều quyết sách mang tính chất sống còn đối với tương lai của mình trước sức ép của các đơn vị cung ứng dịch vụ gọi xe như Uber và Grab. Thời điểm đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đưa ra những mục tiêu kinh doanh cho năm 2017 vô cùng “khiêm tốn”, giảm 11% doanh thu và 35% lợi nhuận so với năm 2016.
Thực tế năm 2017 diễn ra còn tệ hơn dự liệu. Báo cáo hợp nhất năm 2017 ghi nhận doanh thu 2937 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 191,5 tỷ đồng, giảm 38,7%. Đánh dấu năm đầu tiên doanh thu sụt giảm sau một thời gian dài liên tục tăng trưởng.
Theo dự báo của Vinasun, năm 2018 tình hình sẽ càng khó khăn hơn nữa. Hãng taxi này vừa công bố kế hoạch doanh thu chỉ 2.000 tỷ đồng cho năm tới, thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Chỉ tiêu lợi nhuận cũng sẽ giảm hơn 50% so với năm ngoái, xuống còn 119 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2009 tới nay.
Cùng với đó là đợt cắt giảm nhân sự kỷ lục nhất trong lịch sử công ty. Gần 10.000 lao động chính thức được thanh lý hợp đồng và chuyển sang chính sách khoán xe, nhượng quyền thương mại. Số lượng nhân viên từ 17.160 hiện xuống chỉ còn 7.117. Nhiều lái xe đã chuyển sang chạy cho Uber, Grab.
Phương án này giúp Vinasun tiết kiệm được hơn 1.000 tỷ đồng. Cùng với nguồn thu từ việc thanh lý xe đảm bảo cho mức lợi nhuận không sụt quá sâu. Tuy nhiên đó chỉ là cách giải quyết phần ngọn.
Gốc rễ của vấn đề nằm ở khả năng bám trụ với mảng kinh doanh cốt lõi. Từ một doanh nghiệp taxi đầu ngành nhưng với sự thay đổi quá nhanh của môi trường kinh doanh, khả năng chi phối thị trường của Vinasun đã dần giảm sút. Hơn ai hết, Vinasun thừa hiểu, nếu tiếp tục đi lùi trong cuộc chiến này, vực thẳm sẽ ở ngay sau lưng họ.
Khoảng từ giữa năm ngoái, Vinasun bắt đầu tìm về địa bàn các tỉnh. Bắt đầu từ Kiên Giang (Phú Quốc – tháng 6/2017), Bình Thuận (T7/2017), Quảng Ngãi – Huế (T10/2017), Bình Phước, Phú Yên, Quảng Nam (T12/2017) và mới nhất là Đắc Lắc (T2/2018) và Cà Mau – Hậu Giang (T3/2018). Tính đến thời điểm hiện tại, Vinasun đã có mặt tại 20 tỉnh thành, từ Huế trở vào.
Chiến lược mở rộng về tỉnh của Vinasun có thể xem là đòn phản công tổng lực của hãng xe lớn nhất miền Nam trước sức ép của các đối thủ gọi xe công nghệ. Chiến lược này có thể giúp Vinasun có thêm một số lợi thế mới trong cuộc chiến taxi đầy khốc liệt hiện tại, dù chưa biết sẽ cố thủ được bao lâu.
Phương án đưa xe về tỉnh đối với Vinasun tương đối dễ dàng. Hãng xe này có sẵn lợi thế về thương hiệu, nguồn xe dôi dư và kinh nghiệm quản trị taxi từ nhiều năm. Việc còn lại là tuyển tài xế địa phương và đưa ra chính sách giá đủ tốt đối với khách hàng tỉnh. Cuộc chiến taxi lúc này đẩy về phía các hãng taxi nhỏ lẻ ở tỉnh, tạm tránh khỏi điểm nóng tại những nơi mà Grab vẫn chưa thể vươn tới.
Vinasun cũng đã bắt đầu đưa vào khai thác ứng dụng đặt xe của riêng mình. Với sự xuất hiện của taxi công nghệ, số gọi đến số tổng đài của Vinasun giảm mạnh (giảm tới 25% so với năm 2016). Bù lại, ứng dụng đặt xe của Vinasun cũng đã bắt đầu được người dùng lựa chọn khi ghi nhận 4.659 lượt đặt xe/ngày, tăng hơn 60% so với năm 2016.
Mai Linh: Bắt tay xây ứng dụng “xe ôm công nghệ”
Tương tự như số phận của Vinasun ở miền Nam, Mai Linh Miền Bắc tiếp tục chứng kiến một năm kinh doanh ảm đạm với doanh thu xuống thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, 1039 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính tiếp tục thua lỗ 54 tỷ đồng, nối dài những năm tháng lỗ trước đó.
Cũng giống như các năm trước, khoản lỗ từ kinh doanh taxi được bù lấp nhờ lợi nhuận thanh lý xe cũ và bán xe. Cũng như cách Vinasun đã làm, đó chỉ là cách giải quyết phần ngọn. Khả năng bám trụ với mảng kinh doanh cốt lõi mới là vấn đề lớn của Mai Linh. Từ một doanh nghiệp taxi đầu ngành ở miền Bắc, 4 năm qua là 4 năm đầy sóng gió với Mai Linh.
Trước áp lực cạnh tranh từ Uber và Grab, nhiều lái xe đã nghỉ việc ở công ty để chuyển sang các hãng taxi công nghệ. Trong năm 2017, tổng số nhân viên của Mai Linh Miền Bắc giảm hơn 3.200 người, từ 6.919 xuống còn 3.707.
Với đủ khó khăn và sức ép từ phía các đối thủ mạnh từ nước ngoài, cuối năm 2017, Mai Linh chính thức có những động thái thay đổi đầu tiên bằng việc cho ra đời sản phẩm xe ôm công nghệ mang tên Mai Linh Bike.
Được quảng bá có thiết kế phù hợp với thói quen và văn hóa người Việt Nam, Mai Linh cũng cho biết sẽ cung cấp Mai Linh Bike trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ triển khai Mai Linh Bike Premium và dịch vụ giao hàng. Tuy nhiên thời gian triển khai giai đoạn 2 chưa được công bố.
Thời điểm Mai Linh ra mắt “xe ôm công nghệ”, đích thân Chủ tịch Hồ Huy đã xuống đường mặc đồng phục, chạy xe máy để “làm mẫu” cho dịch vụ mới của công ty.
Tỷ lệ chia sẻ doanh thu 15-85 được xem là điểm cộng đối với việc thu hút các đối tác chạy xe. Trong đó, đối tác lái xe sẽ được hưởng 85% doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách, Mai Linh chiết khấu 15% doanh số về công ty. Đây là mức chiết khấu thấp hơn mức 20% của Grab và 25% của Uber. Ngoài ra, hệ thống điểm tiếp thị trên cả nước cũng là điều được Mai Linh nhấn mạnh.
Trên thực tế, sau khi thông tin Uber Việt Nam sáp nhập vào Grab được đưa ra, Mai Linh Bike cũng là người hưởng lợi. Lượng người gọi điện đến tổng đài và gặp trực tiếp nhân viên tại văn phòng của Mai Linh đã tăng đột biến. Xe hợp đồng điện tử và “xe ôm công nghệ” là hai dịch vụ được quan tâm nhiều nhất. Phần lớn những người liên lạc mong muốn trở thành đối tác của Mai Linh.
Đại diện Mai Linh cho biết, cùng thời điểm Uber chấm dứt hoạt động tại Đông Nam Á (4/2018), Mai Linh sẽ khai trương dịch vụ Mai Linh Bike tại Lâm Đồng, Thái Nguyên, Nha Trang, Cần Thơ, Quảng Ninh.
Theo đánh giá của ông Trần Bằng Việt, một người có nhiều năm kinh nghiệm với thị trường taxi, với cách này Mai Linh vừa thử nghiệm hệ thống, mô hình, vừa có thêm một phân khúc khách hàng mới, cũng như tấn công trực tiếp vào đối thủ. Nếu muốn tồn tại, Mai Linh không thể không thay đổi mô hình điều hành theo hướng ứng dụng công nghệ.
Ông Việt nói thêm thị trường vận tải hành khách bằng xe máy ở Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn. Việc thêm xe ôm vào không tăng thêm chi phí nhưng lại làm tăng thêm lựa chọn cho khách hàng.
Cả Vinasun và Mai Linh đều đang cố gắng tìm mọi cách để bám trụ thị trường, và chắc chắn họ biết rõ hào quang đã mất đã quá xa vời. Tuy nhiên, thương trường là chiến trường, nếu không thay đổi sâu sắc và toàn diện, ngày tàn với cả hai sẽ chẳng còn xa.
Xin kết lại bài viết bằng trăn trở của chính lãnh đạo hãng taxi lớn nhất Việt Nam: “Thách thức lớn nhất của thị trường hiện tại, khi Uber bán thị phần cho Grab là chính quyền phải giải quyết vấn đề độc quyền, ngành nghề chiếm trên 30% là độc quyền. Với 78.000 chiếc xe của Uber và Grab sáp nhập so với 20.000 taxi truyền thống của cả nước, rõ ràng nó gấp mấy lần, số lượng taxi công nghệ chiếm đến 80% trở lên thị trường. Điều này chắc chắn dẫn đến vấn đề độc quyền. Câu hỏi đặt ra lúc này chính là nhà nước giải quyết như thế nào?” (ông Tạ Long Hỷ – Phó TGĐ Vinasun).
Vị này cũng thừa nhận việc Uber sáp nhập vào Grab không mang lại lợi thế cho taxi truyền thống trên cuộc chiến giành lại thị trường. “Chuyện sáp nhập chưa phải là thách thức hay cơ hội vì thực sự nó chỉ là một hình thức tập trung kinh tế. Trước đây có 2 hãng, đồng nghĩa là 2 đối thủ. Giờ nhập chung lại thì lượng xe tăng lên mà thôi”.
Sự thiếu tự tin và tâm lí bị động này khiến tương lai của các đại gia lớn nhất ngành taxi Việt Nam càng trở nên u ám hơn. Điều này phần nào lí giải lí do vì sao khi vụ sáp nhập giữa Uber và Grab xảy ra, các hãng taxi nội kì cựu không nhân cơ hội này để marketing mạnh mẽ cho ứng dụng và dịch vụ của hãng?
(Còn đây là cách một ứng dụng gọi xe Việt chưa đầy 2 năm tuổi đã làm: Nhận đầu tư từ Phương Trang, Vato quyết đấu Grab )
Trí thức trẻ