Loạn đất trên đảo Phú Quốc: ‘Xã hội đen’ lộng hành?
Sốt đất triền miên trên đảo Phú Quốc dẫn đến khiếu kiện gia tăng, tranh chấp quyết liệt, lừa đảo, lấn chiếm đất rừng, “băm nát” đất để phân lô bán nền. Đáng chú ý, xuất hiện băng nhóm “xã hội đen” giải quyết tranh chấp đất trên đảo.
Xẻ thịt đất rừng, đất chùa
Báo Tiền Phong nhận được đơn kêu cứu của 11 hộ dân tố cáo một nhóm người, có sự tiếp tay của cán bộ, tùy tiện lấy hơn 70 ha đất thuộc Tập đoàn 3, ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương phân lô, bán một ha 6 tỷ đồng, lấy tiền chia nhau từ đầu năm 2018.Vụ việc có dấu hiệu hình sự nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc.
Vào năm 1981 khoảng 70 hộ dân, từ miền Trung vào làm tại Nông trường Quốc doanh Phú Quốc. Khi nông trường giải thể, do nợ lương của công nhân, nên đã chi trả cho họ bằng chính tài sản mà những hộ dân này đã tạo lập được bao gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản cây cối, hoa màu. Năm 1985 các hộ dân tiếp tục lấy tài sản đất đai góp vốn vào HTX Quốc Thắng. HTX Quốc Thắng sau đó giải thể, hình thành nên Tập đoàn 3 và Tập đoàn 4. Có 30 hộ dân trong Tập đoàn 4 đã được phân chia quyền sử dụng đất cho các hộ dân khác nhau để sử dụng. Riêng những hộ trong Tập đoàn 3 vẫn sử dụng chung dưới mô hình nhóm các hộ dân với nhau.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Việt – Chủ tịch UBND xã Cửa Dương nói: “Vụ việc này chúng tôi đã biết, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình xác minh. UBND huyện Phú Quốc cũng đang yêu cầu chúng tôi báo cáo vụ việc. Hiện tôi không thể cung cấp thông tin báo chí được”. Trong khi đó, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản hướng dẫn người dân kiện ra tòa.
Đất chùa, đất rừng cũng bị “xẻ thịt”.Đó là 16.950 m2 đất, trị giá hàng trăm tỷ đồng, thuộc chùa Thần hoàng Chuông Am, tọa lạc tại thị trấn Dương Đông, quản lý sử dụng hơn nửa thế kỷ qua, bỗng dưng bị “phù phép” cấp sổ đỏ cho cụ ông Nguyễn Văn Mười (95 tuổi) đứng tên.Dư luận đang rất quan tâm ai là người đứng sau cụ ông gần 100 tuổi này?
Dư luận ở Phú Quốc cũng đang xôn xao về lô đất 4.143,6m2 tại ấp 2, xã Cửa Cạn, do ông Nguyễn Đình Chiến đứng tên, là đất rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lí, nhưng không hiểu sao lại được cấp sổ đỏ vào ngày 22/11/2011, số vào sổ CH00497. Lô đất này, sau khi báo Tiền Phong ngày 6/9/2012 phản ánh, huyện Phú Quốc đã chỉ đạo thu hồi. Tuy nhiên lô đất tiếp tục được tách thửa vào ngày 29/1/2018, và sang nhượng 5 tỷ một công (1.000m2) vào đầu tháng 4 vừa qua.
Theo BQL rừng phòng hộ Phú Quốc, năm 2017 có 52 vụ phá, lấn chiếm gần 30 ha đất rừng. Cơ quan chức năng đã khởi tố một vụ, di dời 661 trụ rào bê tông, 2.139m kẽm gai và hàng trăm ngàn cây trồng các loại. Đáng chú ý, gần đây nổi lên hàng loạt vụ mua bán trái phép đất rừng trục lợi.
Lô đất hơn 4.000m2 tại ấp 2, xã Cửa Cạn là đất rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý, vừa được sang nhượng 5 tỷ đồng.
“Xã hội đen” giải quyết tranh chấp đất
Những bức xúc của người dân trên đảo Phú Quốc trong những năm qua là công tác giải quyết khiếu nại của người dân là rất yếu kém. Nhiều vụ thưa kiện kéo dài cả chục năm vẫn không xong. Ông Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đinh Khoa Toàn vừa bị kỷ luật vì “dính” đến đất đai, trong đó có việc không chỉ đạo thi hành những bản án đã có hiệu lực.
Cụ thể: Ngày 14/9/2016, Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc có Quyết định buộc Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc thi hành bản án số 13/2016/HC – ST, ngày 21/6/2016 đối với trường hợp của ông Đặng Văn Tuân (SN 1959), ngụ tại khu phố 10, thị trấn Dương Đông. Vụ việc liên quan đến chi trả bồi thường cho ông Tuân tại dự án SASCO.
Tuy nhiên gần 2 năm trôi qua UBND huyện Phú Quốc vẫn “ngâm” không thực hiện. Tương tự, các bà: Trần Thị Bích Vân (ấp 3, xã Cửa Cạn), Nguyễn Thị Hạnh (ấp 4, xã Cửa Cạn),Định Ngọc Lệ (Dự án Nam Bãi Trường)… đều đã có quyết định của tòa từ năm 2016, nhưng đến nay huyện vẫn chưa thực hiện. Sự việc gây bức xúc cho người dân, làm tăng thêm khiếu kiện phức tạp.
Trong khi chính quyền chậm giải quyết khiếu nại đất đai, hoặc giải quyết tranh chấp không công bằng, gần đây, người dân và một số doanh nghiệp đã tìm đến các băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết mâu thuẫn. Đảo Phú Quốc hiện đã “hội tụ” nhiều băng nhóm đến từ các tỉnh, thành: Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, TPHCM… Ngoài vấn đề bảo kê quán hàng, đòi nợ, họ còn tham gia trực tiếp giải quyết tranh chấp đất đai.
Thượng tá Trần Văn Dũng – Phó Công an huyện Phú Quốc cho biết: Đầu năm 2018, Công an huyện đã triển khai kế hoạch huy động lực lượng trấn áp đối tượng sử dụng băng nhóm bảo kê trong bao chiếm tranh chấp đất và các vụ việc phức tạp khác trên địa bàn huyện.
Lực lượng công an đã giải quyết 13 vụ tranh chấp đất có đối tượng phức tạp tham gia, mời 138 đối tượng về làm việc. Trong đó, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 5 đối tượng, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 13 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ cá nhân răn đe, giáo dục, buộc cam kết 119 đối tượng. Trong số 138 đối tượng bảo kê bao chiếm đất có 23 đối tượng có tiền án, 66 đối tượng từ nơi khác đến.
Trong khi chính quyền chậm giải quyết khiếu nại đất đai, hoặc giải quyết tranh chấp không công bằng, gần đây, người dân và một số doanh nghiệp đã tìm đến các băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết mâu thuẫn. Đảo Phú Quốc hiện đã “hội tụ” nhiều băng nhóm đến từ các tỉnh, thành: Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, TPHCM… Ngoài vấn đề bảo kê quán hàng, đòi nợ, họ còn tham gia trực tiếp giải quyết tranh chấp đất đai.
Tiền phong