Cổ tức ngân hàng hết thời bị khống chế
Một thời con số 9% trở thành nỗi “ám ảnh” với nhà đầu tư, nhưng nay cổ tức ngân hàng có thể lên tới vài chục phần trăm.
Cách đây vài ba năm, mức cổ tức 9% được xem là cao nhất, cũng là mức trần mà NHN cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện. Không chỉ là tỷ lệ bao nhiêu, mà việc chi trả cổ tức thế nào (bằng tiền mặt bao nhiêu, cổ phiếu bao nhiêu) còn phải xin ý kiến của cơ quan quản lý trước khi trình cổ đông thông qua. Thậm chí dù cổ đông có thông qua nhưng các ngân hàng nếu không trích lập đủ dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu cao hơn mức quy định còn bị cấm chia cổ tức.
Và cứ mỗi kỳ đại hội cổ đông, người nắm giữ cổ phần cổ phiếu ngân hàng lại sục sôi vì không được chia cổ tức, cổ tức quá thấp hoặc bị nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Ở đại hội nào cũng có người phàn nàn về cổ tức, rồi so sánh với quyền lợi của cán bộ nhân viên ngân hàng. Họ – những người bỏ tiền vào đầu tư mà không được nhận lãi hàng năm – muốn được đối xử công bằng thông qua cổ tức, chứ ngân hàng không phải lúc nào cũng chỉ chăm lo cho lao động rồi hết hôm nay tăng lương ngày mai lại thưởng lớn.
Nhưng đó là chuyện đã trở thành dĩ vãng.
Nay, cổ tức vẫn tiếp tục ‘nóng’ trong mùa đại hội cổ đông, nhưng là nóng theo hướng khác: các ngân hàng đua trả cổ tức, hết kỷ lục này đến kỷ lục khác được lập. Và năm 2018, mức cổ tức bằng tiền mặt đã lên đến tỷ lệ 15%, trong khi nếu tính cả trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng thì có nơi còn lên đến gần 70% – một mức cao không tưởng.
Đua trả cổ tức cao
Mức cao không tưởng đầu tiên phải nhắc đến là VPBank. Mới đây ngân hàng đã thống nhất chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng lên đến 67% – mức cao kỷ lục của ngành ngân hàng từ trước tới nay. Trong đó mức cổ tức trả cổ đông là 30,22%. Ông chủ tịch của nhà băng này còn hứa, nếu năm 2018 đạt được kế hoạch lợi nhuận trên 10.000 tỷ thì mức cổ tức kết hợp cổ phiếu thưởng chi trả vào giờ này năm sau cũng sẽ không dưới 60%.
Ngân hàng VIB trong khi đó quyết định sẽ trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông tỷ lệ 36%, trong đó cổ tức bằng tiền mặt là 5%. Năm 2017, cổ đông của ngân hàng cũng đã trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ trên 44%.
Một trường hợp nữa là ngân hàng HDBank, năm ngoái cổ đông đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 30% cho năm 2017, tuy nhiên mới đây ngân hàng cho biết nhờ kết quả kinh doanh vượt xa dự kiến nên quyết định điều chỉnh tăng mức chi trả cho cổ đông lên 35%. Trong số này, ngân hàng sẽ trả 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, trở thành ngân hàng “chịu chơi” nhất về cổ tức tiền mặt tính đến thời điểm này.
Ngân hàng MB nếu như mọi năm chỉ chi trả cổ tức trên dưới 10% thì năm nay quyết trả cổ tức tỷ lệ 11% cộng thêm cổ phiếu thưởng 14%, tức tổng cộng 25%. Ngân hàng Liên Việt cũng tăng tỷ lệ chi trả cổ tức năm nay lên 15%, thay vì mức 10% của năm ngoái.
Các ngân hàng khác như VietinBank hay BIDV… mọi năm còn cân nhắc việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt và hỏi ý kiến cổ đông, thì năm nay cũng mạnh dạn hơn trong đề xuất khi đưa thẳng vấn đề tiền mặt với tỷ lệ tương đương năm ngoái, dù rằng đây là những ngân hàng đang cần hơn ai hết nguồn vốn giữ lại để gia tăng tiềm lực tài chính.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Không phải ngẫu nhiên hoặc nhờ kết quả kinh doanh tốt mà các ngân hàng rộng tay với cổ đông.
Nếu như các năm trước, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn phần lớn bị cổ đông phản đối, thì nay với thị trường chứng khoán phát triển mạnh, giá cổ phiếu đều tăng gấp đôi, gấp 3, thậm chí là gấp 5 so với thời điểm những năm 2016, 2017, thì việc được chia cổ tức bằng cổ phiếu còn là phần thưởng đem lại lợi ích theo cấp số nhân với cổ đông nhiều ngân hàng. Bởi vậy, các nhà băng đều tranh thủ thời cơ để vừa được lòng cổ đông lại vừa tăng thêm vốn điều lệ – điều tưởng như không có lối thoát với nhiều nhà băng ở thời điểm cách đây một năm và làm đau đầu tất cả các ngân hàng trước thềm Basel II.
Bên cạnh đó, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao còn giúp ngân hàng giải quyết được vấn đề về vốn để xử lý những khó khăn hiện hữu, hoặc mở rộng sản xuất, đầu tư vào các dự án mang lại lợi nhuận lâu dài và tăng tiềm lực cạnh tranh với ngân hàng bạn.
Còn cổ tức bằng tiền mặt cao trong khi đó là “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư, đặc biệt là với những ngân hàng đã đã lên sàn. Nếu bỏ tiền vào cổ phiếu của những nhà băng này, chưa kể giá tăng trên thị trường giúp nhà đầu tư kiếm lời trong bối cảnh thị trường chứng khoán cứ tăng chưa biết đi về đâu như thời gian qua, mà còn được hưởng thêm lãi suất cao hơn cả tiền gửi vào ngân hàng.
Bởi vậy, theo nhận xét của giới quan sát, các ngân hàng quyết định mạnh tay chi cổ tức trong năm nay chính là một mũi tên trúng nhiều đích.
Theo Trí thức trẻ