Đề xuất thu thuế tài sản: "Người thu nhập thấp càng thêm gánh nặng"
Với đề xuất tại dự án Luật Thuế tài sản, hầu hết dân thành thị, đến cả người thu nhập thấp, người về hưu…cũng phải chịu thuế…
Không đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính tại dự án Luật Thuế tài sản, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên, Công ty luật Basico, cho rằng cách thu thuế như vậy khiến những người thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn càng thêm gánh nặng.
Bộ Tài chính vừa đưa ra dự án Luật Thuế tài sản với điểm gây bức xúc nhất là đánh thuế tài sản với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Ông bình luận gì về điều này?
Mỗi sắc thuế được ban hành đều phải có nguyên lý và đạo lý. Việc thu thuế tài sản là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề cần xem xét là đối tượng chịu thuế, giá trị tính thuế, thuế suất, thời điểm áp dụng.
Tại tờ trình, Bộ Tài chính nêu mục đích có ý nghĩa là: “điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội”.
Tuy nhiên, cách tính thuế như vậy khiến hầu như dân thành thị, đến cả người thu nhập thấp, người về hưu, gia đình chính sách, thậm chí cả người thất nghiệp cũng phải chịu thuế là đi ngược với mục đích đó.
Thực tế, thuế tài sản được nhiều nước áp dụng nhưng việc so sánh Việt Nam với các nước khác cần xem xét nhiều khía cạnh như phúc lợi xã hội, thu nhập của người dân. Chẳng hạn ở Mỹ, thuế tài sản được áp mức khá cao nhưng đó là đánh thuế lên người giàu vì phần lớn người bình thường ở Mỹ là ở nhà thuê, phúc lợi ở Mỹ là khá tốt.
Không chỉ nhà và đất, ôtô cũng là đối tượng chịu thuế tài sản. Theo ông, đưa ôtô vào diện chịu thuế có hợp lý ở thời điểm hiện nay không?
Điều này lại xuất phát từ chuyện thu nhập cá nhân. Ở nước ngoài, một người bình thường đi làm có thể mua nhà trả góp chỉ sau vài năm.
Còn ở Việt Nam, thu nhập chân chính từ tiền lương, tiền công thì phải tích cóp hàng mấy chục năm mới có thể mua được nhà.
Tương tự, một cái ôtô là tài sản rất dễ sắm được của người dân ở nước ngoài, đến người thất nghiệp còn có thể mua được ôtô.
Bên cạnh đó, các điều kiện để sử dụng ôtô ở nước ngoài cũng khá dễ chịu, chẳng hạn, giá ôtô rẻ, thuế xăng dầu ở mức hợp lý, không có các mức thu phí BOT bất hợp lý, chỗ đỗ xe thuận tiện. Trong khi đó ở Việt Nam, mọi thứ đều khó khăn.
Mặt khác, ôtô là phương tiện văn minh cần phát triển, kiểu đánh thuế như vậy chẳng khác gì bắt người dân mãi mãi đi xe máy, xe đạp vì các phương tiện công cộng như xe buýt và tàu điện đến hàng chục năm nữa cũng chưa đáp ứng được.
Vậy theo ông, thuế tài sản nên được tính theo cách nào?
Cần quy trị giá nhà, đất để quản lý nhiều thứ liên thông như: mua bán, nộp thuế đất. Trị giá nhà có thể tính được theo đơn giá xây dựng.
Trị giá đất có thể tính theo lợi thế và hoàn toàn có thể tính được. Không nên tính theo giá chuyển nhượng vì dễ dẫn đến tình trạng nhập nhèm, hú hoạ.
Về khởi điểm chịu thuế, tôi nghĩ mức tối thiểu phải là 5 tỷ đồng trở lên. Bởi vì 3-4 tỷ đồng vẫn là căn nhà rất bình thường. 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là nhà của người nghèo.
Đặc biệt, đó là tài sản được tích cóp từ nhiều đời, vay mượn, bóp mồm bóp miệng. Nhiều người có căn nhà để ở nhưng thu nhập hàng tháng rất thấp, phải sống tằn tiện, thậm chí còn phải trích một phần để trả nợ ngân hàng.
Mặt khác, cũng không nên đánh thuế từ căn nhà thứ hai vì cách tính này sẽ rất bất công. Chẳng hạn, có người dành dụm mua 2 cái nhà, mỗi cái chỉ 700 triệu đồng, một cái để ở, một cái cho thuê để lấy tiền sinh sống và họ trở thành đối tượng chịu thuế. Trong khi đó, có người ở biệt thự trị giá mấy chục tỷ đồng lại không chịu thuế.
Điều quan trọng nhất khiến người dân bức xúc là số tiền đóng thuế bị xà xẻo, bị lãng phí, đầu tư không hiệu quả và chi dùng lớn cho bộ máy cồng kềnh. Một bước ra đường gặp trạm BOT cũng phải đóng tiền. Quá nhiều thứ phải đóng góp mà phúc lợi gần như bằng 0.
Tóm lại, không nên tăng thu ngân sách bằng những sắc thuế như vậy. Thay vào đó, cần tăng thu bằng cách chống thất thoát, gian lận, trốn thuế.
Vneconomy