Thêm hàng loạt cổ phiếu bị đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết

Có đến 25 mã chứng khoán vừa bị đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và nguy cơ bị hủy niêm yết.

Các doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị để công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 – và đây cũng là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp, các cổ đông, các nhà đầu tư dõi theo để biết những mã chứng khoán nào “thoát án” cảnh báo, kiểm soát, hoặc hủy niêm yết.

Hàng loạt cổ phiếu trước nguy cơ bị hủy niêm yết

Cổ phiếu PXA của CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn thực góp của chủ sở hữu.

Đáng chú ý, trước đó theo BCTC công ty tự lập, năm 2017 PXA lỗ hơn 10 tỷ đồng – tổng lỗ lũy kế đến hết năm 2017 vẫn nằm trong mức thấp hơn vốn điều lệ thực góp. Tuy nhiên, BCTC được lập bởi công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn tài chính Quốc tế (IFC) thì đã có điều chỉnh, trong đó doanh thu tăng mạnh gấp 4 lần nhưng lại lỗ thêm hơn 12 tỷ đồng – làm cho tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 vượt vốn điều lệ thực góp.

“Án hủy niêm yết” đang treo lơ lửng đối với PXA. Hiện Sở GDCK Hà Nội đang yêu cầu PXA giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết.

Cổ phiếu SD7 của CTCP Sông Đà 7 cũng đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi lỗ 3 năm liên tiếp. Tổng số lỗ trong 3 năm của công ty lên đến hơn 243 tỷ đồng.

Trước đó, cũng như PXA, trên báo cáo tài chính quý 4/2017 do công ty tự lập, Sông Đà 7 ghi nhận lãi vỏn vẹn 37 triệu đồng – giúp công ty thoát “án” hủy niêm yết trong gang tấc. Ngay từ đầu năm 2017, Sông Đà 7 cũng đã nỗ lực “cứu vãn tình hình” khi ĐHCĐ thường niên của công ty đã thông qua việc dùng thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển để xóa hết lỗ lũy kế tồn tại đến 31/12/2016.

Tuy nhiên mọi nỗ lực của Sông Đà 7 dường như vô vọng bởi báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã điều chỉnh phần chi phí khác tăng lên gần 17 tỷ đồng, làm cho Sông Đà 7 lỗ gần 17,6 tỷ đồng năm 2017. Kết quả này dẫn đến công ty lỗ 3 năm liên tiếp, đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

Sở GDCK Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu CTCP Đầu tư xây dựng Bạch Đằng (mã chứng khoán BHT) giải trình nguyên nhân tình trạng cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của công ty thể hiện số lỗ lũy kế đến 31/12/2017 của Xây dựng Bạch Đằng đã vượt vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017 – thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết.

Sở GDCK Hà Nội cũng vừa gửi công văn yêu cầu CTCP Khoáng sản và vật liệu xây dựng Hưng Long (mã chứng khoán KHL) giải trình nguyên nhân tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết. Nguyên nhân do công ty đã thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Hiện trên thị trường giá cổ phiếu KHL giao dịch quanh mức 400 đồng trên mỗi cổ phiếu.

Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thông báo tới CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1 – mã chứng khoán TV1) về việc cổ phiếu thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc. Nguyên nhân do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC kiểm toán năm 2017 vì “kiểm toán không thu thập được bằng chứng thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến”.

Trên BCTC kiểm toán năm 2017, cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến của kiểm toán viên bao gồm việc công ty chưa đánh giá đầy đủ khả năng thu hồi một số khoản công nợ đã quá hạn thanh toán với trị giá hơn 100 tỷ đồng để xem xét trích lập dự phòng. Ngoài ra, ở khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, kiểm toán viên cũng không thu thập được bằng chứng thích hợp với khoản trị giá gần 408 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2017 là hơn 473 tỷ đồng).

Bên cạnh đó vấn đề vốn hóa chi phí lãi vay của Thủy điện Sông Bung 5 cũng được kiểm toán nhắc đến do không thu thập được bằng chứng để tính toán và ước tính số lãi vay đã được vốn hóa trong giai đoạn khi nhà máy đi vào hoạt động đến năm 2015. Trên thực tế, nhà máy Thủy điện Sông Bung 5 đi vào hoạt động từ năm 2012 tuy nhiên công ty vẫn tiếp tục vốn hóa chi phí lãi vay vào công trình đến năm 2015.

Nhiều cổ phiếu đã bị đưa vào diện bị kiểm soát

Cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương sẽ bị đưa vào diện bị kiểm soát từ ngày 19/4/2018. Nguyên nhân do LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2016, năm 2017 và LNST chưa phân phối đều là số âm căn cứ theo BCTC kiểm toán năm 2016, 2017 của đơn vị.

Cổ phiếu PPI sẽ chỉ được giao dịch vào buổi chiều của ngày giao dịch.

Trước đó cổ phiếu PPI đã thuộc diện bị cảnh báo. Và ngay khi nhận được BCTC quý 4/2017 của công ty, ngày 2/2/2017 Sở GDCK TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ cổ phiếu PPI bị đưa vào diện bị kiểm soát đối với nhà đầu tư.

Giá cổ phiếu PPI cũng đang đà lao dốc. Từ đầu năm 2018 đến nay PPI đã giảm 47%, từ 2.120 đồng/cổ phiếu xuống mức 1.130 đồng/cổ phiếu như hiện nay.Cổ phiếu PVC của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí – CTCP bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 11/4/2018 do LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2016, năm 2017 căn cứ trên BCTC kiểm toán năm 2017 đều là số âm.

Thêm hàng loạt cổ phiếu bị đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết - Ảnh 1.

Giao dịch cổ phiếu PPI trong 6 tháng gần đây.

Sở GDCK Hà Nội đã thông báo đưa cổ phiếu PVC của Tổng Công ty dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí – CTCP vào diện bị kiểm soát từ 11/4/2018. Nguyên nhân do LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2016 và năm 2017 đều là số âm. Cổ phiếu PVC chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Cổ phiếu PVC cũng vừa bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ 11/4/2018 do chứng khoán bị đưa vào diện bị kiểm soát.

Theo giải trình từ phía PVC, năm 2016 dịch vụ dung dịch khoan bị ảnh hưởng nghiêm trọng do diễn biến giá dầu thế giới giảm mạnh, các nhà thầu dầu khí dãn, dừng, hủy kế hoạch khoan, từ đó giảm mạnh về doanh thu cũng như nhu cầu dịch vụ. Đồng thời do các nhà thầu dầu khí gặp khó khăn về vốn nên đã chậm thanh toán cho Tổng công ty do đó Tổng công ty phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Từ đó làm cho doanh thu không đủ bù đắp chi phí nên lợi ích của cổ đông công ty mẹ năm 2016 bị âm. Năm 2017 kết quả kinh doanh của công ty khởi sắc hơn, tuy nhiên vẫn bị ảnh hưởng từ các công ty con.

Về phương án khắc phục, PVC cho biết sẽ tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp, thực hiện bán bớt vốn tại DMC MB và DMC MT (sẽ hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính), tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên bờ ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô, tập trung thu hồi công nợ.

Thêm hàng loạt cổ phiếu bị đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu PVC trong 6 tháng gần đây.

Cổ phiếu ORS của CTCP Chứng khoán Phương Đông bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 10/4/2018 và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần do LNST năm 2016 và năm 2017 đều là số âm.

Cổ phiếu OCH của CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương sẽ bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 16/4/2018 do LNST công ty mẹ năm 2016 và năm 2017 trên BCTC kiểm toán năm 2017 đều là số âm.

Cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư cao su Quảng Nam cũng sẽ bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 19/4/2018 do LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2017 và nam 2016 căn cứ trên BCTC hợp nhất năm 2017 và năm 2016 đều là số âm.

Cổ phiếu VHG chỉ được giao dịch vào buổi chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định giữ nguyên diện bị kiểm soát đối với cổ phiếu PIT của CTCP XNK Petrolimex.

Trước đó ngày 7/4/2016 Sử GDCK Thành phố Hồ Chí Minh quyết định đưa cổ phiếu PIT vào diện bị kiểm soát do LNST chưa phân phối năm 2014 và LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2015 đều là số âm.

Sau khi nhận được BCTC kiểm toán năm 2017 của công ty trong đó LNST trên BCTC hợp nhất và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/216 đều là số âm, như vậy công ty chưa khắc phục được tình trạng dẫn đến chứng khoán bị kiểm soát.

Cổ phiếu SDA của CTCP Simco Sông Đà cũng bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 10/4/2018 do LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2016 và năm 2017 đều là số âm. Cổ phiếu SDA chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Trên báo cáo tài chính năm 2017 của Simco Sông Đà, kiểm toán cũng nêu ý kiến ngoại trừ về việc Dự án khai thác và chế biến đá Mable tại mỏ Nay Pu Taung, Myanmar đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, các khoản chi phí đầu tư cơ bản đối với 2 công trình đường vào mỏ và nhà cửa vật liệu kiến trúc có tổng giá trị gần 30 tỷ đồng được ghi tăng vào nguyên giá tài sản cố định năm 2016, các chi phí khác đã được ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016, tuy nhiên kiểm toán không tiếp cận được hồ sơ liên quan nên không đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề.

Cổ phiếu HKB của CTCP Công nghiệp và thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 10/4/2018 do LNST công ty mẹ năm 2017 và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 đều là số âm.

Trên BCTC năm 2017 của công ty kiểm toán cũng nêu ý kiến ngoại trừ về việc HĐQT công ty thực hiện đầu tư dài hạn vào 2 công ty con CTCP Nông nghiệp Lumex Việt Nam và CTCP Nông nghiệp Hưng Lộc Phát Gia Lai với tổng số tiền 434 tỷ đồng. Công ty không đánh giá khoản đầu tư này tại ngày 31/12/2016 và 31/12/2017 do vậy kiểm toán không đưa ra ý kiến về khoản đầu tư này.

Thêm hàng loạt cổ phiếu bị đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu HKB trong 6 tháng gần đây.

Trên thị trường, cổ phiếu LCM của CTCP Khai thác, chế biến khoáng sản Lào Cai đang giao dịch với một đồ thị zic zắc đan xen những phiên tăng trần và giảm sàn liên tiếp trong một thời gian dài. Hiện thị giá của LCM đang là 810 đồng/cổ phiếu.

Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo sẽ tiếp tục duy trì diện bị kiểm soát đối với cổ phiếu LCM do LNST chưa phân phối đến hết ngày 31/12/2015 là số âm căn cứ trên BCTC kiểm toán năm 2015; LNST của cổ đông công ty mẹ và LNST chưa phân phối đến 31/12/2016 căn cứ trên BCTC kiểm toán năm 2016 cũng là số âm. Đồng thời, căn cứ trên BCTC kiểm toán năm 2017, Sở GDCK Tp HCM quyết định tạm giữ nguyên diện bị kiểm soát đối với cổ phiếu LCM.

Thêm hàng loạt cổ phiếu bị đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu LCM trong 6 tháng gần đây.

Cổ phiếu HPM của CTCP Thương mại và Khoáng sản Hoàng Phúc bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 10/4/2018 do LNST năm 2016 và năm 2017 đều là số âm. Cổ phiếu HPM chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Cổ phiếu DLR của CTCP Địa ốc Đà Lạt bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 9/4/2018 do LNST công ty mẹ năm 2016 và năm 2017 đều là số âm. Cổ phiếu DLR chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Cổ phiếu SDD của CTCP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 11/4/2018 do LNST năm 2016 và LNST năm 2017 của công ty trên BCTC kiểm toán đều là số âm.

Trên báo cáo tài chính năm 2017 của công ty, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc công ty chưa trích lập dự phòng đối với khoản nợ phải thu về lãi vay cho các cá nhân vay và khoản trả trước cho CTCP Tư vấn và Đầu tư Thái Bình. Giá trị cần trích lập dự phòng đến 31/12/2017 ước tính khoảng 13,47 tỷ đồng. Nếu công ty thực hiện trích lập dự phòng khoản này thì LNST sẽ giảm đi tương ứng.

Những cổ phiếu bị đưa vào diện bị cảnh báo

Cổ phiếu MNC của Tập đoàn Mai Linh Miền Trung bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 10/4/2018 do LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2017 trên BCTC kiểm toán của công ty (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ) là số âm.

Trên BCTC kiểm toán năm 2017, cả năm Mai Linh Miền Trung báo lãi sau thuế 4,37 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 4,41 tỷ đồng.

Tuy nhiên kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc Mai Linh Miền Trung đã hoàn nhập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cho một số khoản phải thu từ các công ty con trong Tập đoàn Mai Linh. Việc hoàn nhập này là chưa phù hợp với quy định.

Bên cạnh đó khoản đầu tư vào CTCP Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (MSH) với giá trị ghi nhận hơn 37,5 tỷ đồng – và công ty chưa ước tính giá trị khoản đầu tư này dựa trên giá trị tài sản thuần của MSH tại ngày 31/12/2017. Nếu thực hiện việc ước tính này thì LNST chưa phân phối đến ngày 31/12/2017 trên BCTC kiểm toán sẽ giảm khoảng 20,8 tỷ đồng…

Cổ phiếu ACM của CTCP Tập đoàn khoáng sản Á Cường bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 12/4/2018 do LNST năm 2017 và LNST chưa phân phối đến 31/12/2017 trên BCTC kiểm toán là số âm.

Trên thị trường, cổ phiếu ACM đang giao dịch ở mức giá 1.100 đồng/cổ phiếu và giá này đã được duy trì ở một chuỗi nhiều phiên liên tiếp.

Thêm hàng loạt cổ phiếu bị đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết - Ảnh 5.

Diễn biến giá cổ phiếu ACM trong 6 tháng gần đây.

Cổ phiếu SCL của CTCP Sông Đà Cao Cường bị đưa vào diện cảnh báo từ 13/4/2018 do LNST năm 2017 và LNST chưa phân phối đến 31/12/2017 trên BCTC kiểm toán là số âm.

Còn cổ phiếu S74 của CTCP Sông Đà 7.04 bị đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 11/4/2018 do LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 trên BCTC kiểm toán năm 2017 là số âm.

Cổ phiếu BII của CTCP Đầu tư và phát triển Công nghiệp Bảo Thư bị đưa vào diện bị cản báo từ 10/4/2018 do LNST của cổ đông công ty mẹ trên BCTC kiểm toán năm 2017 là số âm.

Cổ phiếu KSQ của CTCP Đầu tư KSQ bị đưa vào diện bị cảnh báo do LNST năm 2017 là số âm.

Cổ phiếu DZM của CTCP Chế tạo máy Dzĩ An bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 9/4/2018 do LNST công ty mẹ năm 2017 và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 là số âm.

Danh sách chứng khoán bị đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và hủy niêm yết dự kiến sẽ còn kéo dài khi các doanh nghiệp công bố hết báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017.

Thạch Lâm

Theo Trí thức trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…