Vỡ đường dây đa cấp 15.000 tỷ: Ai sẽ trả tiền cho nhà đầu tư?

Một số nhà đầu tư cho biết còn lưu giữ các thông tin chuyển tiền và hơn 5.000 đồng tiền ảo Ethereum từ ví điện tử của mình vào tài khoản ví điện tử của những người sáng lập tiền ảo iFan.

Ngày 13/4, nhóm các nhà đầu tư đã đến cơ quan công an ở TP.HCM nộp đơn tố cáo, đề nghị điều tra làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhóm cổ đông sáng lập dự án tiền ảo iFan, Pincoin và Công ty CP Modern Tech.

Gắn mác dự án ngoại để “dụ” nhà đầu tư

Cùng ngày, ông Diệp Khắc Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển mạng lưới Hữu Nghị – FNC, cũng có đơn gửi Cục CSĐT tội phạm công nghệ cao – Bộ Công an (C50) qua đường bưu điện. Ông Cường tố cáo ông Vũ Hữu Lợi, cổ đông lớn nhất của Công ty Modern Tech, sử dụng công ty iFan, tạo lập Modern Tech để lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của người dân, xâm phạm hình ảnh, uy tín của ông Cường.

Theo nhóm nhà đầu tư, đội ngũ sáng lập iFan, Pincoin gồm 7 người Việt Nam (trong đó có các ông Hồ Xuân Văn, Diệp Khắc Cường, Lê Ngọc Tuấn, Vũ Hữu Lợi…) nhưng luôn gắn mác là dự án đến từ Singapore, Dubai để tạo lòng tin với nhà đầu tư. Ban đầu, Lê Ngọc Tuấn và nhóm phát triển iFan kêu gọi nhà đầu tư mua các đồng tiền ảo iFan (giống như 1 loại cổ phiếu có giá trị nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, họ tạo ra đồng tiền số này nhằm huy động vốn và tránh phải thông qua cơ quan quản lý – PV).

Một loạt hội thảo hoành tráng đã được tổ chức nhằm quảng bá, tạo lòng tin với nhà đầu tư. Cụ thể, theo đơn tố cáo, tháng 9/2017, ông Diệp Khắc Cường, Vũ Hữu Lợi và những người sáng lập iFan đã tổ chức một sự kiện tại Vũng Tàu ra mắt đồng tiền điện tử iFan, mở bán giữ chỗ để huy động vốn với giá khởi điểm 1 USD/đồng iFan. Nhóm này cũng nói sẽ làm ứng dụng (app) nghệ sĩ trên điện thoại để thanh toán các dịch vụ như album ca nhạc của nghệ sĩ…

“Nhóm này còn quảng cáo sẽ liên kết với nhà nước để mọi người được mua nhà bên Mỹ, nhập quốc tịch Mỹ, dùng iFan để thanh toán tiền điện, nước tại Việt Nam và thậm chí cả thẻ tín dụng tiền điện tử cho mọi người” – chị C.A, một nhà đầu tư ngụ tại Củ Chi, TP.HCM, kể.

Đến tháng 11/2017, Vũ Hữu Lợi và đội ngũ sáng lập iFan tiếp tục mở bán tiền của iFan tại trung tâm hội nghị lớn ở TP.HCM, giá khởi điểm 1,6 USD/đồng iFan, tiếp tục huy động vốn và nói sẽ làm app học viện tiền điện tử, xây dựng học viện tiền điện tử đầu tư tại Việt Nam; liên kết để nhà đầu tư được mua nhà và định cư ở châu Âu…

Chưa dừng lại, tháng 12/2017, tại một trung tâm hội nghị lớn ở Hà Nội, nhóm của Vũ Hữu Lợi, Lê Ngọc Tuấn và đội ngũ sáng lập tiếp tục hứa hẹn với nhà đầu tư sẽ trả mức lãi suất thấp nhất 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng. Mô hình kinh doanh của nhóm này dạng đa cấp kiểu kim tự tháp với 8 tầng, lợi nhuận của nhà đầu tư tính theo tầng, thấp nhất 1% và cao nhất 8%.

Huy động được số vốn lớn, nhóm này bất ngờ tuyên bố hủy hình thức trả thưởng, thay cách đổi thưởng bằng đồng iFan với giá tự định là 5 USD/đồng, trong khi giá thực tế giao dịch tự do chỉ 0,003 USD/đồng. Theo các nhà đầu tư, chiêu thức trên đã giúp nhóm các cổ đông sáng lập chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng từ 32.000 nhà đầu tư.

Ai cũng kêu là nạn nhân

Chị Lê Thị Hoa, người đại diện cho một nhóm nhà đầu tư iFan, cho biết người mua tiền ảo iFan không có hợp đồng mua bán hay chứng từ nào khác để chứng minh mình đã đầu tư vào iFan. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lưu giữ các thông tin chuyển tiền và hơn 5.000 đồng tiền ảo ethereum từ ví điện tử của mình vào tài khoản ví điện tử của những người sáng lập iFan.

Vậy ai là “chủ xị” iFan? Chị Hoa cho biết trước khi Công ty Modern Tech thành lập, những người mời chào tiền ảo iFan giới thiệu đồng tiền này do ông Diệp Khắc Cường và ông Vũ Hữu Lợi sáng lập nên vào thời điểm ban đầu, nhà đầu tư chỉ biết 2 ông này. Mặt khác, ông Cường từng thừa nhận đang giữ của nhà đầu tư 1,8 triệu USD (giá trị quy đổi của 5.000 đồng tiền ảo etherium nhà đầu tư đã chuyển cho ông trước đó). Sau khi ông Cường rút khỏi nhóm iFan, ông Vũ Hữu Lợi liên tục đòi lại tiền, rồi sau đó, ông Lợi chuyển hướng hợp tác với một số người khác (hiện có tên trong danh sách cổ đông sáng lập Modern Tech), tiếp tục mời gọi người dân mua tiền ảo iFan.

“Modern Tech là đơn vị tổ chức các hội thảo mời gọi đầu tư và tại các sự kiện này đều có mặt ông Hồ Xuân Văn, cùng các cổ đông sáng lập. Vậy các cổ đông sáng lập phải có trách nhiệm trả lại tiền nhà đầu tư. Với tư cách tổng giám đốc, ông Hồ Xuân Văn sẽ biết được trong số 8 cổ đông sáng lập, ai là người đang giữ tiền của nhà đầu tư. Trường hợp tiền của nhà đầu tư đã bị ai đó chuyển đến địa chỉ khác, ông Văn cũng phải chỉ ra người nào sẽ giải thích việc này” – chị Hoa phân tích. Ngoài ra, cũng theo các nhà đầu tư, khi họ chuyển tiền từ ví điện tử của mình đến ví điện tử do các thành viên iFan chỉ định, các lãnh đạo Modern Tech đều biết ví điện tử đó gắn liền với danh tính của một cổ đông sáng lập.

Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 11/4, ông Diệp Khắc Cường phủ nhận thông tin mình đang nắm giữ 1,8 triệu USD của các nhà đầu tư. Hiện ông Cường đã gửi đơn đến C50 để yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Vũ Hữu Lợi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xâm hại uy tín, danh dự của ông Cường.

“Đề nghị cơ quan công an có biện pháp thu hồi tài sản mà ông Lợi và băng nhóm của ông chiếm đoạt, nhằm khắc phục thiệt hại cho nhà đầu tư” – ông Cường nêu.

Một cổ đông sáng lập của iFan và Modern Tech là ông Hồ Xuân Văn cũng trả lời trên báo chí, khẳng định công ty không liên quan đến iFan, không thể chi phối mạng lưới để lừa đảo số lượng 32.000 người với số tiền 15.000 tỉ đồng như nhà đầu tư tố cáo.

Đã có hành vi gian dối

Dưới góc độ chuyên gia, luật sư – TS. Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho rằng về bản chất, ví điện tử mà các thành viên sáng lập iFan chỉ định nhà đầu tư chuyển tiền là ví của Công ty Modern Tech. Sau đó, nhà đầu tư nhận được tài sản là tiền ảo iFan không có giá trị, cho thấy công ty này đã có hành vi gian dối. Do đó, khi nhà đầu tư đòi lại tiền, công ty không hoàn trả thì theo quy định pháp luật, tổ chức nào có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản người khác là phạm tội lừa đảo.

 

Theo Thy Thơ – Thái Phương

Người lao động

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…