Công ty "to như voi" dễ chết bất đắc kì tử nếu bỏ quên tinh thần của các startup "bé như con kiến"
Công ty “to như voi” dễ chết bất đắc kì tử nếu bỏ quên tinh thần của các startup “bé như con kiến”
Những ngành hàng đang thay đổi chóng mặt. Bạn hãy kể tên một ngành hàng, và tôi sẽ chỉ ra một startup đang (hoặc sẽ) thay đổi ngành đó. Những quy luật vững bền không nhằm nhò gì trên xa lộ khởi nghiệp “quá nhanh quá nguy hiểm,” nơi sự thay đổi ở khắp nơi.
Trên thực tế, những thương hiệu lớn đang tỏ ra yếu thế về mặt đổi mới, khi mà những công ty trẻ, nhanh nhẹn đã và đang biến đổi toàn bộ ngành. Để thay đổi và phát triển, các công ty lớn phải tập tư duy như những người mới bắt đầu, thay vì như những chuyên gia.
Bớt ngại rủi ro
Các nhà quản lý của công ty lớn ít khi nào được thưởng khi nắm bắt những cơ hội chứa nhiều rủi ro. Nỗi sợ thất bại đã nuôi dưỡng một văn hóa ngại rủi ro trong các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo thủ này lại thường dẫn đến một rủi ro lớn hơn: rủi ro của việc không làm gì cả.
Để thay đổi và phát triển, các công ty lớn phải tập tư duy như những người mới bắt đầu, thay vì như những chuyên gia.
Trong khi đó, các startup không có lựa chọn nào tên là “không làm gì cả.” Nỗi sợ thì luôn có, nhưng họ có thể biến nỗi sợ thành động lực.
“Việc thoát khỏi vùng an toàn rất quan trọng,” Heidi Messer – cựu chủ tịch và COO của LinkShare Corporation nói. “Nếu nỗi sợ thay đổi ngăn bạn khỏi phát triển, cả tổ chức của bạn sẽ phải trả giá.”
Trong quá trình trở thành những ông lớn, các công ty đã từng thất bại như cơm bữa rồi từ đó có được bài học, nhưng có vẻ họ đã đánh rơi tinh thần ấy đâu đó. Đã đến lúc các công ty lớn bớt sợ rủi ro và tập “play to win” như một startup?
Tinh giản quy trình bên trong, tập trung hơn vào thị trường bên ngoài
Những công ty khởi nghiệp thường ít bám vào quy trình và cấp bậc, nên họ không tốn nhiều thời gian để tuân theo lộ trình nội bộ và khuôn khổ của tổ chức. Những ý tưởng vì thế mà được hiện thực hóa nhanh hơn.
Tất nhiên quy trình là quan trọng. Nhưng những công ty lớn nên thử loại bỏ những ràng buộc không cần thiết. Họ có nguồn lực để tuyển những người sáng tạo nhất, nhưng những quy trình có thể cản trở chính nguồn sáng tạo đó. Hệ thống quy định nghiêm ngặt đôi khi có thể khiến những tư duy sáng tạo “chết từ trong trứng.” Thay vì quá đề cao quy trình nội bộ, các ông lớn nên dồn sự tập trung ra bên ngoài, nơi khách hàng đang thay đổi từng ngày.
Những công ty khởi nghiệp thường ít bám vào quy trình và cấp bậc
Bớt tự tin về độ thấu hiểu khách hàng
Những công ty khởi nghiệp thường gần gũi với người tiêu dùng, nhạy bén “bám đuổi” khách hàng, dùng những phản hồi của họ để định hướng cách tiếp cận của thương hiệu mình. Những công ty lớn thỉnh thoảng cần tự nhắc nhở mình rằng, ngày nay, thương hiệu do người dùng định nghĩa, chứ không phải những gì thương hiệu tự nói về mình.
Con người thay đổi, thị hiếu, niềm tin thay đổi, xu hướng cũng không ngừng đổi thay. Đó là một quá trình đang diễn ra từng ngày. Một sản phẩm tồn tại vì có khách hàng cần nó, nên hiển nhiên việc mất kết nối với khách hàng là một vấn đề lớn.
Kết hợp kinh nghiệm “lão làng” với sự đột phá
Một trong những thế mạnh lớn nhất trong dân khởi nghiệp là tinh thần đột phá, một đặc trưng của nhà lãnh đạo trẻ. Những thương hiệu lớn có thể hưởng lợi kha khá nếu biết tận dụng sự hăng hái, ngây thơ của những kẻ mới nhập cuộc.
Sự già dặn và trẻ trung kết hợp lại sẽ thành một thứ rất quyền lực. Sự “lão làng” cung cấp góc nhìn và bối cảnh vào những ý tưởng đột phá, giúp hiện thực hóa chúng. Nếu những thương hiệu lớn muốn là kẻ tiên phong trên thị trường, họ sẽ cần tiếp nhận nhiều hơn ở tư duy của những người mới bắt đầu. Tất nhiên là sai lầm của những tổ chức lớn có giá đắt đỏ hơn nhiều so với những “cú sẩy chân” của các công ty khởi nghiệp. Nhưng như đã nói, “không làm gì cả” thì luôn luôn rủi ro hơn.
Trí thức trẻ