Ngày 8/5, bắt đầu xét xử “bà trùm” Hứa Thị Phấn
Thông tin này vừa được Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản xác nhận với BizLIVE.
Theo đó, ông Phạm Lương Toản xác nhận từ ngày 8/5 tới đây, TAND TP.HCM chính thức đưa ra xét xử vụ bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín – sau đổi thành ngân hàng VNCB và nay là ngân hàng CB, nguyên chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) về hai tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín .
Cùng bị xét xử về 2 tội danh trên có 27 bị can khác, trong đó có bị can Ngô Kim Huệ, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ và bị can Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ.
Theo cáo trạng, Ngân hàng Đại Tín tiền thân là Ngân hàng Rạch Kiến huyện Cần Đước (Long An). Năm 2007, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho đổi tên thành Ngân hàng Đại Tín.
Đầu năm 2007, bị can Hứa Thị Phấn cùng CTCP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp bị can Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ), đã tham gia mua hơn 254 triệu cổ phần của Ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.547 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ và giữ chức vụ Cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng này.
Bị can Phấn lợi dụng việc nắm giữ lượng lớn vốn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên 2 chi nhánh Sài Gòn, Lam Giang; lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu chi tiền mặt; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái Luật Kế toán, Luật các TCTD và Điều lệ Ngân hàng Đại Tín để rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng hơn 12.000 tỷ của Ngân hàng Đại Tín.
Thông qua 5 hành vi phạm tội gồm 1.Nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng; 2.Hạch toán thu khống, để bị can Phấn sử dụng trái pháp luật hơn 5.256 tỷ đồng; 3. Thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, chiếm đoạt và sử dụng hơn 3.581 tỷ đồng; 4. Chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037 tỷ đồng; 5. Nâng khống 25 bất động sản khác bán cho Ngân hàng Đại Tín, để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tình hình tài chính của Ngân hàng Đại Tín rất xấu và bị NHNN xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém). Thể hiện tại ngày 29/2/2012, tổng tài sản thực còn hơn 20.846 tỷ đồng (giảm so với sổ sách gần 6.000 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong BCTC đã được kiểm toán thời điểm hợp nhất 31/12/2011.
Hậu quả đó có nguyên nhân chủ yếu là do hành vi phạm tội của bị can Hứa Thị Phấn và đồng phạm gây ra.
Theo quyết định tách “đại án” thành nhiều “án con” của Cơ quan điều tra Bộ Công an, giai đoạn này TAND TP.HCM sẽ xét xử bị can Hứa Thị Phấn và đồng phạm liên quan đến 2 hành vi gồm nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng và hạch toán thu khống và đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang, để bị can Phấn sử dụng trái pháp luật hơn 5.256 tỷ đồng. Tổng số tiền gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là hơn 6.362 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng, ngày 29/9/2017, bị can Phấn bị TAND TP. Hà Nội xử 17 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 179 BLHS năm 1999, bị can có kháng cáo, đang chờ xét xử phúc thẩm nên bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Trước khi khởi tố, ngày 6/3/2017 bị can Phấn nhập Bệnh viện đa khoa Tân Hưng, quận 7. Từ đó đến nay, cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng bị can để tiến hành hỏi cung, nhưng bị can Phấn luôn ở trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời.
Các luật sư của bị can Phấn kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bị can tốt hơn, nên chưa thể hỏi cung bị can Phấn để làm rõ thêm các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội của bị can, đơn tố giác và kiến nghị của bị can về các nội dung có liên quan.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng bị can Phấn vẫn ký các Đơn tố cáo, Đơn kiến nghị và Đơn kháng cáo, nên cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bị can Phấn trong quá trình xét xử để quyết định hình phạt.
Theo Huyền Trâm
BizLive