Sau 2 năm "trùm mền", PVTEX tái khởi động 3 dây chuyền sản xuất sợi
PVTEX đã tham khảo các mẫu hàng mà thị trường cần, ưa thích để làm chuẩn cho sản phẩm.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ (PVTEX), một trong 12 đại dự án thua lỗ ngành Công thương đã hoạt động trở lại ngày 10/4.
Dự kiến, sau khi tiến hành tinh chỉnh, đánh giá chất lượng sản phẩm sợi DTY, từ ngày 18/4/2018, PVTEX sẽ chính thức vận hành sản xuất kinh doanh 3 dây chuyền. Tổng sản phẩm trong tháng đầu tiên vào khoảng 189 tấn sợi.
Hầu hết các công tác chuẩn bị vận hành để phân xưởng sợi hoạt động trở lại đã hoàn tất, theo ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT PVTEX.
Cụ thể, về nhân sự PVTEX đã huy động trở lại được 26 kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, kinh nghiệm từng đứng máy kéo sợi DTY để tham gia vận hành 3 dây chuyền kéo sợi tại Nhà máy.
Toàn bộ nguồn nguyên liệu như POY, dầu tráng sợi, thiết bị thay thế, bảo dưỡng… đã được chuẩn bị hoàn tất.
Trên thực tế, từ ngày 9/4, các cuộn sợi đầu tiên đã được đưa vào kéo thử trong 3 dây chuyền. Một số đánh giá, thí nghiệm bước đầu tại phòng thí nghiệm của PVTEX đặt tại Nhà máy cho thấy toàn bộ các đặc tính cơ lý của sản phẩm đều đạt và hướng tới chất lượng đề ra.
Chuyên gia của Bamag (CHLB Đức – Nhà cung cấp bản quyền công nghệ và thiết bị) khẳng định 3 dây chuyền đang chạy ổn định, chất lượng sản phẩm sẽ đạt mọi yêu cầu của khách hàng kể cả phân khúc cao cấp.
Bên cạnh đó, phía Bamag sẽ tiếp tục tinh chỉnh các dây chuyền, đào tạo tại chỗ cho các kỹ sư vận hành của PVTEX… sao cho sản phẩm sợi DTY đạt chất lượng cao nhất.
Ông Đào Văn Ngọc cũng cho biết PVTEX đã tham khảo các mẫu hàng mà thị trường cần, ưa thích để làm chuẩn cho sản phẩm, đồng thời chủ động mời các đối tác, khách hàng tiêu thụ tham gia vào quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Ông Hùng cho rằng thiết bị của ba dây chuyền đang vận hành thử chạy rất ổn định. Ông cũng cho biết nhà máy quán triệt tinh thần “tuyệt đối tiết kiệm từng xu, từng hào”.
Việc tái khởi động PVTEX là thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo Chính phủ về xử lý, tháo gỡ các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Trước đó, hồi cuối tháng 2, Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng đã thông tin 12 dự án thua lỗ ngành Công thương đã có hướng đi mới.
Đơn cử như Tổng công ty Thép cũng đang xây dựng phương án thoái vốn tại Công ty Thép Thái Nguyên Tissco và Bộ Công Thương đã chấp thuận phương án. Dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn đúng kế hoạch đề ra trong năm 2018. Việc thoái vốn thành công sẽ thúc đẩy đàm phán tranh chấp hợp đồng EPC với nhà thầu thực hiện Dự án giai đoạn 2 của Tissco.
Theo Trí thức trẻ