Sử dụng dầu thực vật, ăn nhiều cá và trái cây, coi trọng bữa sáng… là những thói quen giúp người Nhật có sức khỏe tốt.
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất nhằm nạp đủ năng lượng cho cả ngày. Bữa sáng truyền thống của người Nhật thường được chuẩn bị đầy đủ các món tương tự bữa trưa hoặc tối nhưng khẩu phần ít hơn, thường không có dầu mỡ hay đồ chiên xào cho khỏi ngán. Thông thường set ăn sáng gồm: cơm, súp miso, cá nướng và vài món ăn kèm như rong biển khô, đậu nành lên men, salad…
Bữa trưa hoặc tối dù nhiều món ăn hơn nhưng khẩu phần mỗi món luôn nhỏ bởi người Nhật quan niệm thứ gì càng nhỏ càng có giá trị. Bằng cách chia nhỏ phần ăn, trang trí tinh tế, khéo léo giúp người ăn cảm nhận trọn vẹn dinh dưỡng trong thực phẩm, lại tốt cho dạ dày.
Người Nhật bám sát nguyên tắc ăn nhạt nhằm ngăn ngừa nhiều bệnh về tim mạch, giảm khả năng đột quỵ… Hầu hết món ăn đều có vị vừa phải, ưu tiên giữ lại hương vị tự nhiên của nguyên liệu tươi. Nước tương đậu nành thường dùng để chấm sashimi, sushi cũng nhạt hơn nhiều so với nước tương của các nước khác.
Cá là món ăn không thể thiếu trong ngày vì đây là loại thực phẩm ít chất béo, giàu omega-3 giúp tăng trí nhớ, đồng thời protein trong cá có lợi cho sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch. Vì thế ở Nhật, các chợ cá luôn đông khách, họ tiêu thụ khoảng 80% lượng cá ngừ vây xanh đánh bắt trên toàn thế giới.
Người Nhật đặc biệt ưa thích món ăn giàu đạm thực vật, trong đó đậu phụ hay món ăn chế biến từ đậu nành khá phổ biến ở xứ sở hoa anh đào. Protein nguồn gốc thực vật có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa ung thư vú, bệnh tim mà lại giàu dinh dưỡng.
Bữa ăn của người Nhật được nấu theo nguyên tắc ichiju-sansai (một món súp, ba món chính), trong đó súp và thực phẩm lên men là không thể thiếu. Đặc biệt, súp miso nấu từ đậu nành lên men và nước dùng dashi giúp tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột, tốt cho hệ tiêu hóa khiến bữa ăn ngon hơn.
Trái cây và rau xanh được coi trọng nhờ tác dụng chống oxi hóa, làm đẹp da và là một phần quan trọng trong chế độ ăn kiêng của người Nhật. Nhiều loại trái cây có giá đắt đến khó tin, chuyện một chùm nho có giá khoảng một triệu yen (220 triệu đồng) là không mấy lạ lẫm ở đất nước mặt trời mọc.
Cuối cùng, sử dụng chất béo có nguồn gốc lành mạnh như dầu ô liu, dầu cá, dầu đậu nành hay quả bơ giúp giảm cholesterol xấu trong cơ thể, đẩy lùi nguy cơ xơ vữa động mạch, quan trọng là gia tăng tuổi thọ nhờ khả năng làm giảm chất béo trung tính trong máu. Nhật Bản luôn là quốc gia đứng trong top những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
Theo : vnexpress.net