ĐHCĐ Đạt Phương: Dự kiến niêm yết HOSE trong tháng 5, doanh thu 2019 có thể tăng 50-60%
Đạt Phương đang hoàn thiện phần hạ tầng để chào bán các sản phẩm tại dự án Võng Nhi (Hội An) cho nhà đầu tư và dự kiến sẽ ghi nhận nguồn thu bất động sản từ năm sau.
Sáng 7/4, CTCP Đạt Phương (UPCoM: DPG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền đại hội.
ĐHĐCĐ DPG sáng ngày 07/04
Năm 2018, DPG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.996 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước. Lợi nhuận ròng hợp nhất dự kiến đạt 189 tỷ đồng, tăng trưởng 20%.
Trong đó, riêng công ty mẹ đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt 2.100 tỷ đồng và 180,7 tỷ đồng, tăng 5% và 25% so với năm trước. Công ty dự kiến cổ tức tỷ lệ 15-20% bằng tiền mặt.
Lý giải về việc doanh thu của công ty mẹ cao hơn so với doanh thu hợp nhất, ông Lương Minh Tuấn – Chủ tịch HĐQT của DPG cho biết, trong phần doanh thu hợp nhất phải loại bỏ đi một phần doanh thu của công ty mẹ thực hiện các dự án của các công ty thành viên và một số dự án bất động sản của công ty (mà DPG xây dựng phần thô). Vì vậy, doanh thu của công ty hợp nhất sẽ bị giảm, việc này cũng đã từng xảy ra trong năm 2017.
Riêng trong quý I, Đạt Phương dự kiến doanh thu hợp nhất khoảng 300 tỷ đồng.
Tập trung mảng xây lắp về công ty mẹ, tiếp tục triển khai dự án Sơn Trà 1C từ tháng 6
Đối với các công ty con, DPG cũng vạch ra những kế hoạch sản xuất chi tiết. Tại CTCP Sông Bung, năm 2018, doanh thu thuần dự kiến đạt 189,8 tỷ đồng, trong đó hoạt động kinh doanh bán điện mang về gần 113,6 tỷ đồng, chiếm 60% cơ cấu, phần còn lại đến từ mảng xây lắp. Lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 57,8 tỷ đồng.
Tại Công ty TNHH MTV Đạt Phương Sài Gòn, doanh thu thuần và lãi ròng mục tiêu đạt 66 tỷ đồng và 527 triệu đồng.
Ban lãnh đạo cho biết, định hướng trong thời gian tới, mảng xây lắp sẽ dần được chuyển về công ty mẹ, do đó doanh thu mảng này tại các công ty con như Sông Bung và Đạt Phương Sài Gòn cũng sẽ giảm dần.
Với CTCP 30-4 Quảng Ngãi, dự án thủy điện Sơn Trà 1A và Sơn Trà 1B dự kiến sẽ phát điện tổ máy 1 vào tháng 5 và tổ máy 2 vào tháng 6. Theo đó, công ty sẽ ghi nhận doanh thu thuần khoảng 155 tỷ đồng và lỗ nhẹ.
Chủ tịch HĐQT của DPG chia sẻ, nếu 2 dự án thủy điện của công ty chạy đủ 1 năm thì chắc chắn sẽ có lợi nhuận ngay, tuy nhiên trong 2018, các dự án vận hành vào cuối năm, trong đó các tháng 7,8,9 là những tháng mưa nên giá điện thấp, ảnh hưởng đến nguồn thu của công ty.
Ban lãnh đạo cũng tính đến phương án an toàn, nếu điều kiện thuận lợi thì công ty có thể đạt kết quả tốt hơn tại CTCP 30-4 Quảng Ngãi và toàn bộ mảng thủy điện, điều này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài.
Năm 2017 là kỳ bội thu của các doanh nghiệp thủy điện không chỉ với DPG mà cả các doanh nghiệp thủy điện khác nhờ nguồn nước, lượng mưa thuận lợi. Điều này vẫn có thể đạt được trong 2018 nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Mặt khác năm nay EVN cũng đã niêm yết giá điện mới tăng 2%, đây cũng là một yếu tố tốt. Trong quý I, DPG ước tính ghi nhận doanh thu bán điện khoảng 36 tỷ đồng.
Về kế hoạch mở rộng mảng thủy điện, lãnh đạo DPG cho hay, công ty đã nhận được quyết định đầu tư dự án thủy điện Sơn Trà 1C, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6, sau khi 2 nhà máy 1A và 1B đi vào hoạt động. Hiện nay, công ty đã hoàn thành đủ điều kiện thủ tục và đang giải phóng mặt bằng.
Đối với việc tìm kiếm dự án mới, hiện ngành thủy điện hoạt động rất tốt với biên lợi nhuận/doanh thu tương đối cao, do đó nhiều doanh nghiệp cũng nhắm tới, khiến tìm suất dự án rất khó, mặt khác giá chuyển nhượng dự án lại cao. Ban lãnh đạo sẽ tiếp tục nghiên cứu và có lựa chọn phù hợp.
Bắt đầu ghi nhận bất động sản, doanh thu 2019 ước tăng 50-60%
Trong mảng bất động sản, năm nay, các dự án vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng nên chưa có doanh thu và lợi nhuận, dự kiến sẽ bắt đầu ghi nhận từ 2019.
Theo kế hoạch, công ty sẽ mở bán đợt 1 của Khu đô thị Võng Nhi (15,6ha) vào tháng 6. DPG sẽ duyệt xong giá đất vào tháng 4 và thi công xong toàn bộ hạ tầng, nhà club house, nhà mẫu, thi công phần thô để sẵn sàng mở bán.
Dự án Võng Nhi sẽ gồm biệt thự song lập, shophouse và các biệt thự đơn lập, có bến du thuyền, đây là dòng sản phẩm khác biệt của công ty mà không xuất hiện nhiều trên thị trường.
Về số lượng mở bán, HĐQT sẽ chia đợt và số lượng bán từng đợt sẽ do ban lãnh đạo quyết định nhằm đảm bảo tính thị trường và thu về hiệu quả lớn nhất cho công ty. DPG vẫn đang hoàn thiện phần thô hạ tầng vào tháng 7 và triển khai xây dựng nhà cửa, xây thô mặt ngoài để chào bán cho các nhà đầu tư.
Tại dự án khu đô thị Đồng Nà (6ha) và 2 dự án khác là khu đô thị Cồn Tiến (30ha) và khu dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (183ha), công ty sẽ tiến hành giải phóng cơ bản mặt bằng dự án, duyệt xong toàn bộ hồ sơ thiết kế hạ tầng và giá đất trong năm 2018.
Ban lãnh đạo DPG cho biết, hiện nay quỹ đất của công ty có thể đảm bảo cho kế hoạch phát triển bất động sản trong 10 năm. DPG sẽ triển khai theo hình thức cuốn chiếu, thực hiện các dự án “gối đầu” nhau do đó việc vay nợ cũng sẽ không tạo áp lực tài chính và hoạt động của công ty được ổn định.
Về định hướng, DPG không muốn chuyển nhượng bất động sản, ngoại trừ dự án Nồi Rang đã có cam kết với nhà đầu tư từ trước. Khi nào xây xong phần thô, dự án Nồi Rang sẽ đủ điều kiện để chuyển nhượng. Năm 2018, công ty cũng sẽ không có doanh thu chuyển nhượng dự án.
Sang năm 2019, doanh thu của công ty có thể tăng trưởng 50-60% nhờ ghi nhận thêm doanh thu từ mảng bất động sản. Định hướng đến năm 2020, mảng này sẽ đóng góp nguồn thu chính trong cơ cấu của công ty.
Năm 2017, DPG đạt doanh thu thuần 1.410 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày công ty thu về gần 4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 191 tỷ đồng, tăng 40% so với 2016 và vượt 4% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận ròng của công ty mẹ đạt hơn 157,6 tỷ đồng, tăng trưởng 30%. EPS đạt 5.277 đồng, tăng 30% so với năm trước.
Chuyển sàn trong tháng 5, tiếp tục lộ trình nới room
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh khai thác đá, cát sỏi, đất sét và rút ngành nghề mã 5510 (dịch vụ lưu trú ngắn ngày: khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; không bao gồm kinh doanh quán bar, phòng hát karaoke, vũ trường), mã 4610 (đại lý, môi giới, đấu giá) và mã ngành 0899 (khai khoáng khác, khai thác đá xây dựng).
Liên quan đến vấn đề bỏ ngành nghề kinh doanh, Chủ tịch HĐQT của DPG chia sẻ, để đáp ứng việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty quyết định loại bỏ những ngành nghề bị hạn chế theo quy định để giải quyết thủ tục đơn giản hơn.
Về việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo cho biết, công ty vẫn đang làm thủ tục nới room và chỉ sau khi niêm yết cổ phiếu lên HOSE dự kiến trong tháng 5 thì mới tính đến chuyện tìm nhà đầu tư.
Đại hội cũng đã tiến hành bầu bổ sung 1 thành viên BKS nhiệm kỳ 2016-2021 là ông Vũ Văn Phi, sau khi bà Lê Thị Hà có đơn xin từ chức trước đó.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng được thông qua việc thay đổi địa chỉ trụ sở về tầng 15, tòa nhà Handico, khu đô thị mới Mễ trì Hạ, dự kiến vào cuối tháng 4.
Theo Phan Tùng
NDH