Chủ động trước “sóng” tỷ giá

Sau khoảng một năm ổn định, diễn biến hết quý I/2018 cho thấy, tỷ giá USD đã tăng gần 0,4% so với cuối năm 2017.

Tỷ giá lên cao

Có thể thấy, diễn biến tỷ giá VND và USD trong thời gian sau tết Nguyên đán đã tăng lên cao nhất trong hơn một năm qua. Theo đó, tỷ giá USD đã liên tục có những bước tăng đáng kể, khoảng gần 100 đồng cho mỗi USD khi giao dịch tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do. Tính trung bình tới đầu tháng 4, tỷ giá tuy có lúc tăng lúc giảm nhưng đang được giao dịch quanh mức 22.750-22.850 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng so với mức 22.650-22.730 VND/USD (mua vào – bán ra) của những ngày đầu tháng 1/2018.

Diễn biến tăng mạnh của USD có nguyên nhân chủ yếu đến từ biến động của kinh tế thế giới, từ việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Ngoài ra, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, tỷ giá USD tăng do áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng, nhu cầu ngoại tệ cao khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục gia hạn cho phép các ngân hàng thương mại cho các DN vay XK bằng ngoại tệ để có lãi suất thấp. Do vậy, tỷ giá tăng thời gian qua là một xu hướng tất yếu khi có nhiều yếu tố kết hợp tác động theo chiều hướng đi lên.

Từ những diễn biến nêu trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, tỷ giá USD/VND trong năm 2018 tăng nhẹ ở mức 1,5-2%, tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng XK của Việt Nam. Ngoài ra, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tỷ giá có thể tăng từ 1-3% do còn nhiều ẩn số tác động từ tình hình kinh tế quốc tế và Việt Nam, nhất là khi USD tăng giá thì nhu cầu về USD sẽ càng tăng lên, tạo thành áp lực ngoại tệ cho thị trường ngoại hối.

Đề phòng trước tỷ giá

Nhìn chung, tình hình thanh khoản về tỷ giá trên thị trường và các ngân hàng thương mại vẫn khá ổn định, không có dấu hiệu căng thẳng. Nguyên nhân bởi thanh khoản toàn hệ thống vẫn được hỗ trợ rất lớn từ việc NHNN mua lượng lớn ngoại tệ và cung ứng ròng khoảng 70 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2018. Nhờ đó, các DN cho biết việc mua – bán ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường bởi tỷ giá không tăng mạnh trong thời gian ngắn mà trải dài theo cả tháng. Nhưng áp lực từ việc USD tăng giá cũng gây không ít lo ngại cho DN, nhất là các DN NK nếu tình hình còn diễn biến trong thời gian dài nữa. Không những thế, tỷ giá tăng có thể ảnh hưởng tới các DN đang vay vốn bằng USD, nhất là với các DN vay vốn bằng lãi suất thả nổi, bởi tỷ giá tăng lên bao nhiêu % thì chi phí vốn của DN sẽ tăng lên con số tương ứng.

Tỷ giá tăng hay giảm với biên độ lớn đều ít nhiều có tác động tới hoạt động của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Dù kết quả tăng trưởng kinh tế quý I của Việt Nam rất khả quan, nhưng những mối nguy trong đó có biến động tỷ giá rất cần những biện pháp phòng tránh hữu hiệu. Theo đó, DN phải tăng tính chủ động trước tỷ giá bằng các kế hoạch kinh doanh, biện pháp thanh toán, công cụ tài chính, trong đó có công cụ tỷ giá phái sinh.

Một điều đáng mừng là dù nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn chủ yếu sử dụng tỷ giá giao ngay, nhưng số lượng giao dịch tỷ giá phái sinh đã có sự quan tâm đáng kể. Nhờ đó, trong năm 2017, các giao dịch hoán đổi ngoại tệ (giao dịch mà DN thực hiện đồng thời hai giao dịch, một giao dịch giao ngay để mua/bán một lượng ngoại tệ và một giao dịch kì hạn để bán/mua chính lượng ngoại tệ đó trong tương lai) tại các ngân hàng thương mại đã có sự tăng lên rõ rệt. Tiêu biểu, tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), giá trị giao dịch hoán đổi ngoại tệ đã tăng từ hơn 52.520 tỷ đồng vào năm 2016 lên hơn 112.757 tỷ đồng vào năm 2017; Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) tăng từ hơn 27.200 tỷ đồng lên hơn 63.600 tỷ đồng… các ngân hàng khác từ nhỏ đến lớn cũng đều có mức tăng tới 2-3 lần so với năm 2016.

Kết quả trên cho thấy, các DN đã ngày càng quan tâm hơn đến việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá và giảm chi phí vốn khi hoạt động thanh toán ngoại tệ được các ngân hàng hỗ trợ thuận lợi hơn. Mặc dù các cơ quan quản lý luôn đưa ra cam kết sẽ điều hành thị trường ổn định, nhưng hiện tỷ giá ngoại tệ trong nước đã đi theo quy luật thị trường nên những biến động bất ngờ vẫn tiềm ẩn xảy ra. Do đó, sự chủ động của DN và các cơ quan điều hành là điều cần thiết để tránh những hệ lụy khi tỷ giá không còn “lặng im” như trước.

Mặc dù diễn biến thị trường ngoại hối tăng mạnh vào quý I, song dự báo tình hình cả năm 2018, các chuyên gia vẫn đặt nhiều niềm tin vào các biện pháp kiểm soát ngoại tệ của NHNN.

Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC Việt Nam dự báo, đến cuối năm 2018 tỷ giá VND/USD sẽ kết thúc ở mức 22.900 đồng/USD, nhưng nhìn chung là ổn định bởi những biến động của thị trường đã được dự báo với tầm nhìn dài hạn nên sẽ tránh được những cú sốc bất ngờ. Ngoài ra, tỷ giá còn được hỗ trợ khi NHNN có đủ nguồn ngoại tệ dự trữ lên tới khoảng 60 tỷ USD để điều tiết khi cần thiết, dòng vốn nước ngoài tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam, cán cân thương mại trong quý I đã nghiêng về xuất siêu lên tới 1,3 tỷ USD.

Theo Hương Dịu

Báo hải quan

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…