Sau lên sàn, TPBank còn những "tham vọng" gì?
“Tân binh” TPBank chào sàn sẽ có giá đắt thứ 7 trong nhóm ngân hàng hiện nay.
Cổ phiếu ngân hàng trở thành những từ khóa “hot” trên thị trường suốt hơn 1 năm qua. Với “ngôi vua” trở lại, cổ phiếu ngân hàng đã dẫn dắt thị trường, góp phần quan trọng đưa chỉ số VNIndex vượt đỉnh lịch sử trong những ngày đầu tháng 4 này.
Chính bởi thị trường thăng hoa nên nhiều ngân hàng đã có thêm động lực đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chính thức. Sau “hiện tượng” VPBank và HDBank, ngày 19/4 tới đây thị trường sẽ đón nhận thêm 555 triệu cổ phiếu của TPBank lên niêm yết trên HoSE. Và sau TPBank, có lẽ sẽ đến lượt OCB khi ngân hàng này cũng đã thống nhất kế hoạch niêm yết trong năm nay. VIB cũng đã được cổ đông thông qua chuyển từ sàn UpCOM lên HoSE tại đại hội cổ đông của ngân hàng hôm 29/3, và cổ đông của Techcombank cũng đang trông chờ đến ngày được “bung lụa” như VPBank và HDBank.
Trong số các ngân hàng đã và sắp lên sàn thì TPBank đang là ngân hàng có quy mô nhỏ thứ 2 (sau NVB của Ngân hàng Quốc Dân), với vốn chủ sở hữu chỉ hơn 5.800 tỷ đồng và tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên với mức giá 32.000 đồng, TPBank sẽ có vốn hóa xếp thứ 8 trong số 11 ngân hàng đã niêm yết với hơn 17.760 tỷ đồng tương đương khoảng 781 triệu USD, và sẽ là cổ phiếu ngân hàng có giá cao thứ 7 sau Vietcombank, VPBank, BIDV, ACB, HDBank và MB.
Vốn hóa ít nhất 1 tỷ USD
Trả lời trên truyền thông mới đây, ông Đỗ Minh Phú chủ tịch TPBank cho biết ông hi vọng vốn hóa của TPBank sẽ đạt ít nhất 1 tỷ USD vào quý 4 năm nay. Như vậy nếu đạt được mục tiêu đó thì cổ phiếu TPBank cũng phải tăng ít nhất là 30% so với giá lên sàn. Đây là con số không quá khó khăn nếu so với diễn biến thị trường chứng khoán từ nửa sau năm 2017 tới nay, tuy nhiên sẽ là mục tiêu quá lớn với bất kỳ cổ phiếu nào nếu bản thân doanh nghiệp đó ít sức hút với nhà đầu tư.
Còn TPBank thì sao, có đủ sức hấp dẫn?
Ngân hàng Tiên Phong với tiền thân là Tienphongbank – 1 trong số 9 ngân hàng yếu kém âm vốn bị buộc phải tái cơ cấu cách đây 6 năm – hẳn đã gây bất ngờ với nhiều người khi chỉ qua một thời gian ngắn ngủi như vậy đã bứt phá với tốc độ như ngày hôm nay. Sau khi được nhóm cổ đông của anh em nhà ông Đỗ Minh Phú (nhóm DOJI) rót vốn, Tienphongbank đã “thoát xác” thành một hình ảnh hoàn toàn mới là TPBank vào năm 2013. Đến hết quý 1/2017, ngân hàng đã khắc phục được hoàn toàn lỗ lũy kế và thặng dư âm vốn cổ phần, rồi sau đó ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 1.200 tỷ trong năm 2017.
Cùng với kinh doanh tốt, ngân hàng này cũng được đánh giá là kiểm soát tốt về chất lượng tín dụng khi tỷ lệ nợ xấu 3 năm gần đây chỉ ở mức trên dưới 1%. Và nhờ vậy, TPBank được các nhà đầu tư đánh giá khá cao. Hồi cuối năm 2016, tổ chức IFC đã bỏ ra khoảng 403 tỷ đồng tương đương hơn 18 triệu USD để mua 5% vốn của TPBank thì đến đúng một năm sau quỹ PYN Elite Fund phải bỏ gấp hơn 2 lần số tiền đó (40 triệu USD) để được sở hữu 5% vốn ở TPBank. Trên sàn OTC, giá cổ phiếu TPB được các nhà đầu tư liên tục đẩy lên cao, từ mức giá quanh vùng 13.000 – 15.000 đồng hồi đầu năm ngoái đến trước khi lên sàn đã gần 30.000 đồng.
Với những nền tảng như vậy thì việc ông chủ tịch ngân hàng hi vọng giá cổ phiếu tăng thêm 30% từ nay đến cuối năm có lẽ cũng không quá khó khăn để trở thành hiện thực. Dẫu vậy tất cả vẫn còn ở phía trước, hôm nay cổ phiếu 30.000 đồng nhưng vài tháng sau giá lên 45.000 – 50.000 hay về 15.000 – 20.000 đều phải chờ thị trường quyết định.
Tăng gấp đôi vốn chủ sở hữu, lợi nhuận lọt top 10
Trong bản cáo bạch mới được công bố, TPBank có kế hoạch sẽ nâng vốn chủ sở hữu lên trên 10.000 tỷ đồng trong năm nay và vượt 12.000 tỷ đồng trong năm 2019, tức cao gấp gần 2 lần so với mức vốn hiện nay. Nếu đạt con số này thì TPBank sẽ lọt vào nhóm các ngân hàng có vốn tầm trung.
Để tăng được vốn chủ sở hữu, ngân hàng dự định nâng vốn điều lệ từ 5.840 tỷ đồng lên đến 8.500 tỷ đồng (tương đương 372 triệu USD) ngay trong năm nay thông qua các đợt phát hành cổ phiếu, bao gồm chào bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư thông qua đợt phát hành riêng lẻ và chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 28% cho cổ đông. Năm 2019, ngân hàng cũng sẽ có kế hoạch tăng vốn tiếp, trong đó có tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức 12%.
Cùng với tăng vốn, ngân hàng đã đề ra kế hoạch tăng 66% lợi nhuận năm nay, từ mức 963 tỷ lên 1.600 tỷ (lợi nhuận sau thuế) và vượt 2.000 tỷ trong năm sau. Nếu đạt được con số này thì lợi nhuận của TPBank sẽ nằm trong nhóm 10 ngân hàng có lãi tốt nhất và hiệu quả hoạt động tốt nhất.
Muốn giữ số 1 về ngân hàng số
Ngoài các con số có thể đo đếm được, không thể phủ nhận rằng Ngân hàng Tiên Phong đã đi tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng số tính đến thời điểm này. Với việc cho ra đời Livebank, là phương thức giao dịch trực tuyến 24/7 đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2017, TPBank đang được đông đảo người dùng đánh giá cao về dịch vụ ngân hàng số. Tại thời điểm cuối năm 2017, môt số tổ chức quốc tế cũng đã ghi nhận đây là ngân hàng số xuất sắc nhất Việt Nam. Và mục tiêu của ngân hàng này đề ra hiện nay vẫn tiếp tục là đứng đầu về ngân hàng số.
Tuy nhiên cùng với TPBank thì cũng có hàng loạt các ngân hàng đang chú trọng phát triển ngân hàng số và muốn chiếm lĩnh vị trí số một.
Chẳng hạn MB cho biết đang đầu tư phát triển ngân hàng số theo đúng nghĩa của nó, là để đem lại sự thuận tiện nhất cho người dùng. Theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng này, MB muốn làm ngân hàng số mà không bắt người dùng phải đến tận ngân hàng để thực hiện các giao dịch như một số ngân hàng được gọi là ngân hàng số như hiện nay.
Tương tự, VIB cũng có kế hoạch phát triển mạnh hơn nữa mảng ngân hàng số trong thời gian tới để đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và đem lại sự tiện dụng nhất cho người dùng, phát triển song song cùng với ngân hàng truyền thống.
Hay như LienVietPostBank đang sở hữu Ví Việt – là sản phẩm thanh toán và có chức năng cơ bản của một ngân hàng số bao gồm gửi tiền và vay tiền online – cũng tiết lộ kế hoạch sẽ đầu tư mạnh để phát triển Ví Việt thành một ngân hàng số của ngân hàng này, là một trong hai trụ cột đưa Liên Việt trở thành ngân hàng của mọi nhà và ngân hàng bán lẻ hàng đầu.
Còn nhiều hơn nữa các nhà băng cũng đang chú trọng ngân hàng số và muốn tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để phát triển và để chiếm lĩnh thị trường. Tiên phong không có nghĩa luôn là người đứng đầu và dẫn đầu, đặc biệt là trước các ngân hàng có tiềm lực mạnh, có nền tảng vững chắc và lợi thế nhiều như các ngân hàng kể trên, thì tham vọng số 1 về ngân hàng số của TPBank cũng không dễ dàng.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ