Tăng phi mã, cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”?

Trao đổi với BizLIVE, các chuyên gia chứng khoán, tài chính, ngân hàng đều nhận định cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá quá nhanh trong những tháng đầu năm 2018.

Giá cổ phiếu nhiều ngân hàng đã tăng rất mạnh và vẫn ngự trị ở mức cao, chưa có dấu hiệu điều chỉnh. Thị trường chứng khoán vẫn đang lên điểm, chỉ số VN-Index đã vượt mốc lịch sử 1.171 điểm (năm 2007) và đạt 1.174 điểm.

Cổ phiếu VIB, BID lọt top “phi mã”

Tính từ thời điểm cuối năm 2017 đến hết quý I/2018, thị giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng được coi là cổ phiếu “vua” liên tục đạt mức tăng trưởng kỷ lục.

Nếu tính trong vòng 01 năm qua (từ thời điểm quý I/2017 – quý I/2018), giá cổ phiếu nhiều ngân hàng niêm yết trên sàn tăng ngoạn mục với thị giá tăng 1-1,5 lần như: BID, VIB, MBB, NVB, VCB.

Tăng phi mã, cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”? - Ảnh 1.

Nguồn: HSX, HNX

Tuy nhiên, nếu tính hết quý I/2018, thị giá ngân hàng tiếp tục tăng “phi mã”. Đặc biệt, chỉ trong vòng 03 tháng đầu năm nay thị giá cổ phiếu VIB đang dẫn đầu tăng giá trên sàn niêm yết khi tăng tới 75% lên mốc 40.500 đồng/cổ phần, đuổi theo sát nút là BID tăng 70% lên mốc 43.400 đồng/cổ phần. Tốc độ tăng giá của 2 cổ phiếu này chỉ trong 1 quý đầu năm 2018 đã đạt tới một nửa tốc độ tăng giá nỗ lực trong vòng cả năm qua.

Tiếp đến là nhóm cổ phiếu có tốc độ tăng giá 40% trong 3 tháng qua, gồm: SHB, VCB, CTG và NVB.

Trong nhóm tăng giá “phi mã” không có STB và EIB, nhưng vẫn theo đà thị trường cũng như đà tăng giá của nhóm ngành ngân hàng, STB và EIB cũng đạt được tốc độ tăng hơn một nửa chỉ trong vòng 3 tháng so với tốc độ tăng cả năm qua, tương ứng là 21% và 11%.

Với mức tăng giá rất nhanh đưa thị giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng lên mức trên “4 chấm”, như: BID, VIB, ACB, VCB.

Trên sàn niêm yết còn 2 tân binh là VPB cũng đạt mức tăng giá rất mạnh gần 60% từ mức 41.000 đồng lên mức 64.500 đồng và HDB tăng 16% từ mức 39.600 đồng lên mức 45.600 đồng chỉ trong vòng 03 tháng đầu năm nay.

PE cổ phiếu ngân hàng vượt trội so mức chung thị trường

Kết thúc năm 2017, tỷ lệ vốn hóa/GDP của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức 70,2%, kỳ vọng quy mô vốn hóa thị trường sẽ đạt mức 82%/GDP năm 2018.

Theo báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018, CTCK KB Việt Nam (MSI), định giá PE trailing 4 quý gần nhất của VN-Index đạt 21 lần, vượt xa chỉ số chính tại thị trường các nước tương đồng như Pakistan 8 lần, Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan 17-19 lần và gần tiệm cận với mức PE cao nhất của các thị trường như Indonesia, Philippines, và Ấn Độ từ 23-25 lần.

Dự đoán, hệ số PE (giá cổ phiếu/thu nhập mỗi cổ phiếu) chung của VN-Index đang có xu hướng tiến gần về mức cao nhất lịch sử năm 2007 là 24 lần, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Theo đó, dự báo chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất trong năm 2018 ở mức 1.250 điểm, tương ứng mức tăng trưởng 22%.

Ngành ngân hàng đã dẫn dắt thị trường chứng khoán trong thời gian qua khi dấu hiệu cho thấy đã có cổ phiếu đạt mức PE là 27,9 lần thuộc về mã VCB của Vietcombank, tính đến hết quý I/2018.

Tăng phi mã, cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”? - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính của các NHTM, HSX, HNX, tổng hợp.

Cũng cho đến thời điểm này, chỉ số PE của cổ phiếu STB, ACB và EIB đều ở mức rất cao, lần lượt là 23,8 lần, 23,9 lần và 20,9 lần. Tiếp đến là nhóm có chỉ số PE từ 10-13 lần gồm: MBB, BID, CTG và VIB.

Điều đặc biệt chú ý là Sacombank và Eximbank có chỉ số PE gần ngang ngửa ACB nhưng chỉ số EPS ( lợi nhuận trên mỗi cổ phần) lại chỉ bằng 1/3 và ở mức gần 700 đồng so với mức 1.953 đồng của ACB.

Đáng chú ý nữa là chỉ số PE của cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV tăng ngoạn mục trong nhóm khi PE cuối năm 2017 là 12,6 lần thì hết quý I/2018 đã lên mức 21,5 lần.

Mặc dù VPB là cổ phiếu có EPS cao nhất nhóm và đạt 4.300 đồng nhưng chỉ số PE lại ở mức thấp hơn nhiều và chỉ đạt 9,5 lần so với các mã cổ phiếu ngân hàng khác. Ngay cả SHB cũng có PE chỉ ở mức 7,2 lần.

Cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”?

Trao đổi với các phóng viên BizLIVE, các chuyên gia chứng khoán, tài chính, ngân hàng đều nhận định cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá quá nhanh trong những tháng đầu năm 2018.

Cổ phiếu ngân hàng đang dẫn dắt thị trường

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng điểm trong 3 năm qua, nhưng tốc độ tăng nhanh và mạnh nhất là trong năm 2017 và đầu năm 2018. Đặc biệt, từ cuối năm 2017 đến nay nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dẫn dắt thị trường. Trong nhiều phiên, số lượng mã chứng khoán giảm đánh bật số lượng mã tăng, nhưng chỉ số VN-Index vẫn tăng điểm nhờ công rất lớn của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Tăng phi mã, cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”? - Ảnh 3.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Việt Nam: ” VN-Index vẫn tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng”.

Ông Phan Dũng Khánh cho rằng với mức tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong 01 năm qua không có gì bất thường nhờ vào sự tăng trưởng của về quy mô, doanh thu, lợi nhuận của nhóm này. Điều đáng lo ngại, trong những tháng đầu năm 2018, thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng rất nhanh, mức tăng có sự chênh lệch giữa các cổ phiếu. Chẳng hạn, những ngân hàng nhỏ nhưng nhờ lên sàn đúng thời điểm có giá cao hơn hẳn so với các ngân hàng lớn và lâu đời hoặc có kết quả kinh doanh tốt hơn.

“Nếu điều này diễn biến lâu dài có thể tạo tác động xấu lên ngành hoặc ít nhất sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ trong nhóm trong thời gian tới khi mà chỉ những ngân hàng có nền tảng vững chắc sẽ duy trì đà tăng trưởng tạo khoảng cách với nhóm còn lại”, ông Phan Dũng Khánh nói.

Đồng tình quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá mạnh trong thời gian qua. Cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu dầu khí đã dẫn dắt thị trường, VN-Index vượt điểm lịch sử 1.171 điểm năm 2007 và lên mức 1.174 điểm kết thúc quý I/2018.

Tăng phi mã, cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”? - Ảnh 4.

 TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng: “Giá cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng mạnh có lẽ là điều không hoàn toàn phù hợp với thị trường”.

“Giá cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng mạnh bất chấp những thiếu sót, yếu kém bộc lộ trong những tháng đầu năm nay, đây có lẽ là điều không hoàn toàn phù hợp với thị trường. Bởi với một tình trạng hệ thống ngân hàng có nhiều lỗi như thế đáng lẽ cổ phiếu ngân hàng bị tác động mạnh theo chiều đi xuống thì ngược lại cổ phiếu ngân hàng vẫn dẫn dắt thị trường”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Vicente Nguyễn, Giám đốc công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital (Vietnam) Ltd., rất khó để nói thị trường phản ứng thái quá hay không, bởi một số ngân hàng có kết quả kinh doanh rất ấn tượng, tăng trưởng vượt bậc như: ACB, VPBank. Điều đó dễ hiểu tại sao giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh.

Hơn nữa, ở góc độ đầu tư, khi một lượng tiền lớn đổ vào, các quỹ cần tìm chỗ giải ngân tốt, cổ phiếu ngân hàng thường có vốn hóa lớn nên được ưu tiên, các ngân hàng có kết quả tốt lại càng được phân bổ nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng theo làn sóng đó mà tăng theo bất chấp định giá khá cao, P/E hơn 25 lần thì lúc đó sẽ trở thành rủi ro cho chính nhà đầu tư nếu ngân hàng đó không có mức tăng lợi nhuận tương ứng.

Tăng phi mã, cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”? - Ảnh 5.

Ông Vicente Nguyễn, Giám đốc công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital (Vietnam) Ltd.: “Cổ phiếu ngân hàng thường có vốn hóa lớn nên được các quỹ ưu tiên đổ tiền vào”.

Đồng quan điểm với ông Vicente Nguyễn, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, cũng cho rằng không có gì thái quá khi thị trường đang rất hứng khởi với cổ phiếu ngân hàng. Sự hứng khởi này xuất phát từ kết quả lợi nhuận năm 2017 và triển vọng nửa đầu năm 2018 cũng như tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng. Thông tin hỗ trợ nữa từ kết quả tái cơ cấu nợ xấu xuất phát từ Nghị quyết 42 của Quốc hội cho phép các ngân hàng chủ động hơn trong xử lý nợ xấu.

Tăng phi mã, cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”? - Ảnh 6.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam: ” Không có gì thái quá khi thị trường đang rất hứng khởi với cổ phiếu ngân hàng”.

Theo ông Phan Lê Thành Long, sự tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng lần này rất khác so với giai đoạn 2006 – 2007. Thứ nhất, lần này sẽ có ít rủi ro từ hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như năm 2008 khiến kinh tế vĩ mô có những đợt lạm phát lớn năm 2009 và lạm phát tăng mạnh năm 2011 sau khi Chính phủ có gói kích.

Thứ hai, sẽ có ít rủi ro về một cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản khiến nợ xấu tăng mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều tiết nguồn cung tín dụng một cách hợp lý vào thị trường bất động sản để giảm thiểu những rủi ro khủng hoảng gây hệ lụy lớn đến khối ngân hàng. Theo đó đợt tăng trưởng giá cổ phiếu nhóm ngân hàng lần này có tính bền vừng cao hơn giai đoạn 2006-2007. Hơn nữa, tốc độ biến động giá cổ phiếu ngân hàng lần này thấp hơn nhiều so với giai đoạn cách đây hơn 10 năm.

Ông Vicente Nguyễn, cũng nhận định giá cổ phiếu ngân hàng tăng trong giai đoạn 2017-2018 không tương đồng với giai đoạn 2006 – 2007. Vì quy mô ngân hàng tăng rất nhiều lần sau hơn 10 năm, nguồn vốn của ngân hàng cũng cải thiện đáng kể, mạng lưới được mở rộng, tính an toàn cũng tăng cao hơn. Thời điểm năm 2007, cổ phiếu tăng phi mã bất chấp ngân hàng làm ăn được hay không.

Thời điểm đó hiểu biết của nhà đầu tư nội còn hạn chế, sau hơn 10 năm họ đã kinh nghiệm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, dù có ở thị trường nào, lớn hay bé, tâm lý vẫn là một yếu tố lớn bị chi phối. Lòng tham và sự sợ hãi sẽ chi phối thị trường. Lúc lòng tham trỗi dậy, giá cổ phiếu một lần nữa sẽ bùng nổ, bong bóng được tạo ra, nổ và xẹp.

Cơ hội đầu tư cổ phiếu “vua” có còn?

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, có hai điều nhà đầu tư nên nắm rõ. Thứ nhất, kết quả kinh doanh của ngân hàng thể hiện trên báo cáo tài chính có nhiều mảng chưa được rõ ràng, minh bạch như: nợ xấu, các khoản phải thu… Thứ hai, lợi nhuận trên sổ sách có thể phải điều chỉnh để đưa đến lợi nhuận thực tế. Do đó, ngân hàng công bố lợi nhuận cao đã ngay lập tức “đẩy” giá cổ phiếu tăng cao, nhưng còn phải chờ kiểm toán để có con số lợi nhuận chính xác hơn.

Tăng phi mã, cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”? - Ảnh 7.

Nguồn: Báo cáo tài chính của các NHTM.

Với những chỉ số khai thác tài sản (ROA) và khai thác nguồn vốn (ROE) của nhóm ngành ngân hàng đã cho thấy sức hút cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua và hiện cũng đang rất nóng. Tuy nhiên, cổ phiếu này còn tăng giá nữa không khi nợ xấu ngân hàng và việc xử lý nợ xấu chưa thực sự triệt để vẫn treo lơ lửng trên đầu ngân hàng và các cổ đông.

Theo ông Vicente Nguyễn, Giám đốc công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital (Vietnam) Ltd., nợ xấu của các ngân hàng Việt nhiều khoản vẫn nằm trên sổ sách, chưa thực sự giải quyết triệt để. Các bút toán kế toán có khả năng che giấu các khoản nợ xấu hoàn hảo. Nếu để biết được đâu là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp phải xem vào các tiêu chuẩn giải ngân tín dụng của ngân hàng.

Còn ông Phan Lê Thành Long cho rằng các ngân hàng cần phải có kế hoạch xử lý dứt điểm về chất các khoản nợ xấu trước đây và kiểm soát nguy cơ nợ xấu phát sinh từ tăng trưởng tín dụng nhanh gần đây. Hiện tại, trên báo cáo tài chính của một số ngân hàng vẫn còn những khoản nợ xấu rất lớn được “khoanh” theo những cơ chế đặc biệt. Những khoản này cần được xử lý dứt điểm thay vì xử lý một cách hình thức là tạm để ra một chỗ cho mục đích làm sạch bảng cân đối kế toán.

Tăng phi mã, cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”? - Ảnh 8.

Nguồn: Báo cáo tài chính của các NHTM.

Tuy nhiên, ông Phan Lê Thành Long cũng cảnh báo những rủi ro đối với ngân hàng vẫn còn tồn tại. Chất lượng tăng trưởng tín dụng sẽ là một vấn đề cần lưu tâm. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng dường như “được ép” nhằm đạt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Như thế, hệ luỵ của nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong một hai năm tới. Tài sản khối ngân hàng đã và đang dịch chuyển sang mảng bán lẻ và tiêu dùng. Hai mảng này sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi kinh tế vĩ mô, yếu tố sẽ tác động lớn đến tiêu dùng.

Một điểm nữa tưởng chừng có ảnh hưởng rất thấp là nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Nhưng thực tế, cuộc chiến này có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt về tỷ giá trong trường hợp Trung Quốc bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ, và coi đó vũ khí trong cuộc chiến này.

“Săn” cổ phiếu lên sàn?

Năm 2018, sẽ có nhiều cổ phiếu niêm yết trên sàn như: TPBank, OCB, ABBank, Techcombank, Maritimebank, Seabank, Saigonbank, NamABank, VietABank…

Theo ông Phan Dũng Khánh, các nhà đầu tư “săn” cổ phiếu lên sàn nhiều khả năng sẽ gặp rủi ro lớn khi nhóm này đã có thời gian tăng quá dài với mức tăng lớn, nếu không chọn được thời điểm và giá tốt có thể thua lỗ.

“Chẳng hạn, nhiều cổ phiếu “ông lớn” IPO gần đây trong ngành dầu khí như BSR (Công ty TNHH MTV Lọc – Hóa dầu Bình Sơn), POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, OIL (Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty TNHH MTV)… khi niêm yết trên sàn chỉ mang lại lợi ích cho những nhà đầu tư trúng đấu giá ở vùng giá thấp, những nhà đầu tư mua trên sàn sau đó hầu như chưa ai có lời”, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ.

Theo H.TRÂM – H.QUÂN – T.THÚY – L.ANH

BizLive

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…