FLC Faros trả cổ tức 20%, đặt mục tiêu doanh thu 5.500 tỷ đồng năm 2018

Hiện tại, FLC Faros là nhà thầu thi công 60 dự án và là chủ đầu tư ít nhất vào 13 dự án, mỗi dự án có quy mô lớn trên hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ nợ ngân hàng 700 tỷ đồng.

Ngày 2/4/2018 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros đã tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên, với việc thông qua tất cả tờ trình. Đặt mục tiêu doanh thu ở mức 5.500 tỷ đồng trong năm 2018, đại hội cũng thông qua việc chi trả cổ tức 20% cho các cổ đông và nâng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng hơn 80%, vượt 44% kế hoạch

Trong năm 2017, FLC Faros hoạt động tốt tổng thầu thi công, các dự án do công ty làm chủ đầu tư đều đã hoàn thiện pháp lý và bước sang giai đoạn triển khai.

Một số dự án đầu tư tiêu biểu đã và đang được FLC Faros thực hiện như: dự án khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Hải Ninh, tỉnh Quảng Bình (diện tích 74,9 ha, tổng vốn đầu tư 2.199 tỷ đồng); dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng học viện golf tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (Diện tích 19,82 ha, tổng vốn đầu tư 892 tỷ đồng); dự án khu sinh thái biển huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa (diện tích 330 ha); dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái FLC Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định (diện tích 120 ha, tổng vốn đầu tư 486 tỷ đồng); dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng tại đảo Ngọc Vừng, tỉnh Quảng Ninh (tổng giá trị đầu tư xấp xỉ 10.000 tỷ đồng)…

Đây cũng là năm đánh dấu diễn biến giao dịch tích cực của cổ phiếu ROS trên thị trường chứng khoán, thu hút sự quan tâm và tăng quy mô vốn hóa của các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.

Cổ phiếu ROS được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đưa vào danh sách chỉ số VN30, được xem là sự ghi nhận từ cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với sự phát triển của công ty.

Năm 2017 cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận của FLC Faros. Nhờ mở rộng quy mô, ký được nhiều hợp đồng thi công giá trị lớn, đồng thời tái cơ cấu các khoản đầu tư, tổng doanh thu cả năm của công ty đạt 5.360 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 848 tỷ đồng, lần lượt tăng 51% và 80,4% so với kết quả thực hiện năm 2016.

So với kế hoạch lợi nhuận năm mà ĐHĐCĐ thường niên 2017 thông qua là 588 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành vượt 44%.

Theo đó, công ty dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ chi trả là 20%/vốn điều lệ, thời gian dự kiến trong quý 2 – 3 năm 2018.

Chủ đầu tư 13 dự án/60 dự án thi công, chỉ nợ ngân hàng 700 tỷ đồng

Dự báo về thị trường bất động sản trong năm 2018, các chuyên gia đánh giá thị trường sẽ phát triển tốt hơn năm 2017.

Khu vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục có sức hút lớn trong năm 2018 vì tăng trưởng ngành du lịch mấy năm gần đây đạt khá cao (30-40%) và có xu hướng đi lên.

Trong bối cảnh này, ban lãnh đạo FLC Faros đặt mục tiêu doanh thu 2018 đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 352 tỷ đồng.

Đại hội cũng thông qua phương án phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tối đa 300 triệu cổ phiếu với mệnh giá 12.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ thêm tối đa 3.000 tỷ đồng.

83% tổng số tiền thu được dự kiến sẽ được công ty dự định đầu tư vào dự án quần thể du lịch tại đảo Ngọc Vừng, Quảng Ninh.

Trước câu hỏi của cổ đông là tại sao giá chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu lại là 12.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá thị trường, mang lại lợi ích cho cổ đông đa số, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC Faros – cho biết các cổ đông chiến lược, dài hạn đã đầu tư ban đầu một số lượng vốn lớn, đồng hành cùng công ty cả một quá trình, nên FLC Faros mong muốn tiếp tục đồng hành cùng những cổ đông chiến lược lâu dài. Mức giá bán trên đã được thảo luận và đưa ra thống nhất trước bởi đông đảo cổ đông tại đại hội.

Đối với câu hỏi tại sao FLC Faros không vay vốn ngân hàng để đầu tư vào dự án quần thể nghỉ dưỡng tại đảo Ngọc Vừng, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, FLC Faros là chủ đầu tư chính của dự án, số vốn đầu tư tương đối lớn (xấp xỉ 2 tỷ USD) nên cần phát hành cho cổ đông hiện hữu song song với vay vốn mới có thể đáp ứng.

Hiện tại, FLC Faros là nhà thầu thi công 60 dự án và là chủ đầu tư ít nhất vào 13 dự án, mỗi dự án có quy mô lớn trên hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ nợ ngân hàng 700 tỷ đồng. Do đó, HĐQT đã xin ý kiến phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn vào các dự án dài hạn của công ty.

 Hải An

Theo Nhịp sống kinh tế

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…